Đến với Lai Châu, bạn sẽ mở lòng khi ngắm nhìn một không gian núi rừng hùng vĩ, những biển mây trắng, những ngọn núi sững sững trong một bức tranh thiên nhiên vô cùng kỳ thú. Với hơn 20 dân tộc sinh sống, những lễ hội văn hóa của đồng bào Lai Châu không chỉ phong phú, da dạng và đặc sắc, mà còn có những món ẩm thực tuyệt vời của miền sơn cước nơi đây.

lai chau 1
(Ảnh: Qua hanoiiplus.com)

Lai Châu là một tỉnh vùng cao biên giới, núi đồi dốc, địa hình chia cắt, xen kẽ nhiều thung lũng sâu và hẹp, lại có nhiều cao nguyên, với các địa danh nổi tiếng như  Sìn Hồ, Hồ Thầu, Dào San… Nơi đây mây và sương phủ bốn mùa, khí hậu trong lành, mát lạnh quanh năm. Ngoài ra, Lai Châu còn có nhiều đỉnh núi cao, nhiều sông suối, thác ghềnh.

Những địa danh nổi tiếng

Đèo Ô Quý Hồ hay đèo Hoàng Liên Sơn là đèo nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo cũng ở gần ranh giới giữa hai tỉnh. Đây là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Tên chính thức của đèo ở đường phân thủy là “đèo Trạm Tôn” , tên địa phương còn gọi là Cổng Trời . Tuy nhiên du khách đến Tây Bắc thường biết đến đèo với tên Ô Quy Hồ.

Lai Châu: Đường lên cổng trời Tây Bắc
Đèo Ô Quý Hồ. (Ảnh qua baomoi.com)

Trước kia khi chưa được làm đường, con đèo Ô Quý Hồ đầy hiểm trở, ít người dám qua lại vì đường quá dài lại mang nhiều câu chuyện truyền miệng khiến người đi qua rùng mình. Trong đó có chuyện kể về những con hổ thần rình bắt người qua lại. Một bên là vực sâu hun hút và phía còn lại thường là vách đá dựng đứng, đèo Ô Quý Hồ là một thử thách cho những ai muốn khám phá Lai Châu.

Động Pu Sam Cáp là một quần thể hang động ở tỉnh Lai Châu. Quần thể này bao gồm 3 hang động lớn là: Thiên Môn, Thiên Đường và Thủy Tinh. Pu Sam Cáp nằm trong dãy đá vôi bên đường lên cao nguyên Sìn Hồ, là một hệ thống hang động trong lòng núi với nhiều nhũ đá kỳ ảo.

Lai Châu: Đường lên cổng trời Tây Bắc
Động Pu Sam Cáp. (Ảnh qua wikipedia.org)

Pu Sam Cáp theo tiếng địa phương nghĩa là ba quả núi lớn chồng lên nhau. Quần thể hang động này có các nhũ đá và măng đá kỳ ảo, sánh ngang với các hang động ở vịnh Hạ Long và Phong Nha-Kẻ Bàng. Do đó, từ khi được phát hiện ra vào tháng 7 năm 2006, quần thể hang động này đã có hàng triệu lượt du khách tìm đến thưởng ngoạn.

Bản Nà Luồng là mảnh đất trù phú, địa hình bằng phẳng có núi non xanh biếc, lại có dòng Nậm Mu trong vắt, hiền hòa chảy quanh năm, thuận lợi cho việc cấy lúa, trồng ngô. Theo lời giải thích của người dân địa phương, “Luồng” có nghĩa là “con rồng”, “Nà” có nghĩa là “ruộng”. Tương truyền, vì cảnh sắc nơi đây thơ mộng, con người lại chân thật, giàu lòng mến khách, nên rồng thường xuống tắm và nằm nghỉ trên bãi ruộng…

Lai Châu: Đường lên cổng trời Tây Bắc
Bản Nà Luồng. (Ảnh qua nld.com.vn)

Bản Vàng Pheo: Nằm cách trung tâm thị xã Lai Châu khoảng 30 km, bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu) được nhắc đến như “thung lũng mỹ nhân”. Đây là một trong những bản cổ xưa nhất của người Thái trắng ở Lai Châu. Mang trong mình những nét văn hóa đặc trưng, cùng với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, bản Vàng Pheo hội tụ nhiều điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng.

Lai Châu: Đường lên cổng trời Tây Bắc
Bản Vàng Pheo.(Ảnh qua expressvpn.com)

Đến với Vàng Pheo, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống và mang đậm bản sắc riêng như: sâu đá, rêu đá, cá bống vùi tro, cá suối nướng, măng đắng, măng ngọt, thịt trâu sấy, thịt lợn hấp, canh rau đắng… Bên cạnh đó, người dân Vàng Pheo chân thành, mến khách, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thanh bình, cách xa những ồn ào khói bụi của chốn thành thị. Tất cả đều dễ khiến du khách quên đi mọi lo toan vướng bận thường ngày.

Pú Đao là một xã vùng cao thuộc huyện Sìn Hồ, Lai Châu, cách thị trấn Mường Lay 13 km và Hà Nội hơn 560 km về phía Tây Bắc. Dù dân cư chưa đến nghìn người với địa thế xa xôi, hẻo lánh nhưng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thuần khiết, Pú Đao giống như “thỏi nam châm” hút bất cứ ai đam mê khám phá những vùng đất mới. Đó là lý do mà hãng du lịch Gecko Travel của Anh năm 2006 bầu chọn Pú Đao là một trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á.

Lai Châu: Đường lên cổng trời Tây Bắc
Pú Đao.(Ảnh qua cungphuot.vn)

Pú Đao theo tiếng H’Mông có nghĩa là “điểm cao nhất”. Xã nằm chót vót trên núi cao, vắt ngang mình trên những con đèo ngoằn ngoèo, hiểm trở. Để đến được Pú Đao, du khách phải đi qua cầu Lai Hà bắc ngang một phụ lưu của sông Đà. Từ đây bạn sẽ thấy bên kia bờ là những ngôi nhà sàn người Thái ẩn mình dưới hàng dừa, khói bốc lên từ mái nhà, len lỏi qua các tán lá và tản mát vào làn sương mờ ảo.

Ngoài ra Lai Châu còn có những địa danh khác như: Thác Tác Tình, Động Tiên Sơn, Khu di tích vua Thái – Đèo Văn Long, Đỉnh Pu Ta Leng… Tất cả đã làm nên một Lai Châu huyền ảo đa sắc màu.

Những lễ hội văn hóa Lai Châu

Bun vốc nặm – Lễ hội té nước của người Lào Lai Châu: Ngay từ sáng sớm, khi mây mù còn giăng mắc trên đỉnh núi, từ các ngả đường đã thấy bà con các dân tộc nô nức kéo về trung tâm xã – địa điểm tổ chức lễ hội. Nổi bật hơn cả là các cô gái Lào xúng xính trong trang phục truyền thống với những hoa văn tinh xảo, miệng cười tươi tắn dắt tay nhau về xem hội.

Lai Châu: Đường lên cổng trời Tây Bắc
Bun vốc nặm – Lễ hội té nước của người Lào Lai Châu. (Ảnh qua dantocviet.cinet.gov.vn)

Phần lễ là để cầu các thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cây cối sinh sôi nảy nở không bị sâu bệnh phá hoại, người người mạnh khoẻ, nhà nhà hạnh phúc. Các già làng, trưởng bản và nam nữ thanh niên trong xã đập mẹt, gõ trống, tuốt lá cọ, tuốt lạt… giả làm tiếng sấm, tiếng mưa rơi. Họ đội nón, khoác áo tơi đến từng nhà xin nước, xin lộc trời… Đó là những hành động mang ý nghĩa cầu mưa xuống cho vụ mùa tốt tươi, bội thu…

Phần hội được bắt đầu khi trai bản trên, gái bản dưới, không phân biệt người già, trẻ nhỏ kéo nhau ra suối té nước. Với quan niệm ướt nhiều, may mắn sẽ đến nhiều nên ai cũng mong mình được té càng ướt càng tốt. Không chỉ người dân bản địa tham gia trong cuộc, ngay cả khách xem bên bờ suối cũng được đắm mình trong dòng nước mát. Tất cả đều vui vẻ, thoải mái, rộn vang tiếng cười.

Lễ hội Hạn Khuống là một lễ hội của người đồng bào dân tộc Thái, Tây Bắc. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, bao gồm nhiều thể loại hát, kể chuyện trong khung cảnh ấm cúng và tao nhã. Được tổ chức trên khoảng đất rộng ở bản, thanh niên nam nữ dựng sàn, cao khoảng 1,5m, có hàng rào bao quanh bằng phên mắt cáo, chỉ có một cửa ra vào. Cuộc vui mở vào đêm bên đống lửa sàn. Thanh niên, nam nữ đến hát hò, làm quen, vui chơi, thi tài… Nam nữ hát đối đáp với nhau đến sáng mới chia tay nhau. Đêm hôm sau họ lại tiếp tục ca hát, vui đùa, trò chuyện.

Lai Châu: Đường lên cổng trời Tây Bắc
Lễ hội Hạn Khuống. (Ảnh qua dulichvtv.com)

Lễ hội nàng Han là một lễ hội của người Thái, dựa trên truyền thuyết về nàng Han. Nàng Han xuất thân trong một gia đình người Thái nghèo ở Chiềng Sa, nay là xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Nàng đã đứng đầu cuộc khởi nghĩa của đồng bào 16 xứ Thái và Mường, đánh bại giặc xâm lược phương Bắc. Sau khi dẫn đoàn quân thắng trận trở về, nàng tắm gội ở mó nước Tây An xã Mường So rồi bay lên trời.

Không khí trong Lễ hội nàng Han thật náo nức, nhộn nhịp; người người, nhà nhà nô nức cùng tham gia Lễ hội. Người già như trẻ lại, hong phơi những bộ áo cóm mới nhất, đẹp nhất để cùng tham gia lễ hội lớn nhất của dân tộc mình. Trong cái nắng vàng như rót mật, bà con tưng bừng đổ về từ các ngả đường, khe núi dâng hương hoa ở miếu thờ nàng Han, cầu mong cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà…

Lai Châu: Đường lên cổng trời Tây Bắc
Lễ hội nàng Han. (Ảnh qua baotintuc.vn)

Hòa cùng không khí Lễ hội, các trò chơi truyền thống của dân tộc Thái như: kéo co, đánh Tó Má Lẹ, thi ném còn, thi đánh cầu lông gà, thi đẩy gậy, thi bắt cá… cũng được người dân địa phương và du khách nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Các cô thiếu nữ Thái rực rỡ trong những bộ váy cóm duyên dáng uốn mình chơi trò ném còn, đánh cầu, kéo co. Các chàng trai Thái lực lưỡng, nhanh nhẹn trong trò chơi thi đi cà kheo, thi bắt cá… Tất cả làm cho du khách thập phương càng ngất ngây, say đắm với cái nôi văn hoá Thái Mường So huyền thoại.

Lễ hội Kin Lẩu Khẩu của người Thái Trắng : 46 năm qua, lễ hội này không được tổ chức nên đã dần bị mai một. Nhưng nay, lễ hội đã được tổ chức, phục dựng lại tại bản Huổi Én, xã Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu và được tổ chức đều đặn vào rằm tháng 9 âm lịch hàng năm. Đây chính là thời điểm lúa non thích hợp nhất để chọn về làm cốm. Lúa dùng để làm cốm phải là lúa nếp, cũng có rất nhiều loại lúa nếp có thể làm cốm như: lúa Lương phượng, lúa nếp thơm, nếp tan, nếp quýt, nếp hoa…

Lai Châu: Đường lên cổng trời Tây Bắc
Lễ hội Kin Lẩu Khẩu của người Thái Trắng. (Ảnh qua datviet.com)

Ẩm thực Lai Châu

Đặc sản xôi tím: Màu tím đặc trưng và hấp dẫn của xôi được nhuộm bằng loại cây chỉ có ở miền núi có tên là Khẩu Cắm. Cây Khẩu Cắm bẻ cả cành, lá rửa sạch, đem luộc. Luộc lá sôi chừng năm phút, khi thấy nước chuyển sang màu tím, sánh là được. Để nước lá nguội bớt rồi trút gạo nếp vào ngâm thêm 2 đến 3 giờ.

Lai Châu: Đường lên cổng trời Tây Bắc
Sôi Tím. (Ảnh qua cachnauan.net)

Đồ xôi tím phải đồ bằng chõ gỗ được đục từ thân cây sung mới có được mùi vị thơm ngon hơn cả. Đồ đến khi hạt gạo chín nục, xới từng lớp xôi thấy màu tím tươi, bóng, hạt xôi dẻo mà không dính, có mùi thơm ngào ngạt là đã hoàn thành quy trình nấu xôi.

Pa pỉnh tộp (cá gập nướng) là món ăn đặc sản Lai Châu khá cầu kỳ, thường được dùng trong các bữa ăn khi gia đình có khách quý. Người ta chọn những con cá chép tươi, còn nguyên con để nướng. Sau khi sát qua chút muối cùng ớt bột khô để khử mùi tanh cho cá, người làm tẩm ướp gia vị là các loại rau thơm như quả mắc khén (một loại hạt tiêu rừng), gừng, tỏi, sả, hành, rau thơm rừng, ớt bột băm nhỏ, trộn lẫn với nhau và sát đều lên mình cá, đồng thời nhồi vào trong bụng cá.

Lai Châu: Đường lên cổng trời Tây Bắc
Pa pỉnh tộp. (Ảnh qua monnuongviet.com)

Người Thái sẽ gấp đôi mình con cá theo chiều ngang, kẹp vỉ hoặc que nướng bằng tre tươi để giữ và nướng đều trên bếp than hoa. Khi cá chín, những gia vị được tẩm ướp và kẹp trong bụng cá sẽ thấm dần, giúp món ăn tỏa mùi thơm hấp dẫn.

Măng nộm Hoa Ban: Nếu ai đã có dịp ghé qua các bản làng người Thái ở Lai Châu sẽ không chỉ biết đến một truyền thuyết đầy cảm động về Hoa Ban mà còn được thưởng thức một món ăn có chứa đủ vị: đắng, chua, cay, mặn, ngọt, bùi của món Măng nộm hoa ban.

Măng có rất nhiều loại, loại nào cũng dùng làm nộm được nhưng ngon nhất thì có măng nứa và măng đắng. Măng đắng cần sắt nhỏ ngâm nước muối 30 phút sau đó luộc 2 lần rồi vớt ra để ráo, còn nếu là măng nứa đem luộc rồi tước nhỏ. Hoa ban cần chọn những bông tươi, ngắt lấy những cánh hoa dày để dùng. Tiếp theo cần chọn được một con cá suối tươi ngon, mình dày, đem nướng trên than củi, gỡ lấy thịt.

Lai Châu: Đường lên cổng trời Tây Bắc
Măng nộm Hoa Ban. (Ảnh qua danviet.vn)

Sau đó pha hỗn hợp nước trộn chanh, tỏi, ớt, rau húng và rau mùi đã thái nhỏ. Cuối cùng trộn nhẹ nhàng đều tay  măng, hoa ban, cá và nước trộn. Tất cả hoà quyện tạo nên một hương vị đặc trưng của núi rừng, gắp từng miếng nộm du khách cảm nhận được vị đậm đà, thơm nồng của cá nướng, vị bùi bùi, ngầy ngậy của hoa ban, và vị đăng đắng của măng tươi.

Thanh Phong (T/H)

Xem thêm: