Trong mâu thuẫn, một người nếu luôn đặt lợi ích của mình lên đầu, không biết xử sự, không biết nghĩ cho người khác trước thì sớm muộn cũng sẽ gặp họa. Trái lại, một người có thể vì lợi ích của người khác mà suy xét, mà nhường nhịn, thì thứ mà người ấy nhận được sẽ nhiều hơn những gì mà họ tưởng tượng.

Cách người trí tuệ xử sự trong mâu thuẫn
(Ảnh minh họa: Kris L, Shutterstock)

Chuyện kể rằng ở một địa phương nọ có hai gia đình là hàng xóm của nhau. Một người là chủ một nông trường, anh ta nuôi rất nhiều cừu và dê. Hàng xóm của anh ta là một người thợ săn, nên trong nhà có nuôi một vài con chó săn hung dữ.

Có lần một con chó săn nhảy qua hàng rào phân cách giữa hai gia đình để tấn công những con cừu con. Sau đó, lũ chó thường xuyên sang quấy phá như vậy.

Người chủ của nông trường đã nhiều lần sang nhà hàng xóm nhờ họ nhốt những con chó săn ấy lại. Nhưng người thợ săn lại không bằng lòng với cách làm ấy. Anh ta ngoài miệng thì đồng ý, nhưng trong lòng lại nghĩ: “Mình thả chó ở sân nhà mình, đâu có can hệ gì đến anh ta chứ!”.

Một vài ngày sau, những con chó săn lại nhảy qua hàng rào và cắn bị thương những con cừu nhỏ của nhà chủ nông trường.

Người chủ nông trường tức giận, không nhịn nổi nữa, bèn tìm đến quan tòa để nhờ phân xử.

Vị quan tòa sau khi nghe xong những lời tố cáo liền nói: “Tôi có thể xử phạt được người thợ săn kia, đồng thời còn có thể ra thông báo yêu cầu người thợ săn phải nhốt mấy con chó ấy lại.”

Trầm ngâm một lát, ông nói tiếp: “Nhưng nếu làm như thế, anh sẽ bị mất đi một người bạn và có nhiều hơn một kẻ thù. Anh muốn làm hàng xóm với kẻ thù hay muốn làm hàng xóm với một người bạn?”

Người chủ nông trường đáp: “Đương nhiên là tôi muốn làm hàng xóm với một người bạn rồi!”

Vị quan tòa lại nói: “Vậy thì tốt rồi! Tôi sẽ chỉ cho anh một cách, anh cứ theo cách đó mà làm. Tôi cam đoan với anh rằng, chẳng những đàn cừu của anh không bị làm phiền nữa mà anh còn có được một người bạn tốt.”

Vị quan tòa sau khi nói ra cách của mình, người chủ nông trường nghe xong, vui vẻ nói: “Cách ngài dạy rất đúng!”

Sau khi trở về nhà, người chủ nông trường chọn ra ba con cừu nhỏ đáng yêu rồi mang sang nhà hàng xóm, tặng cho ba cậu con trai của gia đình họ.

Nhìn thấy những chú cừu ngoan ngoãn, dễ thương, ba đứa trẻ như được tặng báu vật. Mỗi ngày chúng đều chơi đùa với những chú cừu con ấy. Nhìn thấy các con vui đùa bên mấy con cừu nhỏ, người thợ săn sợ lũ chó sẽ làm tổn hại đến chúng nên đã lặng lẽ sắp xếp chỗ cho lũ chó trong nhà kho, cũng quản lý chặt hơn việc thả chúng ra ngoài.

Từ đó về sau, đàn cừu của ông chủ nông trường không còn bị những con chó săn tấn công làm tổn thương nữa. Vì để báo đáp lại lòng tốt của ông chủ nông trường, người thợ săn bắt đầu tặng cho gia đình họ những món ăn bằng thịt thú rừng. Ông chủ nông trường cũng thường xuyên tặng cho người bạn láng giềng sữa và pho-mát. Thời gian dần qua đi, hai người họ trở thành những người bạn tốt, chia ngọt sẻ bùi cùng nhau.

Bởi vậy, muốn thuyết phục một người nào đó, biện pháp tốt nhất mà chúng ta nên làm là nhường nhịn, suy nghĩ cho họ trước, khiến cho họ cũng có thể từ đó mà được lợi ích. Nếu trong mâu thuẫn mà chỉ suy nghĩ biện pháp để bảo vệ được lợi ích của bản thân, không biết xử sự, thì chúng ta sẽ không được gì cả, thậm chí còn mất đi nhiều hơn.

Mọi người ai ai cũng mong muốn mình có một cuộc sống vui vẻ và tốt đẹp. Không ai thích bị người khác công kích, tranh giành tới lui, mỗi ngày đều trải qua trong uất ức và chán ghét. Nếu chúng ta có thể đem những sự tình không hay biến thành những điều tốt đẹp thì mỗi ngày đều là một ngày vui vẻ.

Rất nhiều khi trong mâu thuẫn, chỉ cần chúng ta thay đổi một chút ý niệm, nhường nhịn một chút, biết xử sự là có thể thay đổi được hoàn cảnh khó khăn hiện tại. Khi đối mặt với mâu thuẫn mà có thể dùng thiện ý làm điểm xuất phát thì sự tình sẽ có kết quả khác.

Cổ nhân giảng: “Lùi một bước biển rộng trời cao”, buông bỏ lợi ích của bản thân, nghĩ cho người khác trước là một loại trí tuệ. “Lùi một bước” không chỉ “biển rộng trời cao” mà còn có thể “biến chiến tranh thành tơ lụa”.

Tất nhiên, việc này không phải ai cũng dễ dàng làm được. Nó đòi hỏi một người không ngừng tu dưỡng bản thân, trở thành người lương thiện, nhân hậu, không quá đặt nặng danh lợi của bản thân. Một người khi đã có thể vì người khác, đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của mình thì người ấy đã đạt đến một cảnh giới cao thượng rồi.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: