Ở Việt Nam “dạy kĩ năng sống” ở cả trong và ngoài trường học khá phổ biến.

Lý do nằm ở chỗ người ta ít nhiều nhận ra trong trường học chương trình, sách giáo khoa và giáo viên chỉ chú trọng đến truyền đạt thông tin (gọi văn hóa là kiến thức) mà không quan tâm mấy đến phần hướng dẫn thực hành hoặc nói theo kiểu giáo dục học là “thực tiễn hóa”.

Tuy nhiên, do sự yếu kém về lý luận và không có thực tiễn sâu sắc để làm nền tảng người ta đã hiểu rất sơ sài, giản đơn về “kĩ năng sống”.

Vì thế người ta mới kì vọng cho học sinh học một khóa vài ba ngày hay một tuần là học sinh có được các kĩ năng cần thiết.

Thực chất của vấn đề là cần nội dung “giáo dục đời sống” cho học sinh – tức là hướng dẫn để học sinh trải nghiệm, học tập để biết sống như một người bình thường trong gia đình, trường học và xã hội.

Những kĩ năng học sinh muốn có đó phải được hình thành dần dần thông qua việc “tắm” mình trong môi trường ở trường học qua nhiều năm tháng và tương tác đa chiều với giáo viên, phụ huynh, bạn bè, môi trường trường học.

Giáo dục đời sống bởi thế là một nội dung quan trọng được đưa vào tất cả các môn học chứ không phải chỉ nằm trong “kĩ năng sống”.

Cái hài hước nằm ở chỗ ở Việt Nam trong chương trình chính khóa đã có môn Tự nhiên xã hội, có Hoạt động trải nghiệm và vô số môn giáo khoa khác rồi, chưa kể các hoạt động ngoại khóa mà người ta vẫn “dạy kĩ năng sống” cho học sinh. Đáng nói hơn là việc dạy nó không phải là giáo viên chủ nhiệm lớp mà là giáo viên của các trung tâm kĩ năng sống bên ngoài liên kết với nhà trường (tất nhiên là có thu phí).

Điều này sẽ rất khó hiểu nếu soi chiếu với luật giáo dục và các quy định về giáo dục công.

Muốn hiệu quả, giáo dục đời sống (không phải là “dạy” cũng không phải thuần túy là “kĩ năng”) phải được tiến hành bởi giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn khác thông qua tất cả các hoạt động, môn học trong trường học đặc biệt là các môn như giáo dục công dân, tự nhiên và xã hội, địa lý, văn học, sinh học, hóa học…

Khi hiểu sai, rất khó có kết quả đúng được.

Trên thực tế, phần giáo dục đời sống là phần rất tệ trong giáo dục trường học ở nước ta và tình trạng này kéo dài cả nửa thế kỉ nay. Những ai có được kiến thức, kĩ năng, thái độ… liên quan đến giáo dục đời sống phần nhiều là học một cách tự phát hoặc là do bố mẹ chỉ dạy.

Bảo tôi nói sai ư? Hãy túm lấy 100 người lớn vào một phòng và cho họ rửa mặt, rửa tay, gấp quần áo. Dùng camera quay lại và sau đó phân tích xem. Ta sẽ thấy 100 người là một trăm kiểu và đa phần là “tự sáng tác” kiểu “lung tung quyền”.

Đấy là hậu quả của việc “giáo dục đời sống” không có mặt trong giáo dục trường học.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm:

Mời xem video: