Làng Đông Ngạc, tên nôm là Kẻ Vẽ, nay là phường Đông Ngạc thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đây là làng nổi tiếng đất Thăng Long xưa bởi có nhiều người đỗ đạt. Họ Phạm có 16 vị tiến sĩ; họ Phan có 7 tiến sĩ, 28 cử nhân và 50 tú tài; họ Nguyễn có 5 tiến sĩ, 30 cử nhân và 40 tú tài. Vì thế mà người Thăng Long xưa có câu: “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”.

Kẻ Vẽ: Làng khoa bảng nổi danh nhất Thăng Long
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Theo thư tịch của làng Kẻ Vẽ thì vào cuối thời nhà Trần, các họ Phạm, Phan, Đỗ, Nguyễn từ đất Ái Châu, Hoan Châu lần lượt ra định cư ở làng. Đây là những họ có công lao lớn mở đất lập làng.

Tiến sĩ khai khoa Phan Phu Tiên

Người đỗ khai khoa của làng là Phan Phu Tiên. Tổ tiên ông vốn là họ Phan ở trấn Nghệ An. Họ Phan vào cuối thời nhà Trần hay bị quân Chiêm Thành quấy phá, nên quyết định dời đến Kẻ Vẽ.

Theo thần phả của làng thì Phan Phu Tiên thi đỗ Thái học sinh (tức tiến sĩ) năm 1388 thời vua Trần Thuận Tông.

Sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ tổ chức kỳ thi Minh kinh bác học chọn nhân tài năm 1429. Phan Phu Tiên đăng ký thi và một lần nữa đỗ, trở thành “lưỡng triều tiến sĩ”, tức thi đỗ tiến sĩ ở hai triều khác nhau.

Sau khi thi đỗ, Phan Phú Tiên vâng lệnh biên soạn “Việt âm thi tập”, bộ hợp tuyển văn thơ đầu tiên. Sau đó ông nhận lệnh biên soạn cuốn “Đại Việt sử ký tục biên”.

Trước đó nhà Hồ không chống được quân Minh nên rất nhiều ghi chép về văn hóa lịch sử bị quân Minh đốt hoặc mang về nước. Phan Phu Tiên có công lao lớn khi biên soạn ghi chép lại một phần văn minh rực rỡ thời Lý – Trần.

Phong thủy đình làng

Là đất học, làng Kẻ Vẽ có nhiều người làm quan nhờ con đường khoa bảng. Đường làng lát gạch nghiêng chữ Nhân, đường nào trong làng cũng rộng đủ cho ngựa đi lại, cổng nhà theo lối “văn phòng tứ bảo” tức mực giấy bút nghiên. Các cổng làng, cổng ngõ hầu hết đầu có hai ngọn bút tháp vươn cao thể hiện tinh thần hiếu học. Trong nhà thờ các dòng họ đều có bức hoành phi hoặc câu đối thể hiện tinh thần hiếu học.

Làng có Văn Chỉ là 2 tòa nhà, mỗi tòa 3 đến 5 gian, thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền, cùng những người đỗ đại khoa làm rạng danh cho làng.

Tương truyền đình làng xưa kia chỉ là ngôi miếu thờ thủy thần ở bờ sông Nhị Hà. Vào năm 1637 có thầy địa lý đi qua nói rằng làng có khí thiêng đầu rồng, rồi chỉ cho khu đất quý nói rằng nên xây đình làng ở đó. Khu đất ấy thuộc sở hữu của cụ Đường, khi làng ngỏ lời, cụ Đường hào phóng đồng ý để lại miếng đất rộng trên 3 mẫu cho làng để xây Đình.

Cách bố trì đình làng cũng lạ, phía sau trên gò cao là phần cổ, còn hai trụ ở cạnh sông là râu rồng. Vị trí cặp mắt rồng được đào 2 cái giếng, nhưng vì rất rộng nên nhiều người nói rằng đấy là 2 cái ao. Giếng này được đào để ứng với cặp mắt của đầu rồng, chứ không phải để lấy nước sinh hoạt.

Noi gương cha ông

Làng Đông Ngạc xưa kia còn có tên là Đống Ếch, bởi người làng khác đến đây khi nào cũng nghe tiếng học trò râm ran đọc sách như tiếng ếch kêu.

Người làng cũng truyền lại nhiều tấm gương của cha ông xưa kia. Lưỡng triều tiến sĩ Phan Phu Tiên cũng dạy bảo thế hệ sau:

Trẻ mà không học khó làm nên
Tự thẹn già nua trót kém hèn
Ôn cũ sau này mong biết mới
Vào nhà ắt phải bước qua hiên.

Một tấm gương khác của làng là bảng nhãn Phạm Quang Trạch. Ông siêng năng học tập, tối đến thì lấy vải tẩm nước đặt lên đùi để lạnh quá sẽ không ngủ gật. Các gốc cau trong vườn nhà ông đều nhẵn bóng do vịn tay hay dựa vào để học.

Một người khác là Đỗ Thế Giai, làm quan đầu triều thời vua Lê – chúa Trịnh, là vị quan chính trực và ngay thằng, được nhà Vua tặng cho 4 chữ “Thiết thạch tinh trung” nghĩa là người ngay thẳng vững vàng như sắt đá. Ông cũng là người duy nhất được Triều đình phong Vương ngay khi còn sống.

Họ Hoàng dù mới đến làng từ cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 nhưng đã có, “tam thế liên khoa” tức 3 đời liền đỗ tiến sĩ, đó là các cụ: Hoàng Nguyễn Thự, Hoàng Tế Mỹ, Hoàng Tướng Hiệp.

Làng Kẻ Vẽ ngày nay vẫn tiếp nối được tấm gương hiếu học của cha ông, rất nhiều người có học vị cao từ cử nhân đến tiến sĩ, nhiều người được phong hàm giáo sư. Nếu tính đến ngày nay thì số người đỗ tiến sĩ cũng gần trăm người.

Vào tháng 2 âm lịch hàng năm, đình làng là nơi diễn ra hội làng, mùng 9 diễn tập đội mũ, đến tối làm lễ nhập tịch, mùng 10 lễ rước chính thức. Rất đông người làng cùng làng bên đến dự hội náo nhiệt.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: