“Nhị thập tứ sử” là tên gọi chung của 24 bộ sử do các triều đại khác nhau của Trung Hoa biên soạn. Xưa nay, 24 bộ sử này được xem là sử thư chính thống của các triều đại, nên được gọi là “chính sử”. 

Lai lịch "Nhị thập tứ sử": 24 bộ chính sử của Trung Hoa cổ đại
(Tranh minh họa: Họa sĩ Trương Trạch Đoan, Wikipedia, Public Domain)

Nội dung “Nhị thập tứ sử” được ghi chép bắt đầu từ thời Hoàng Đế trong truyền thuyết cổ đại và kết thúc vào năm Sùng Trinh thứ 17 đời nhà Minh (năm 1644). Nội dung của “Nhị thập tứ sử” vô cùng phong phú và đầy đủ. Nó ghi chép lại đủ loại phương diện như kinh tế, chính trị, văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật của các triều đại trong lịch sử Trung Hoa. Nó được coi là một nguồn dữ liệu chính xác về truyền thống lịch sử, văn hóa Trung Hoa, và được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu về văn học, nghệ thuật, âm nhạc, khoa học, quân sự, địa lý, dân tộc và rất nhiều chủ đề khác.

“Nhị thập tứ sử” tổng cộng có 3.213 quyển, khoảng 40 triệu chữ. 24 bộ sử này lần lượt được biên soạn kéo dài trong suốt khoảng 4.000 năm, được viết thống nhất theo thể kỷ truyện gồm Bản kỷ và Liệt truyện. Các tác giả thuộc nhiều triều đại đã biên soạn ra các bộ sử làm nên “Nhị thập tứ sử”.

Theo dòng lịch sử, vào thời kỳ Tam Quốc đã có ba bộ sử được gọi là “Tam sử”. “Tam sử” bao gồm “Sử ký” của tác giả Tư Mã Thiên thời Tây Hán với 130 quyển, “Hán thư” của tác giả Ban Cố thời Đông Hán có 100 quyển, và “Đông Quan Hán ký” của tác giả Lưu Trân Đẳng thời Đông Hán biên soạn.

Sau khi xuất hiện “Hậu Hán thư” với 120 quyển của tác giả Phạm Diệp nước Tống thời Nam Bắc Triều thì “Hậu Hán Thư” thay thế “Đông Quan Hán ký” trở thành một trong “Tam sử”. Về sau có thêm “Tam Quốc Chí” của tác giả Trần Thọ thời Tây Tấn gồm 65 quyển, tạo thành “Tiền tứ sử” (4 bộ sử đầu trong “Nhị thập tứ sử”).

Đến thời nhà Đường có thêm bộ “Tấn Thư” của nhóm tác giả Phòng Huyền Linh và 8 bộ sử của 8 nước thời Nam Bắc Triều (Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư, Trần thư, Ngụy thư, Bắc Tề thư, Chu thư, Tùy thư), kết hợp với “Tiền tứ sử” thành “Thập tam đại sử” (13 bộ sử lớn).

Tới triều đại nhà Tống, ngoài “Thập tam đại sử”, có thêm “Nam sử” của tác giả Lý Diên Thọ gồm 80 quyển, “Bắc sử” của tác giả Lý Diên Thọ gồm 100 quyển, “Tân Đường thư” của tác giả Âu Dương Tu gồm 225 quyển và “Tân Ngũ Đại sử” của nhóm tác giả Tiết Cư Chính gồm 150 quyển, tổng hợp lại thành “Thập thất sử” (17 bộ sử).

Đến triều đại nhà Minh có thêm 4 bộ sử nữa, tổng thành “Nhị thập nhất sử” (21 bộ sử). 4 bộ sử này bao gồm “Tống sử” có 496 quyển, “Liêu sử” có 116 quyển, “Kim sử” có 135 quyển đều của nhóm tác giả Thoát Thoát triều Nguyên và “Nguyên sử” có 210 quyển của nhóm tác giả Tống Liên triều Minh.

Đến năm đầu Càn Long triều nhà Thanh có thêm cuốn “Minh sử” với 332 quyển các nhóm tác giả Trương Đình Ngọc, tạo thành “Nhị thập nhị sử” (22 bộ sử). Về sau này lại gia tăng thêm “Cựu Đường thư” gồm 200 quyển của nhóm tác giả Lưu Hu triều Hậu Tấn, tạo thành “Nhị thập tam sử” (23 bộ sử).

Trong quá trình biên soạn “Tứ khố toàn thư” các tác giả lại sao lục từ “Vĩnh Lạc đại điển” ra bộ “Cựu Ngũ Đại sử” và được Hoàng đế Càn Long khâm định, xếp vào thành “Chính sử”, tổng hợp 24 bộ sử này được gọi là “Khâm định nhị thập tứ sử” (24 bộ sử có bút tích công nhận của Hoàng đế).

“Nhị thập tứ sử” được cổ nhân dùng làm gương soi, đối chiếu với hành vi của mình. Trong “Tăng Quảng Hiền văn” viết: “Quan kim nghi giám cổ, vô cổ bất thành kim”, xem ngày nay thì nên xét ngày xưa, không có ngày xưa thì không thành ngày nay được. Trong sử sách ghi lại rất nhiều câu chuyện là tài phú quý giá cho hậu nhân. Trải qua hàng ngàn năm qua, những bài học trong “Nhị thập tứ sử” vẫn soi sáng hậu nhân. Dưới đây là một vài câu danh ngôn kinh điển rất hữu ích cho người đời sau.

  • “Nhân dĩ đồng vi kính, khả dĩ chính y quan; dĩ cổ vi kính, khả dĩ kiến hưng suy; dĩ nhân vi kính, khả dĩ tri đắc thất”

Cựu Đường thư – Ngụy Trưng truyện

Tạm dịch: Lấy đồng làm gương thì có thể chỉnh sửa lại mũ áo; lấy lịch sử làm gương thì có thể biết được thịnh suy đổi thay; lấy người làm gương thì có thể minh bạch được mất.

  • Thiên tri, địa tri, ngã tri, tử tri, hà vị vô tri?”

Hậu Hán thư – Dương Chấn truyện

Tạm dịch: Trời biết, Đất biết, ngươi biết, ta biết, sao có thể nói là không ai biết?

  • “Thiên hạ hi hi, giai vi lợi lai; thiên hạ nhương nhương, giai vi lợi vãng”

Sử ký

Tạm dịch: Thiên hạ rộn ràng, đều vì lợi mà đến; thiên hạ nhốn nháo đều vì lợi mà đi. Cả đời người chẳng qua đều là vì truy cầu danh lợi.

  • “Thuận đức giả xương, nghịch đức giả vong”

Hán thư

Tạm dịch: Người thuận theo đạo đức thì sẽ hưng thịnh, người đi ngược lại với đạo đức thì sẽ tiêu vong.

  • “Quá nhi bất cải, thị vị quá hĩ”

Hán thư

Tạm dịch: Đã sai mà khộng chịu sửa, vậy mới gọi là sai.

  • “Minh giả kiến nguy vu vô hình, trí giả kiến họa vu vị manh”

Tam Quốc chí

Tạm dịch: Người sáng suốt có thể đoán được nguy hiểm khi nó còn chưa hình thành, người trí tuệ có thể cảm giác được tai họa khi mà nó còn chưa phát sinh.

  • “Hoạn nhân tri tiến nhi bất tri thối, tri dục nhi bất tri túc, cố hữu khốn nhục chi luy, hối lận chi cữu”

Tam Quốc Chí

Tạm dịch: Người gian nan khổ cực biết tiến mà không biết lui, biết ham muốn mà không biết dừng, cho nên hối hận không kịp nữa sẽ tự chuốc lấy điều nhục nhã.

  • “Trí giả thiên lự, tất hữu nhất thất; ngu giả thiên lự, tất hữu nhất đắc”

Sử ký

Người thông minh suy nghĩ ngàn lần tất sẽ có một lần sai lầm, người ngu dốt suy nghĩ ngàn lần tất có một lần thu hoạch.

  • “Tích thiện tam niên, tri chi giả thiểu; vi ác nhất nhật, văn vu thiên hạ”

Tấn thư

Tạm dịch: Tích thiện lâu dài, người biết rất ít; làm việc ác một ngày, người ở bốn phương tám hướng đều biết. Cho nên phải cẩn thận từ lời nói đến việc làm.

  • “Họa Phúc vô môn, duy nhân sở triệu”

Hậu Hán thư

Tạm dịch: Họa phúc không có lối vào, đều là do tâm niệm của con người chiêu mời mà đến.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: