Sử ký – Lệ Thực Kỳ Lục Giả Liệt Truyện viết: “Vương giả dĩ dân vi thiên, nhi dân dĩ thực vi thiên”, nghĩa là bậc quân vương lấy dân làm điều tiên quyết để tồn tại, và dân thì lấy sự ăn làm điều quan trọng hàng đầu. “Thiên” ở đây có nghĩa là cái tối quan trọng để tồn tại. Miếng ăn quan trọng như vậy, nên trong lịch sử không thiếu những câu chuyện đáng suy ngẫm về miếng ăn và… bán nước. Có kẻ vì trái xoài, vì miếng thịt dê mà bán nước; lại cũng có người mất nước, nhịn ăn mà chết…

Bán nước vì trái xoài

Đại Việt sử ký toàn thư phần về nhà Trần có đoạn chép về tiểu hiệu Hoàng Cự Đà như sau:

Đinh Tỵ, [Nguyên Phong] năm thứ 7 [1257], (Tống Bảo Hựu năm thứ 5). […]

Tha tội cho tiểu hiệu Hoàng Cự Đà.

Trước kia có lần vua [Trần Thái Tông] ban xoài cho những người hầu cận, Cự Đà không được ăn.

Đến khi quân Nguyên tới Đông Bộ Đầu, Cự Đà ngồi thuyền nhẹ chạy trốn. Đến Hoàng giang gặp hoàng thái tử đi thuyền ngược lên, Đà lánh sang bờ sông bên kia, thuyền chạy rất gấp. Quan quân gọi lớn: “Quân Nguyên ở đâu”.

Cự Đà trả lời: “Không biết, đi mà hỏi những người ăn xoài ấy”.

Đến đây, thái tử xin ghép Cự Đà vào cực hình để răn những kẻ làm tôi bất trung. Vua nói: “Cự Đà tội đáng giết cả họ, song đời xưa đã có chuyện Dương Châm không được ăn thịt dê, đến nỗi làm quân nước Trịnh bị thua. Việc Cự Đà là lỗi ở ta, tha cho hắn tội chết, cho phép hắn đánh giặc chuộc tội.”

Than ôi, chỉ vì trái xoài mà làm ra chuyện bán nước, cũng là nỗi ô nhục vậy. Dẫu rằng coi trọng miếng ăn vua ban, nhưng cũng không đến nỗi làm như vậy chứ.

Bán nước vì miếng thịt dê

Trong câu chuyện trên có nhắc đến Dương Châm của nước Trịnh, thực ra vua Trần Thái Tông đã nhầm giữa nước Tống và nước Trịnh. Phải là quân nước Tống thua mới đúng. Vậy chuyện Dương Châm là thế nào?

Theo Tả truyện, Dương Châm là người đánh xe cho Hoa Nguyên, vị tướng cầm quân nước Tống. Tống và Trịnh sắp đánh nhau, Hoa Nguyên làm thịt dê cho binh sĩ ăn, nhưng quên mất phần của người đánh xe Dương Châm.

Khi đánh nhau, Dương Châm nói: “Thịt dê hôm trước là quyền ở ngài, đánh nhau hôm nay là việc của tôi”, rồi đánh xe chạy ra giữa trận quân Trịnh. Chủ tướng bị bắt, nước Tống do vậy bị thua to, nhiều người tử trận, riêng Dương Châm thoát nạn.

Vua Tống định dâng vua Sở một trăm chiến xa và một trăm cỗ xe tứ mã để chuộc Hoa Nguyên. Nhưng lễ vật chưa đưa sang hết thì Hoa Nguyên đã trốn thoát. Về Tống, Hoa Nguyên gặp Dương Châm trước thành. Sợ Châm lo ngại, Hoa Nguyên ngỏ lời an ủi:

– Tại con ngựa của nhà ngươi nên mới xảy ra cớ sự.

Dương Châm đáp:

– Đâu phải tại ngựa, chính tại người.

Rồi bỏ trốn sang nước Lỗ.

Xem chuyện vua Trần nhận rằng “việc Cự Đà là lỗi ở ta” và chuyện Hoa Nguyên đổ “tại con ngựa”, thì có thể thấy được bản thân người quân tử cũng nhận lỗi về mình, hiểu rằng kẻ tiểu nhân trọng miếng ăn, mà bản thân hoặc người dưới trướng lại sơ suất không cho tiểu nhân miếng ăn. Đó chính là đứng ở chỗ người khác mà thấy được lỗi của mình.

Nhịn ăn đến chết vì mất nước

Kẻ tiểu nhân có thể vì miếng ăn mà bán nước, nhưng cũng có người có thể… nhịn ăn vì mất nước. Đó là chuyện của Bá Di và Thúc Tề.

Bá Di là con trai lớn của vua nước Cô Trúc thời vua Trụ nhà Thương. Vua cha muốn lập người em thứ 3 là Thúc Tề. Sau khi cha mất, Thúc Tề nhường lại ngôi vua cho Bá Di nhưng Bá Di không nhận, nói rằng phải theo mệnh lệnh của cha và bỏ trốn. Thúc Tề thấy Bá Di bỏ khỏi nước Cô Trúc cũng đi theo ông. Người trong nước bèn lập Á Bằng – người con còn lại lên ngôi vua.

Nghe tin Tây Bá Cơ Xương là người trọng đãi hiền sĩ, anh em Bá Di tìm đến. Nhưng khi hai người đến nơi thì Cơ Xương đã qua đời, con là Cơ Phát lên thay, mang quân đánh vua Trụ vì vua Trụ tàn bạo. Bá Di cùng em đến trước ngựa của Cơ Phát can rằng: “Cha chết không chôn lại gây việc can qua có thể gọi là hiếu không? Là bầy tôi giết vua có thể gọi là nhân không?”

Cơ Phát không nghe. Những người hộ vệ của Cơ Phát định giết anh em Bá Di nhưng Khương Tử Nha ngăn lại và đỡ anh em ông dậy và cho đi nơi khác.

Sau Trụ Vương bại trận tự tử. Cơ Phát lên ngôi lập ra nhà Chu, thiên hạ ai cũng tôn vinh. Riêng có Bá Di và Thúc Tề lấy việc nước mất làm xấu hổ, đến nỗi coi thóc gạo cũng là của nhà Chu, buồn bực không ăn nữa.

Hai ông lên ẩn ở núi Thú Dương làm bài ca Thái vi rằng:

Lên núi Tây chừ hái rau vi,
Lấy bạo đổi bạo chừ có hay chi?
Thần Nông, Ngu, Hạ chìm cả rồi, ta biết nơi nào đi?

Rồi hai ông không ăn, đành chết đói ở trên ngọn núi.

Lan man chuyện miếng ăn và chuyện bán nước
Bá Di, Thúc Tề. (Tranh minh họa: EpochTimes.com)

Có lời bàn rằng: Sau ngày vua Trụ mất thiên hạ, Vũ Vương đã đánh được nhà Thương, núi Thú Dương có còn là đất của nhà Thương, rau vi ở núi Thú Dương có còn là đồ ăn của nhà Thương nữa hay không? Bá Di, Thúc Tề nhầm lắm rồi.

Nói như thế kể cũng có lý, nhưng có phần quá vẻ nghiêm khắc. Ta chỉ biết Bá Di, Thúc Tề thân cô mà dám ngăn cản thiên binh vạn mã, thế là trong lòng rất can đảm, biết vua Trụ là người tàn bạo, mà cũng giữ một niềm thuỷ chung, thế là trung ái, đáng tôn trọng quý báu biết chừng nào. Vả chăng hăng hái mà liều chết, việc ấy còn dễ; chớ thung dung mà làm điều nghĩa, việc ấy mới là khó. Bá Di, Thúc Tề lên ẩn trên núi mà còn để lại bài ca Thái vi, còn lưu lại hai tiếng “Hiếu, Nhân” lúc ra can Vũ Vương; thật là những bậc có thể phù thực được cương thường muôn đời, khiến cho người sau ai xem đến truyện cũng thành có trí thức, liệt nhược cũng hoá ra cương cường mà có chí tự lập vậy.

(Cổ học tinh hoa)

Xét vậy mới thấy đời nay người hiện đại có thể chê hai ông ngu trung, nhưng cái “khiêm” của hai ông với ngôi vua Cô Trúc thì mấy ai để ý, cái “hiếu” của hai ông nhắc nhở Cơ Phát thì mấy ai hiểu, cái “nhân” của hai ông không muốn động can qua thì mấy ai thấu, cái “trung” của hai ông với nhà Thương thì mấy ai tỏ tưởng? Dẫu rằng hai ông không hiểu lẽ trời muốn nhà Thương bị diệt, nhưng hai ông có thể vì nghĩa trong lòng mà kiên trì giữ vững, không lay động trước hoàn cảnh, có thể thân cô ngăn cản thiên binh vạn mã, lại cũng có thể thân cô vào núi hái rau vi, há không cảm động sao? Kiên định với tín niệm, thiên hạ, kể cả ngày nay, cần có những người như thế.

Quang Minh

Xem thêm:

Mời xem video: