Nền chính trị Hoa Kỳ cần đức hạnh và sự cao quý, đây là một đặc điểm quan trọng của quá trình Hoa Kỳ lập quốc. Ngay trong Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, các vị Cha Lập quốc đã liệt kê những thiếu sót của Vua Anh, cũng là những thiếu sót nói chung của một người lãnh đạo không có đức hạnh và sự cao quý. Đây cũng là một lý do chính khiến Hoa Kỳ tuyên bố độc lập.

Hoa Kỳ lập quốc: Chính trị cần đức hạnh và sự cao quý
Hội nghị Lập Hiến 1787. (Tranh: Junius Brutus Stearns, Wikipedia, Public Domain)

Benjamin Franklin từng nói: “Chỉ những người có đạo đức mới xứng đáng được tự do”. George Washington cũng nói: “Tôn giáo và đạo đức là những trụ cột không thể thiếu của Hoa Kỳ.”

Nhận thức này không thể tách rời khỏi bối cảnh lịch sử của Hoa Kỳ năm đó. Trước Cách mạng Hoa Kỳ, người dân thuộc địa không thích Vua Anh và muốn thoát khỏi ông. Báo chí và công chúng đã tranh cãi vào thời điểm đó, cho rằng sau khi tách ra, người dân không muốn lại có một vị vua khác, điều này đồng nghĩa với việc người dân Hoa Kỳ phải đối mặt với việc tự quản. Trên thực tế, 13 thuộc địa tại thời điểm đó ít nhiều đều đang tự trị, nhưng việc hoàn toàn tự trị cũng khiến người ta lo lắng.

Các trí thức thời đó có một khái niệm mạnh mẽ rằng nếu người dân không có đủ đạo đức và ý thức, họ sẽ không thể đạt được một chính quyền tự trị, cuối cùng sẽ kết thúc trong một mớ hỗn độn. Đồng thời với sự chèn ép của Vua Anh, lực ly tâm ngày càng mạnh hơn, và một số chính trị gia cũng xuất hiện. Họ có đạo đức cao và chiếm được lòng tin của công chúng. Những người này bao gồm John Adams, George Washington, Richard Henry Lee và Joshua Quincy. Sự hiện diện của những người này đã mang lại niềm tin cho công chúng, và người ta cảm thấy rằng có lẽ họ thực sự có thể tự trị. Do đó, Hoa Kỳ ban đầu không độc lập một cách tự nhiên, mà phải trải qua một quá trình suy ngẫm và do dự suốt một thời gian dài, và được xem xét từ góc độ đạo đức.

Khi Hoa Kỳ được thành lập, đất nước này có thể nói là nước cộng hòa hiện đại đầu tiên. Mặc dù đã có các nước cộng hòa ở Hy Lạp và La Mã trước đó, nhưng xã hội nhân loại hầu hết đều được cai trị bởi các vị vua. Nếu thành lập một quốc gia  mà không có vua và tự trị hoàn toàn, thì các vị Cha Lập quốc tin rằng cần có một tiền đề quan trọng. Đó là người dân phải có đủ đạo đức, như vậy họ mới có thể tự kiểm soát bản thân, nếu đạo đức không đủ, nền tự trị sẽ không thể thành lập.

Thomas Paine, một người rất nổi tiếng ở Hoa Kỳ, đã viết một cuốn sách, truyền niềm tin vào người dân thuộc địa tại thời điểm đó. Paine nói, chúng ta phải tin vào chính mình. Đặc điểm của chúng ta là chăm chỉ, tiết kiệm và trung thực. Ông cũng nói rằng nhiều người ở châu Âu theo đuổi sự xa xỉ, phù phiếm, không tiết chế nên có rất nhiều vấn đề, nhưng điều này sẽ không xảy ra ở các thuộc địa của chúng ta. Sau đó, báo chí xuất bản rất nhiều bài báo, giới trí thức tự kiểm điểm lại bản thân, xem liệu đạo đức của xã hội đã đủ chưa? Liệu xã hội có thể theo đuổi lợi ích cộng đồng hay không?

Người dân thuộc địa lúc đó rất có tinh thần tự suy xét lại bản thân, họ đã tạo ra một cuộc “Cải cách đạo đức”.

Tất nhiên, khi đối đầu với Vua Anh, người dân sẽ phải mất rất nhiều. Bởi vì việc tẩy chay hàng hóa của Anh sẽ dẫn đến sự gián đoạn thương mại và nhiều tổn thất. Người dân thuộc địa bấy giờ đã thản nhiên chấp nhận nó. Bởi tại thời điểm đó, việc theo đuổi lợi ích và quyền lợi cộng đồng đã trở thành một ý thức xã hội. Đây chính là sự thay đổi trong lòng người dân trước Cách mạng Hoa Kỳ.

Đồng thời với việc người dân phải có đạo đức, thì người lãnh đạo lại càng cần phải có đức hạnh và tài năng. Đối chiếu với hoàn cảnh châu Âu thời bấy giờ, thì giới quan lại quyền quý đã trở thành một thùng thuốc nhuộm. Các vị cha lập quốc Hoa Kỳ đã cảm thấy điều này là rất sai trái. Do đó, nếu như làm quan ở châu Âu là vinh hoa phú quý, thì làm quan ở Hoa Kỳ cần phải là sự phụng sự.

Samuel Adams, một trong các vị Cha Lập quốc, từng nói: “Ngay cả Hiến pháp uyên bác nhất hay luật pháp uyên bác nhất cũng không thể mang đến tự do và hạnh phúc cho một người đã hoàn toàn mục ruỗng. Vì thế, người tuyên dương đạo đức là người bảo vệ tự do cho tổ quốc… chúng ta sẽ không thể để một người nắm quyền lực và lòng tin mà không uyên bác và có đạo đức.”

Một trong những hình mẫu lúc bấy giờ là George Washington. Khi còn là Tổng tư lệnh Lục quân Lục địa, ông đã không nhận một xu. Sau đó, ông trở thành tổng thống. Mức lương của tổng thống là 25.000 USD mỗi năm, số tiền này lúc đó là rất nhiều, nhưng George Washington cũng không nhận, mà làm một tổng thống tình nguyện. Một số người sau này nói rằng Washington có sơn trang Vernon, nên ông không cần số tiền này. Nhưng không phải vậy, trong cuộc chiến tranh giành độc lập, sơn trang Vernon đã bị phá hủy. Khi Washington làm tổng thống trong 8 năm, sơn trang Vernon của ông cũng chưa thể khôi phục sản xuất, vì vậy Washington thực sự có rất ít tiền. Tuy nhiên, Washington nghĩ rằng ông làm tổng thống là để phục vụ công chúng, và ông sẽ không nhận số tiền này.

Nhiều vị cha lập quốc của Hoa Kỳ đã quyết tâm thiết lập hiến pháp và gây dựng một quốc gia, nhưng bản thân họ không hề giàu có. Bao gồm Samuel Adams, ông nói rằng chính trị học là một khoa học cao cả nhằm phục vụ công chúng. Ông nói làm chính trị không phải để kiếm tiền cho bản thân mình. Ông dấn thân vào chính trị là vì thế hệ tương lai sau này có thể học toán, học khoa học và nhiều ngành hơn trong tương lai.

Đây là quan điểm của các vị Cha Lập quốc. Chính trị là một điều cao quý, và những người cao quý nên làm điều đó.

Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: