Sử Việt chứng kiến nhiều trường hợp những người bạn đồng liêu, đồng học cùng giúp nhau lập nên nghiệp lớn, nhưng cũng có những trường hợp thật trớ trêu khi kẻ làm quan, người làm giặc. Nói đến chuyện trợ giúp lẫn nhau thì phải kể tới chuyện Đôi bạn nhờ nói khích nhau mà đỗ tiến sĩ; hay chuyện Bốn người bạn sinh cùng năm, chết cùng năm, làm nên nghiệp lớn. Thế nhưng lịch sử cũng chứng kiến một đôi bạn từ thời ấu thơ, học cùng một thầy, nhưng từ nhỏ đã thể hiện chí hướng khác nhau, và trớ trêu thay lịch sử lại để họ trở thành đối thủ của nhau trên chiến trường. Đó là đôi bạn Phạm Đình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu.

Thuở ấu thơ học cùng thầy, chí hướng khác biệt

Phạm Đình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu tuy cùng sinh ra ở Hải Dương, nhưng trong hai gia cảnh hoàn toàn khác nhau. Phạm Đình Trọng là con trai thứ hai của quan Phạm Huy Ánh hàm Thái tử Thái bảo; trong khi đó Nguyễn Hữu Cầu là con trong một gia đình nông dân.

Thuở nhỏ gia đình Nguyễn Hữu Cầu rất nghèo khó, dù thế ông vẫn chịu khó học hành. Nguyễn Hữu Cầu và Phạm Đình Trọng học cùng một thầy nên quen biết và dần dần hiểu nhau. Nhưng cả hai lại có thành kiến với nhau.

Một hôm thầy đi đám, thầy liền cho hai học trò đi theo. Lúc về, nhà đám có cho thủ lợn. Cầu và Trọng không ai muốn xách thủ lợn. Thầy liền ra về đối, ai đối không được phải xách thủ lợn.

Thầy đọc: “Huề trư thủ.” (nghĩa là: xách đầu lợn).

Trọng đối lại: “Phan long lân.” (nghĩa là: vịn vây rồng)

Cầu lại đối rằng: “Diệt Tần phá Sở.”

Thầy liền cầm cây quạt gõ lên đầu Cầu nói rằng đối không chuẩn, thừa chữ và phải xách thủ lợn. Cầu cãi rằng: “Tôi đối sai thật, nhưng ý tôi là muốn bóc vẩy rồng kia, chứ không thèm vịn vây rồng như Trọng!”

Phạm Đình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu
(Tranh minh họa của họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Một lần khác thầy ra về đối: “Mười rằm trăng náu, mười sáu trăng treo.”

Trọng đối rằng: “Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc.”

Còn Cầu đối: “Tháng mười sấm rạp, tháng chạp sấm động.”

Nghe hai trò đối xong, thầy bảo: “Thằng Trọng có khẩu khí làm quan to, còn thằng Cầu thì chỉ làm giặc!”

Từ đó thầy cũng không muốn dạy Cầu nữa, nên Cầu tìm thầy khác tiếp tục việc học hành.

Một hôm nhà ông thầy mới có việc phải mổ bò đãi khách, nhân đó thầy ra vế đối: “Tề hoàng ngưu.” (nghĩa là: giết bò vàng)

Cầu nhanh nhẩu đối ngay rằng: “Trảm bạch xà” (nghĩa là: chém rắn trắng – rắn trắng trong truyền thuyết tượng trưng cho khí số nhà Tần, bị Lưu Bang chém chết – hàm ý rằng Cầu muốn lật đổ triều đình hiện tại)

Thầy bảo đối thế là sai luật, Cầu đáp: “Tôi chỉ cốt lấy ý chứ không cần luật. Vả lại ‘giết bò vàng’ đối với ‘chém rắn trắng’ mà không đúng luật à?”

Thầy liền động viên: “Thế thì mày có chí lớn đấy! Cố lên con ạ!”

Kẻ làm cướp, nổi dậy

Sau đó Nguyễn Hữu Cầu học võ, lớn lên gia cảnh quá nghèo nên đành tập hợp trai tráng làm cướp.

Lúc này tại Triều đình, chúa Trịnh Giang lấn át vua Lê, chỉ lo ăn chơi sa đọa, sưu cao thuế nặng khiến người dân oán thán (Xem bài: Làm ác gặp ác báo: Vị Chúa trong sử Việt phải chui nhủi dưới hầm suốt 20 năm cuối đời). Các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi. Năm 1739 Nguyễn Hữu Cầu gia nhập cuộc khởi nghĩa của hai anh em Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ ở Ninh Xá.

Nguyễn Hữu Cầu nhanh chóng tỏ ra là một tướng tài ba qua các trận đánh, dần dần nhận được sự tin yêu của Nguyễn Cừ. Nguyễn Cừ quyết định gả con gái cho Cầu.

Bởi có tài cả văn kiêm võ, lại bơi lội rất giỏi nên Nguyễn Hữu Cầu được gọi là quận He. He là tên loài cá ở biển Đông, bởi Hữu Cầu bơi khoẻ và hùng dũng nên được gọi như vậy.

Năm 1741, cuộc khởi nghĩa bị thất bại, thủ lĩnh Nguyễn Tuyển bị hạ sát, Nguyễn Cừ bị bắt. Hai tướng trụ cột là Hoàng Công Chất và Nguyễn Hữu Cầu tiếp tục lãnh đạo quân lính, nhưng tách ra thành hai cánh quân khác nhau.

Nguyễn Hữu Cầu đem quân tiến đánh núi Đồ Sơn và đất Vân Đồn, dù gặp không ít khó khăn nhưng cuối cùng quân của Cầu chiến thắng. Nguyễn Hữu Cầu xây dựng Đồ Sơn thành căn cứ vững chắc.

Phạm Đình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu
Bản đồ cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu. (Tranh: Thuvienlichsu.com)

Trong khi đó Hoàng Công Chất dẫn cánh quân của mình hoạt động ở Sơn Nam. Cánh quân này giỏi thuỷ chiến, thường ra vào nơi cỏ rậm bùn lầy không để lại dấu tích.

Hai cánh quân Nguyễn Hữu Cầu và Hoàng Công Chất liên minh với nhau khá chặt chẽ gây cho quân Trịnh tổn thất rất lớn.

Sau những trận thắng lớn, thanh thế quân Nguyễn Hữu Cầu ngày càng truyền đi. Các sử gia đều đánh giá Nguyễn Hữu Cầu là người lắm mưu mẹo, có những lúc bị bao vây đến mấy lớp thế nhưng Nguyễn Hữu Cầu vẫn thoát được ra ngoài.

Người làm quan, thống lĩnh ba quân

Khi Nguyễn Hữu Cầu không được thầy muốn dạy tiếp nữa, nên phải chuyển sang học thầy khác, thì Phạm Đình Trọng vẫn dùi mài kinh sử.

Năm 1739 là thời điểm Nguyễn Hữu Cầu gia nhập cuộc khởi nghĩa, thì cũng chính là thời điểm Phạm Đình Trọng dự thi lần đầu và đỗ tiến sĩ, giữ chức Phó đô ngự sử. Sau đó ông được chúa Trịnh Doang phong làm Hiệp thống lĩnh 3 đạo Đông, Nam, Bắc.

Lịch sử trớ trêu

Quân Nguyễn Hữu Cầu nhiều lần đe dọa tấn công vào kinh thành Thăng Long khiến chúa Trịnh lo lắng, cả một vùng rộng lớn thuộc Hải Phòng và Quảng Ninh ngày nay đều lọt vào tay quân của Cầu. Các binh tướng nhà Trịnh ai cũng sợ hoặc e ngại khi đối đầu với quận He.

Trong khi đó, Phạm Đình Trọng được cử phối hợp cùng viên tướng nhiều kinh nghiệm là Hoàng Ngũ Phúc đánh dẹp quân của Nguyễn Hữu Cầu.

Vậy là lời tiên đoán của người thầy khi xưa đã ứng nghiệm: Phạm Đình Trọng làm được quan lớn trong Triều đình, còn Nguyễn Hữu Cầu thì làm giặc. Và trớ trêu thay, họ lại đối mặt với nhau trên chiến trường.

  • Còn nữa

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: