Cổ nhân có câu: “Trên đầu ba thước có Thần linh” hay “Đả tăng mạ Đạo, tất có ác báo”. Có lẽ không ít người ngày nay đã không còn tin vào nhân quả báo ứng nữa nhưng thực tế có rất nhiều trường hợp làm việc ác, đặc biệt là phá hủy những nơi linh thiêng như chùa chiền miếu mạo, tượng Phật, kinh Phật… mà bị quả báo, khiến người ta không thể không tin. Chỉ có điều những người trong cuộc thường ít khi ghi chép lại điều họ chiêm nghiệm được. Một số bộ sách kinh điển thời xưa thường ghi chép cụ thể hơn về những việc này.

Hai trường hợp làm nhục tượng Phật gặp ác báo trong lịch sử
(Ảnh minh họa: Contax66, Shutterstock)

Vũ nhục Phật, toàn thân phù thũng

Trong bộ “Tinh dị ký” của học giả Hầu Bạch nhà Tùy có ghi chép lại trường hợp Tôn Hạo, vua nước Ngô vì làm nhục tượng Phật bằng vàng mà chịu báo ứng như sau:

Vào thời Tam Quốc khi Tôn Hạo (242-284) nắm quyền tại vương triều nước Ngô, ông ta đã tìm thấy một bức tượng Phật bằng vàng cao vài thước trong hoa viên ở hậu cung.

Sau khi tìm hiểu, Tôn Hạo biết tượng Phật này có nguồn gốc từ Ấn Độ. Pho tượng được vua Ấn Độ Ashoka (A Dục Vương) làm ra và được đặt trong cung điện để bảo an. Nhưng Phật giáo đã không được truyền đến từ sau vương triều nhà Tần và Hán, vì thế làm sao bức tượng lại được chôn dưới đất như vậy thì không ai có thể giải thích được.

Bởi vì Tôn Hạo vốn không tin Phật nên ông ta đã sai người đem tượng Phật đặt ở nơi dơ bẩn rồi cho người đổ phân vào tượng Phật. Ông ta cùng với các quần thần của mình rất thích thú khi chứng kiến cảnh tượng ấy.

Tuy nhiên, vui không được bao lâu thì toàn thân Tôn Hạo bị sưng phù thũng và đặc biệt bị đau đớn ở phần kín đáo của mình, quá đau đớn đến mức ông ta thường kêu than thống thiết.

Thái Sử đã bói toán và nói rằng: “Đó là do xúc phạm đến Thần tiên.” Vì thế Tôn Hạo hạ lệnh cho người đến tất cả các nơi cúng tế, nhưng không có chuyển biến gì.

Về sau, một cung nữ vốn là người tín Phật, nói với Tôn Hạo: “Bệ hạ! Ngài có nguyện ý đến chùa cầu phúc không?”

Tôn Hạo hỏi: “Phật là một vị Thần phải không?”

Cung nữ trả lời: “Vâng, đúng như vậy.”

Tôn Hạo nghe xong có phần tỉnh ngộ, ông ta nhận ra việc vũ nhục tượng Phật là việc sai trái nên kể lại sự tình ấy với cung nữ này. Cung nữ lập tức mang tượng Phật vào đại điện và lau rửa nhiều lần với nước sạch. Sau đó, cô đốt hương và khấn nguyện sám hối. Tôn Hạo cũng quỳ thú tội và thỉnh cầu lòng tha thứ. Ngay sau đó thì vị hoàng đế này đã không còn cảm thấy đau đớn toàn thân gấp gáp như trước nữa.

Tôn Hạo sai người thỉnh mời Khương Tăng Hội đến giảng giải Phật Pháp. Ông cũng cho tu sửa chùa chiền và làm nhiều việc công đức. Hơn 10 ngày sau, Tôn Hạo đã hoàn toàn bình phục. Từ đó tất cả mọi người trong cung đều thờ phụng Phật Pháp.

Phá hủy tượng Phật bị chết đau đớn

Trong cuốn “Di kiên tam chí” triều Tống có ghi chép một trường hợp phá hủy tượng Phật mà chết như sau:

Vào những năm Chính Hòa thời Bắc Tống (1111-1118 SCN), hoàng đế bấy giờ là Tống Huy Tông tôn sùng Đạo giáo và chèn ép Phật giáo. Bởi vậy Phổ Chiếu Tự, một ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng trong thành Tứ Châu bị người ta chiếm cứ.

Phổ Chiếu Tự có một bức tượng Phật lớn, trang nghiêm tôn quý. Những người chiếm cứ ấy muốn hủy bức tượng Phật này, nhưng lại sợ sự uy nghiêm của Thần Phật. Vì vậy, họ đã đưa ra một cái giá rất cao để tìm người dám cả gan đến hủy tượng.

Bấy giờ có một người họ Triệu vì thèm muốn số tiền thưởng lớn nên đã tới nhận lời làm việc này. Ông ta cũng kiếm thêm mấy người cùng mình cầm búa tới Phổ Chiếu Tự phá tượng.

Họ Triệu dẫn đầu đám người cầm búa tới đập bức tượng Phật liên tục không ngừng nghỉ. Cuối cùng bức tượng Phật ấy đã bị họ phá hủy hoàn toàn. Dân chúng đứng xem than thở không thôi, có người còn rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh ấy.

Cầm tiền thưởng chưa đầy mười ngày, hai tay của người họ Triệu bắt đầu bị thối rữa, không thuốc nào trị được. Hơn nữa phạm vi thối rữa càng ngày càng lớn, dần dần lan lên cả hai cánh tay, bả vai cho tới toàn thân trên dưới, khắp mình lở loét, đau đớn như nghìn vạn thanh đao cứa vào. Người đàn ông họ Triệu ấy kêu khóc cả ngày, từ lúc bắt đầu thối rữa cho tới lúc chết, khổ sở đủ một trăm ngày. Tất cả mọi người biết sự việc ấy đều thấy rùng mình kinh hãi.

Cổ nhân tin vào nhân quả, thường nói: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Trong lịch sử tuy không ghi lại kết cục của những người cùng tham gia hủy hoại bức tượng Phật này, nhưng có lẽ họ cũng khó thoát khỏi ác báo như người đàn ông họ Triệu kia.

Ngay cả Hoàng đế Tống Huy Tông vốn hạ lệnh chèn ép Phật giáo cuối cùng cũng bị nước Kim bắt làm tù binh, chịu đủ nỗi khuất nhục, chết trong thê thảm. Điều này cũng cho thấy rằng, “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” là không thiên vị một ai.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: