Dưới chế độ quân chủ, nhà Vua phải xem Thiên ý, tuân theo mệnh Trời để trị vì dân chúng. Khi vua Gia Long lên ngôi lập ra nhà Nguyễn đã chú ý xây dựng Đàn để bố cáo Trời đất, nhận ý chỉ của Trời để trị vì dân chúng. Hình ảnh Đàn Nam Giao gắn liền với lịch sử nhà Nguyễn và Kinh thành Huế cho đến tận ngày nay.

Vua Gia Long xây dựng Đàn Nam Giao

Năm 1806, vua Gia Long cho xây dựng Đàn Nam Giao ở xã Dương Xuân phía nam Kinh thành Huế, cách kỳ đài 3km theo đường chim bay. Đàn được xây hình chữ nhật với diện tích 103.350m² , chiều rộng (hai cạnh bắc nam) là 265m và chiều dài (hai cạnh đông tây) là 390m. Cả bốn mặt đông nam tây bắc đều có cửa, trong đó cửa phía nam là cửa chính. Phía trong Đàn được xây dựng rất nhiều công trình để phục vụ cho đại lễ.

Đàn Nam Giao có 3 tầng, tầng trên cùng là Viên đàn, được sơn màu xanh lam, có hình tròn tượng trưng cho THIÊN, đường kính 40,5 mét, cao 2,8 mét. Đây là nơi tế Trời, Đất, chúa tiên Nguyễn Hoàng cùng các vị Vua nhà Nguyễn.

Tầng giữa là Phương đàn hay Tùng đàn, được sơn màu vàng, có hình vuông tượng trưng ĐỊA. Đây là nơi tế Thần Mặt trời, Mặt trăng cùng các vì tinh tú, cùng các vị Thần sông núi.

Tầng dười cùng được sơn màu đỏ, có hình vuông tượng trưng cho NHÂN.

Kiến trúc của Đàn Nam Giao tuân theo chặt chẽ thuyết tam tài “Thiên – Địa – nhân”, “trời tròn đất vuông”.

Lễ tế Nam Giao là để Vua bố cáo với Trời đất những gì mình đã làm được, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đồng thời nhận ý chỉ của Trời đất để xem mình còn gì làm chưa tốt và cần trị vì dân chúng ra sao.

Vì Vua được xem là “Thiên tử” tức tuân theo mệnh Trời, nhận ý chỉ của Trời, nên chỉ có Vua mới được tế Trời đất ở Đàn Nam Giao, những người khác chỉ là đi theo phụng sự.

Lễ tế ở Đàn Nam Giao

Ba ngày trước khi làm lễ tế, Vua phải đến Trai cung thực hiện trai giới thật sạch sẽ và thanh tịnh mới được làm lễ tế trời đất. Ở phía tây nam là Trai cung để Vua thực hiện trai giới, nơi đây có phòng Thượng trà, sở Thượng thiện.

Lịch sử Đàn Nam Giao nhà Nguyễn (P1)
Trai cung, nơi Vua thực hiện trai giới thật sạch sẽ và thanh tịnh để làm lễ tế Trời đất. (Ảnh: Dulich24.com.vn)

Sau khi trai giới thanh tịnh, Vua sẽ đến nơi nhận đồ tế lễ ở phía đông bắc – gọi là phòng “Thần khố”, “Thần trù”. Nơi đây còn có khu nhà gọi là “quan cư” tức nơi cho các quan nghỉ ngơi khi đi theo giúp Vua làm làm lễ tế.

Đến giờ lễ tế (thường từ nửa đêm đến sáng), Vua mặc áo Long Cổn, đội mũ Bình Thiên ngự giá ra đàn tế. Ở đây diễn ra các nghi lễ, rồi đốt văn tế rất kính cẩn. Cứ hết một nghi lễ lại có nhạc tấu một khúc riêng

Năm 1918, nhà báo Phạm Quỳnh chứng kiến lễ tế đã cảm động nói rằng: “Đang đêm thanh vắng, hơn 100 con người đồng thanh hát lên, nghe rất cảm động, tưởng thấu đến tận trời cao đất thẳm, mà xa đưa đến đấng Tiên Hoàng Địa Kỳ cái tấm lòng thành của cả một dân một nước”.

Thời gian từ lúc khai tế đến khi tế lễ xong là một canh giờ tức 2 tiếng đồng hồ.

Đàn Nam Giao gắn liền với lịch sử nhà Nguyễn

Đàn Nam Giao được khởi công từ đầu năm 1806, đến tháng 3/1807 thì xây xong. Vua Gia Long cho trồng xung quanh rất nhiều cây thông tượng trưng cho khí phách của người quân tử. Đặc biệt Vua cho trồng một cụm thông ở hướng nam tượng trưng cho những công thần kiên nhẫn nếm mật nằm gai và dũng cảm vào sinh ra tử giúp mình lập ra nhà Nguyễn. Mỗi cây được gắn một tấm biển bằng đồng hay đá ghi tên một vị công thần.

Vua Minh Mạng cùng các Vua sau này cho phép các công thần được trồng thông có gắn tấm thẻ bài ghi tên của họ. Đến đời vua Tự Đức, không chỉ có những công thần giúp Vua, mà cả những vị quan tam phẩm, tứ phẩm cũng được trồng thông rồi gắn tấm thẻ có tên. Vì thế rừng thông ở Đàn Nam Giao cứ được mở rộng dần.

Lịch sử Đàn Nam Giao nhà Nguyễn (P1)
Đàn tế được bao phủ bởi rừng thông xanh mướt. (Ảnh: Dulich24.com.vn)

Sau thời vua Tự Đức, các vị quan khi được thăng chức đều đến Đàn Nam Giao tự tay trồng một cây thông có gắn tấm biển hiệu ghi tên mình dưới sự chứng kiến của bộ Lễ và bộ Công.

Tập san “Đô Thành Hiếu Cổ” (Bulletin des Amis du Vieux Hué) có đăng nhận xét của Léopold Cadière như sau: “Tấm biển cài trên cây đảm bảo đời sống cho cây. Đố ông quan nào chịu nổi tấm biển tên mình treo trên một cây khô héo vào dịp tế Giao? Nếu điều ấy xảy ra và đức vua lỡ trông thấy, thì ông quan nào đấy không chỉ chịu tủi nhục mà rất có thể sẽ đón nhận những hậu quả tai hại!”

Thế nhưng việc cho các quan được trồng thông một khi nhiều lên thì ý nghĩa ban đầu mất đi, dần sinh ra biến tướng. Từ năm 1885 về sau mỗi khi có vị quan được thăng chức hay phẩm hàm, đã có nhân viên bảo vệ Đàn Nam Giao đến tận tư dinh báo rằng đã giúp quan trồng thông và gắn biển hiệu tên quan rất đẹp, thế là quan ban thưởng cho 3 lạng bạc.

Ngay sau khi Đàn Nam Giao được xây dựng xong, ngày 27/3/1807, vua Gia Long thực hiện lễ tế lần đầu tiên, rước chúa tiên Nguyễn Hoàng thăng phối. Từ đó theo lệ cứ đến tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch các vị Vua nhà Nguyễn đều thực hiện lễ tế trời đất ở Đàn Nam Giao.

Việc tễ lễ ở Đàn Nam Giao vào thời kỳ các vị Vua khai quốc được thực hiện rất tốt, chỉ có Vua mới được làm lễ tế, nếu năm nào Vua ốm không được khỏe thì chỉ định Thái tử kế vị đi thay. Thế nhưng việc này càng về sau càng kém đi, đến thời vua Tự Đức, vì Vua không có con nên năm nào đau ốm chỉ định các đại thần như Phan Thanh Giản hay Đoàn Thọ thay mình. Sau đó nhà Nguyễn không thể chống được quân Pháp và phải ký những Hiệp ước bất bình đẳng.

Mùa xuân năm 1885, vua Hàm Nghi cũng không tự đến tế lễ Đàn Nam Giao mà sai Đặng Đức Địch làm thay, rồi Vua bị người Pháp ức hiếp thái quá. Vào tháng 7 năm đó quân nhà Nguyễn bất ngờ tấn công đánh úp quân Pháp ở đồn Mang Cá và Tòa Khâm sứ Pháp. Sau phút bất ngờ quân Pháp nhờ có vũ khí hiện đại đã đẩy lui quân nhà Nguyễn, tiến vào Kinh thành Huế. Vua Hàm Nghi phải chạy đến căn cứ Tân Sở (Quảng Trị).

Sau đó các vị Vua nhà Nguyễn không còn chú ý tế lễ ở Đàn Nam Giao nữa, Vua cũng chẳng có thực quyền mà chỉ quyết định các việc dưới sự hướng dẫn của người Pháp.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “Lùi một bước là một loại cảnh giới cao thượng”: