Thời cổ đại có thuyết pháp rằng về quan thì có “công, hầu, khanh tướng”, về dân thì có “sĩ, nông, công, thương”, về nghề thì có “ngư, tiều, canh, mục”. “Sĩ” là để chỉ thành phần trí thức thời cổ đại, được xếp đứng đầu trong bốn kiểu người dân. Đối với những người thuộc giới trí thức thì người xưa có yêu cầu rất cao, cũng phân thành nhiều loại.

Thời kỳ bách gia tranh minh, “sĩ” lúc đầu là chỉ những người học đạo, học nghệ. Trong bách gia bấy giờ thì không chỉ có triết học hay đạo lý tư tưởng, mà còn có cả các ngành nghề khác nhau, giảng rằng mỗi “gia” đều có “đạo”. Người học đạo dù là ở gia phái nào đều phải là những người giỏi về tu dưỡng đạo đức và học thức. Nếu không có được điều này thì rất nhiều gia phái sẽ không truyền cho thực học. Bởi thế rất nhiều điều được ghi chép trong sách cổ đều bị thất truyền.

Đến thời kỳ sau này, “sĩ” được dùng để chỉ những người thoát ly khỏi ngành nghề sản xuất, chính là giống như khái niệm về “trí thức” thời hiện đại.

Trong “Luận ngữ” có ghi lại một đoạn đàm luận giữa Khổng Tử và học trò của mình là Tử Cống về ba hạng “sĩ”, có thể coi là ba hạng trí thức thời xưa, như vậy.

Khổng Tử bình luận về người trí thức thời xưa
(Tranh minh họa: National Geographic, Public Domain)

Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Thế nào đáng gọi là kẻ sĩ?”

Khổng Tử nói: “Hành dĩ hữu sỉ, sử ư tứ phương, bất hổ quân mệnh, khả vị sĩ hĩ”.

Một người trí thức phải chịu trách nhiệm đối với chính hành vi của mình, có ý thức trách nhiệm, có cảm giác xấu hổ và luôn lo sợ nhân cách, phẩm chất của bản thân mình bị vấy bẩn. Khi bản thân gánh vác trọng trách thì luôn có ý thức bảo vệ lợi ích quốc gia, làm tròn sứ mệnh mà quân vương và quốc gia giao phó. Bất luận là đi đến địa phương nào thì họ đều có thể hoàn thành nhiệm vụ mà mình gánh vác một cách tốt nhất. Người như thế sẽ không bao giờ làm ra những việc khiến quốc gia phải hổ thẹn và nhân cách của mình bị sỉ nhục. Đây được gọi là kẻ sĩ hay người trí thức chân chính.

Tử Cống nói: “Xin thầy cho hạng thấp hơn.”

Khổng Tử nói: “Tôn tộc xưng hiếu yên, hương đảng xưng đễ yên.”

Tức là trí thức hạng hai phải là người mà khi ở trong gia tộc họ hàng thì ai ai cũng đều ca ngợi đó là người con có hiếu. Đối với hàng xóm láng giềng thì phải thân mật hữu ái. Người như thế cũng có thể được xưng là “sĩ”.

Tử Cống lại hỏi: “Xin thầy cho hạng thấp hơn nữa.”

Khổng Tử nói: “Ngôn tất tín, hành tất quả, khanh khanh nhiên tiểu nhân tai! Ức diệc khả dĩ vi thứ hĩ.”

Câu này có nghĩa là trí thứ hạng ba (thấp nhất) thì cũng phải là người nói lời có tín nghĩa, đưa ra lời hứa thì nhất định phải thực hiện được, làm việc gì cũng phải nghiêm túc chịu trách nhiệm đến cùng, có thủy có chung, có đầu có cuối. Nhưng mà người trí thức hạng này lại không có tầm nhìn và hoài bão cao xa, họ nông cạn và cố chấp. Đối với việc của bản thân thì họ có thể đảm nhận được, còn đối với việc quốc gia đại sự thì không nhất định có thể gánh vác được. Người như thế cũng tạm được xưng là trí thức. Nhưng suy cho cùng thì họ cũng không phải là người có chí lớn, không đáng được tôn sùng.

Tử Cống lại hỏi: “Những người làm chính sự hiện nay ra sao?”

Khổng T nói: “Y! Đẩu sao chi nhân, hà túc toán dã”

Có nghĩa là hạng người đó khí độ nhỏ nhen như cái đấu, cái sao (một phần cái đấu), làm việc chỉ là để lấy mấy đấu gạo, kiếm tiền sống tạm qua ngày, không đáng được xưng là trí thức.

Có thể thấy rằng người thành tín mới chỉ là trí thức hạng thấp nhất trong tiêu chuẩn của người xưa. Có tri thức phong phú cũng không phải là điều quyết định một người có phải là trí thức hay không. Các bậc hiền nhân đi trước khi nói về người trí tuệ thì không hề nhắc đến sự đa dạng phong phú của tri thức, mà lại thường nhắc đến những phương diện như hiểu người khác, hiểu bản thân, biết cách đối nhân xử thế, biết phân biệt rõ đúng sai thiện ác. Do đó, người trí thức không phải là điều tri thức phong phú có thể đạt tới được, cũng không phải là sự thông minh lão luyện có thể thay thế được. Người trí thức chính là nhờ sự tu dưỡng cá nhân mà dựng lập nên.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời nghe radio: