Người xưa mặc khải được rằng, nếu con người thuận Đạo Trời mà hành xử thì Trời liền hiện ra những điều may mắn, cát tường. Khi ấy, mưa thuận gió hòa, mùa màng sẽ bội thu và đất nước thái bình, người dân sống an định. Trái lại, nếu con người làm ra những việc nghịch Đạo Trời, phạm phải việc xấu, thì Trời sẽ giáng xuống những điềm xấu, những hiện tượng kỳ dị. Khi ấy, thời tiết sẽ khô cằn, hạn hán hoặc lũ lụt, thiên tai, đất nước xảy ra binh biến, người dân sống trong loạn lạc, lầm than. Ngoài ra, người xưa còn tin rằng thiên tượng là sự cảnh báo của Trời cao dành cho con người, đặc biệt là Hoàng đế. Nếu Hoàng đế có thể tỉnh ngộ, thông qua đó mà sửa chữa những khuyết thiếu trong đức hạnh hay việc trị quốc của mình thì thiên tai sẽ nhanh chóng biến mất. Sự việc này duyệt xem sử sách có thể thấy vô cùng nhiều. Dưới đây là một câu chuyện xảy ra vào thời Hán Minh Đế Lưu Trang được ghi chép lại trong cuốn chính sử Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang.

Hoàng đế tỉnh ngộ sửa sai, thiên tượng lập tức chuyển biến
(Tranh minh họa: Chí Thanh, Vision Times tiếng Trung)

Trong lịch sử nhà Đông Hán, Hán Minh Đế Lưu Trang là vị Hoàng đế thứ hai, kế thừa sự anh minh của Hán Quang Vũ Đế, khiến nhà Đông Hán phát triển rộng lớn, thu phục được Hung Nô và Tây Vực, cầu đạo Phật từ Thiên Trúc về Trung Hoa, mở ra sự giao lưu văn hóa giữa Trung Hoa và Tây Á.

Năm Vĩnh Bình thứ 13 thời Hán Minh Đế, tháng Mười xảy ra nhật thực. Lần nhật thực này ứng với một chuyện lớn: Sở vương Lưu Anh là anh khác mẹ của Hán Minh Đế chế tác các đồ rùa vàng, hạc ngọc, khắc văn tự làm phù thụy, chuẩn bị cho âm mưu phản nghịch. Chuyện bị phát giác, các quan tra xét chứng thực rồi báo lên, Hán Minh Đế niệm tình Lưu Anh là người thân, không nỡ giết, phế và đày Lưu Anh đến huyện Kính, lại ban cho năm trăm hộ làm ấp thang mộc. Đồng thời, Hán Minh Đế cho phép những con cháu nhà Lưu Anh được giữ tước Hầu, Công chúa, cho phép mẹ của Lưu Anh vẫn giữ tỉ thụ thái hậu, ở lại cung của Sở vương.

Hán Minh Đế vốn là người bao dung, nhiều lần khoan thứ cho việc người thân thích có lòng khác. Chẳng hạn Quảng Lăng vương Lưu Kinh là em cùng mẹ với Hán Minh Đế, luôn dòm ngó hoàng vị. Lưu Kinh từng âm mưu làm loạn, bị phát giác, mà Hán Minh Đế chỉ lưu đày Lưu Kinh đến đất phong. Sau này Lưu Kinh dám buông lời đại nghịch: “Ta lớn lên giống Tiên đế, mà Tiên đế năm 30 tuổi làm Hoàng đế. Nay ta cũng 30 tuổi, nên hay không khởi binh làm nên cơ nghiệp?”. Việc bị tấu lên, mà Hán Minh Đế cũng không truy cứu.

Đến chuyện Lưu Anh mưu phản, mới đầu Hán Minh Đế cũng rất khoan hòa.

Tuy nhiên, năm Vĩnh Bình thứ 14, trong quá trình điều tra vụ án của Lưu Anh, quan lại dâng lên một cuốn sổ có ghi chép tên rất nhiều danh sĩ trong thiên hạ được Lưu Anh kết giao, hơn 500 người. Nghi ngờ chuyện phản nghịch có liên quan đến thế lực lớn, có thể làm lung lay triều đình Đông Hán mới vừa được Hán Quang Vũ Đế gây dựng, Hán Minh Đế đại nộ, quyết truy cứu án.

Từ lời cung của 500 người trong cuốn sổ, quan lại tra xét, liên hệ tới nhiều người ở kinh sư, chư hầu, hào kiệt. Những người bị liên quan đều nhất nhất bị phán tội, thậm chí quan lại tra xét run sợ, không ai dám dựa vào tình thực mà khoan thứ. Vụ án này khiến hàng nghìn người bị lưu đày, mấy nghìn người bị giam trong nhà ngục để tiếp tục xét cứu.

Năm đó trời hạn hán.

Bấy giờ chỉ có Thị ngự sử Hàn Lãng trong quá trình xét án thì thương xót những người trong nhà ngục. Ông ta bất chấp nguy cơ đến tính mạng, đối đáp với Hán Minh Đế. Được vài câu, Hán Minh Đế sai người lôi xuống, Lãng nói với lên: “Xin được nói một lời rồi chết!”

Sau đó, Lãng thưa: “Thần khảo xét việc một năm, không tra được cùng tận gian mưu thực, lại vì tội nhân kêu oan, cho nên biết sẽ bị diệt tộc. Nhưng sở dĩ thần nói ra, thực mong Bệ hạ một lần tỉnh ngộ mà thôi. Thần thấy những người dự vào việc khảo tù phạm, đều nói phản nghịch là đại tội, là thần tử đều nên căm ghét, nay nói người ta vô tội chẳng bằng phán có tội, có thể không bị trách tội về sau. Vì thế khảo đả một người liên lụy mười người, khảo đả mười người liên lụy cả trăm. Lại nữa là công khanh triều hội, Bệ hạ hỏi đến điều được mất, thì đều quỳ dài nói: ‘Theo phép cũ, đại tội họa đến cửu tộc; Bệ hạ đại ân, quyết tội dừng ở đương sự, thiên hạ may lắm!’ Lúc họ về nhà, miệng tuy chẳng nói ra nhưng ngẩng lên nóc nhà ngầm than thở, chẳng ai không biết có nhiều người bị oan, mà không dám nghịch ý Bệ hạ nói ra điều ấy. Nay thần tỏ bày được lời này, thực chết không hối!”

Hán Minh Đế bất ngờ trước sự chân thành của Lãng, hơi nguôi giận, đuổi Lãng ra ngoài.

Hai ngày sau, Hoàng đế tự mình đích thân đến nhà ngục, xét án, phóng thích hơn nghìn người.

Bấy giờ trời lập tức có mưa lớn.

Sau, Hoàng hậu lại lựa dịp nói với Hán Minh Đế, rằng án của Sở vương nhiều người bị lạm sát. Hoàng đế bấy giờ đã tỉnh ngộ rồi, lại cảm thấy hết sức hối hận, “nửa đêm thức dậy bàng hoàng, từ đấy với tội phạm đa phần khoan thứ”.

Hàn Lãng lấy thân mình khiến Hoàng đế tỉnh ngộ, Hán Minh Đế phóng thích người bị án oan, trời đang hạn lập tức có mưa lớn, quả thật là khiến hậu nhân cảm thấy thần kỳ. Kỳ thực những chuyện như vậy cũng không thiếu ghi chép. Xưa kia vua Thành Thang triều Thương vì trời đại hạn mà tự hiến tế bản thân, khiến cho trời đất đổ mưa, đây chính là “Thiên-Nhân” đối ứng vậy (Xem bài: Đạo trị quốc thời xưa: Nhìn mặt nước tự soi mình).

Tham khảo Tư Trị Thông Giám tập 3 (2018), Dịch giả Bùi Thông, Hiệu đính Nguyễn Đức Vịnh, NXB Văn học.

Ninh Sơn

Xem thêm:

Mời xem video: