Trong lý niệm truyền thống, “Đạo” có hàm nghĩa là “Thiên đạo” (đạo Trời), “Đức” là chỉ việc con người thuận theo “Đạo”. Khổng Tử cho rằng, người hành theo đạo của thánh nhân là phải “kính Trời biết mệnh”, đạt tới cảnh giới cùng “thiên địa tương thông” và “thiên nhân hợp nhất”.

Khổng Tử: Đạo của thánh nhân là "kính trời biết mệnh"
(Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Biết thiên đạo mới an thân lập mệnh

Một lần vua Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử: “Xin hỏi, Thiên đạo quý như thế nào?”

Khổng Tử đáp: “Quý vô cùng. Như sự luân chuyển vô cùng tận từ đông sang tây của mặt trời và mặt trăng, là thể hiện của Thiên đạo. Sự liên tục, không ngừng, là thể hiện của Thiên đạo. Vô vi mà thành vật, là Thiên đạo. Lấy kết quả mà nói rõ, là Thiên đạo”.

Khổng Tử cảm ngộ được rằng Thiên đạo tự có đức, sinh tạo vạn vật, tính chất quang minh, có năng lực sinh sôi nảy nở không ngừng. Khổng Tử kính Trời, cho rằng Thiên Đạo có mặt ở khắp nơi, không đâu là không có, biểu hiện ở nơi đất là địa đạo, ở nơi nước là thủy đạo, ở nơi người là nhân đạo. Làm người cần không ngừng bồi dưỡng đạo đức mới có thể biết được Thiên đạo và Thiên mệnh, mới có thể đạt tới an thân lập mệnh.

Khổng Tử còn nói rằng: “Trời vô tư phủ che, đất vô tư nâng đỡ, nhật nguyệt vô tư chiếu rọi”, làm người nên là tuân theo tinh thần vô tư đó mà hành.

Khổng Tử tôn sùng vương đạo của các tiên cổ thánh vương như Tam Hoàng Ngũ Đế, cách trị vì của Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Vua Vũ, Thang, Văn, Vũ, Chu công, đồng tâm với thiên địa, có ý chí và khí độ vô tư của Thiên Địa Nhật Nguyệt đối với vạn vật ở thế gian, cũng lấy sự quan tâm vô tư đối với dân chúng. Đây chính là “Nội thánh ngoại vương chi đạo” mà Nho gia thường giảng.

Dùng “Nhân” và “Lễ” để tuân theo Thiên đạo

Những điều Khổng Tử giảng là xuất phát từ sự cảm ngộ đối với Thiên đạo. Khổng Tử đề xuất “nhân” là nhân ái, là yêu thương người, “Kỷ sở bất dục, vật thi vu nhân”, điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác, từ đó lấy “lễ” làm quy phạm.

Lại nói “Khắc kỷ phục lễ vi nhân. Nhất nhật khắc kỷ phục lễ, thiên hạ quy nhân yên”, tức là: Ức chế mình theo lễ là nhân. Một khi ức chế mình khôi phục điều lễ, thiên hạ sẽ theo về điều nhân. Làm điều nhân là do ở mình.

Trong kết giao giữa người với người, Khổng Tử nhấn mạnh “trung” “thứ”. “Trung” chính là dùng thái độ trung thành, thật thà, thành tín đối đãi với người, dùng thái độ cung kính, tận trách nhiệm đối với sự việc. “Thứ” là cần suy từ mình mà nghĩ đến người khác. Ông cho rằng người quân tử cần phải giữ lòng nhân, rộng lượng với người, nhân nghĩa với người. Khi con người can đảm giữ vững nguyên tắc “chính đạo” thì mới có thể khiến cho hết thảy quy về với thiên lý, xây dựng một trật tự xã hội tốt đẹp.

Khổng Tử coi trọng đạo đức, sức mạnh giáo hóa của lễ nghi. Ông chỉ ra rằng đức giáo có thể dẫn dắt tâm linh con người, giúp con người hiểu được sự huyền bí của vũ trụ. Người có đạo đức có thể suy xét về giá trị tôn nghiêm của nhân tính và lương tri, vĩnh viễn khiêm tốn theo đuổi chân lý mà không bị vây hãm vào lợi ích và dục vọng của bản thân.

Mở rộng đạo nghĩa

Với khát vọng mở rộng đạo nghĩa, Khổng Tử không ngại cực khổ đi chu du các nước, cũng không vì những khó khăn bản thân gặp phải mà ưu sầu, điều ông quan tâm chính là phổ truyền và mở rộng đạo nghĩa. Ở góc nhìn khác, đây chính là sự duy hộ Thiên đạo trong cõi người.

Một lần Khổng Tử dẫn các học trò đến nước Tống, ở dưới gốc cây đại thụ mà dạy học trò luyện tập lễ nghi. Tư mã Hoàn Đồi nước Tống uy hiếp Khổng Tử không cho hoằng đạo, phái người tới chặt cây đại thụ. Các học trò lo lắng cho sự an nguy của thầy, muốn Khổng Tử rời khỏi nước Tống. Khổng Tử nói: “Thiên sinh đức vu dư, hoàn đồi kì như dư hà”, nghĩa là đức của ông do Trời ban cho, Hoàn Đồi sẽ không làm gì được hết.

Một lần khác Khổng Tử muốn tới đất của người Di cư trú, có người nói: “Nơi này phong tục thô lậu, ở thế nào được?” Khổng Tử đáp: “Người quân tử ở đâu thì ở đó còn gì thô lậu đây?” Trong thâm tâm Khổng Tử, hoằng đạo là trách nhiệm mà thiên thượng giao phó vì vậy ông cần phải làm. Khổng Tử kính Trời, muốn có trách nhiệm với dân chúng, với chí hướng của bản thân. Điều này thể hiện đầy đủ lòng tin kiên định và bất khuất vào Thiên đạo cũng như tinh thần can đảm gánh vác trách nhiệm trọng đại của ông.

Khổng Tử truyền bá đạo, lấy “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” đại biểu cho tư tưởng và luân lý của Nho gia. Đó cũng là tài phú quý giá trong văn hóa truyền thống của người xưa. Nó có sự ảnh hưởng sâu sắc đối với đời sau, trở thành nền tảng đạo đức điều chỉnh mối quan hệ giữa người và xã hội, trở thành tấm bia sừng sững bất động trong lòng các sĩ phu, cũng khiến cho cách đối nhân xử thế của hậu nhân luôn có sự chừng mực.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: