Từ xưa đến nay, tết trung thu luôn là một trong những ngày lễ vô cùng quan trọng. Ngày trung thu đến, trăng sáng nhô lên cao, đèn lồng treo khắp các ngõ xóm, gia đình người thân, bạn bè đều đoàn tụ lại một chỗ vui vẻ ăn bánh ngắm trăng. Đó đã trở thành một phong tục truyền thống có lịch sử hàng ngàn năm, gắn liền với đời sống tinh thần của con người.

trung thu, Nghi lễ ngắm trăng tại đất nước mặt trời mọc
(Ảnh minh họa: 1059SHU, Shutterstock)

Nguồn gốc của tết Trung thu

Từ “Trung thu” xuất hiện sớm nhất trong sách “Chu Lễ”, trong đó viết: “Trung thu, dạ nghênh hàn” (đêm trung thu đón rét). Mùa thu có 3 tháng, tháng 8 là tháng thứ 2 – tháng chính giữa của mùa thu, mà ngày 15 cũng chính là ngày giữa tháng, cho nên thời cổ “Trung thu” còn được gọi là “trọng thu” (ngày chính giữa mùa thu).

Vào ngày Trung thu thường có lễ tế nguyệt (lễ hội cúng trăng). Trong sách “Sử Ký” viết: “Thiên tử xuân triêu nhật, thu tịch nguyệt”, nghĩa là các bậc Đế vương thời cổ đại làm lễ cúng tếmặt trời vào mùa xuân và cúng tế mặt trăng vào mùa thu.

Trong sách “Chu Lễ” viết: “Dĩ triêu nhật”, và được nhà Dịch học Trịnh Huyền thời Đông Hán chú giải rằng: “Vào ngày Xuân phân, Thiên tử làm lễ bái mặt trời, còn vào ngày Thu phân thì làm lễ cúng tế mặt trăng”. Tập tục Tế Nguyệt này xuất hiện từ thời đại Tam Hoàng Ngũ Đế và lễ Trung thu cũng bắt nguồn từ tập tục Tế Nguyệt này. Trong sách “Tân Đường Thư” viết: “Thu phân, tịch nguyệt vu tây giao”, nghĩa là vào ngày giữa mùa thu, Thiên tử đến ngoại ô phía tây cung điện để cúng tế Thần Mặt trăng. Nghi thức này là thể hiện thái độ kính thiên, kính Đạo, kính Thần của bậc Thiên tử, thông qua đó cũng là để giáo hóa thiên hạ về tinh thần biết ơn Thần linh, Trời đất.

Vậy vì sao ngày tết Trung thu phải cúng Trăng? Trong “Đại Đường giao tự lục” viết rằng: “Nguyệt dĩ âm đức, tự tây nhi sinh. Tích thủy chi khí, tác kim chị tinh. Lệ thiên thành tượng, phối nhật vi minh”, nghĩa là Mặt Trăng đại biểu cho âm đức, mà từ thời điểm giữa thu trở đi là khởi điểm cho “dương tiêu âm trưởng”, đêm dài ngày ngắn. Vì thế, Trăng đã trở thành nhân vật chính trong buổi lễ cúng tế này.

Tới thời nhà Đường, người ta bắt đầu thịnh hành tổ chức yến tiệc ngắm trăng. Vào ngày này, người thân bạn bè sẽ tụ họp lại một chỗ uống rượu, làm thơ và tế nguyệt. Vào thời Tống, triều đình Trung Hoa mới chính thức quy định ngày 15 tháng 8 là tết Trung thu.

Phong tục tổ chức tết Trung thu ngày càng phong phú hơn. Vào trước ngày tết Trung thu, ở các cửa hàng thường bán rượu mới, kết hoa nhiều màu sắc rực rỡ treo trước cửa tiệm, trẻ con chơi đùa tới đêm, chợ đêm họp đến sáng… Đến triều nhà Minh, tết Trung thu đã trở thành ngày hội truyền thống trọng đại.

Tập tục ăn bánh vào tết Trung thu

Tập tục ăn bánh ra đời muộn hơn tập tục cúng trăng và ngắm trăng. Theo lễ thời nhà Chu quy định, vào ngày Trung thu cúng trăng, con cháu mời cha mẹ, người lớn ăn cháo loãng chứ không phải bánh trung thu. Tới thời Đường vẫn là như vậy. Từ triều đại nhà Tống mới bắt đầu có tập tục ăn bánh trung thu. Nhưng thời ấy, loại bánh này không phải chỉ ăn vào ngày tết Trung thu mà vào các mùa khác cũng đều có thể mua được.

Trong bài “Lưu biệt liêm thủ”, Tô Đông Pha viết: “Tiểu bính như tước nguyệt, trung hữu tô hòa di”, nghĩa là bánh nhỏ như tước nguyệt, trong có bơ và đường. Lúc ban đầu, bánh trung thu là tế phẩm được dùng khi cúng trăng. Sau khi lễ hiến tế hoàn thành rồi thì mọi người ăn bánh, cho nên nó liền trở thành đồ ăn trong tết Trung thu.

Đến triều nhà Minh, phong tục ăn bánh trung thu mới trở nên phổ biến rộng khắp. Trong tác phẩm “Tây Hồ du lãm ký”, tác giả Điền Nhữ Thành viết: “Ngày 15 tháng 8 được gọi là Trung thu, dân gian tặng nhau bánh để biểu đạt ý đoàn viên”. Cho nên, lúc ấy người ta cũng xưng tết Trung thu là tết Đoàn viên. Bởi vì tết Trung thu thể hiện đoàn viên sum vầy cho nên các loại quả và bánh để cúng tế cũng đều phải có hình tròn.

Ngày nay, bánh Trung thu đã có nhiều biến tấu với các loại nhân bánh đa dạng nhưng ý nghĩa và hình ảnh của chiếc bánh dẻo, bánh nướng vào ngày tết Đoàn viên vẫn được người dân giữ gìn và lưu truyền qua các thế hệ sau.

Ngắm trăng nhớ tới gia đình

Mặt trăng có hình tròn, tượng trưng cho sự đoàn viên, sum vầy. Đó là điều mà ai ai cũng mong mỏi. Ánh trăng sáng chiếu rọi trong không trung, mang đến ánh sáng cho con người trong đêm đen. Cho nên, người xưa coi trăng là đoàn viên, cũng là hy vọng. Cổ nhân thích ngồi ngâm thơ dưới trăng, không chỉ bởi vì muốn thông qua ánh trăng mà gửi gắm loại tình cảm nhớ nhung, hoài niệm, còn bởi vì trăng thì sáng mãi mà cuộc đời thì ngắn ngủi vô thường.

Nhìn ánh trăng sáng tỏ, lòng người thường xuất hiện trăm loại cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Đời người có thăng trầm buồn vui, ánh trăng có khi tỏ khi mờ, lúc tròn lúc khuyết. Bởi vậy các thi nhân thời xưa thường ngồi dưới trăng, uống rượu làm thơ để gửi gắm tâm trạng của mình. Ví như, Lý Bạch viết trong bài “Tĩnh dạ tứ”: “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương” thể hiện tâm trạng nhớ quê nhà da diết của mình mỗi khi ngắm trăng.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời nghe radio: