Là cặp ngọc tỷ tế trời của Hoàng đế Càn Long, “Cổ hi Thiên tử chi bảo” được chế tác để kỷ niệm sự trường thọ của bậc đế vương và hùng tâm muốn xây dựng một Trung Hoa cường thịnh. Tuy nhiên, lời lẽ của Hoàng đế Càn Long khắc trên “Cổ hi thiên tử chi bảo” lại không nằm ngoài ba chữ “tự sửa mình”.

“Cổ hi Thiên tử chi bảo” không phải là ngọc tỷ truyền quốc mà là một cặp ngọc tỷ tế Trời. Được khắc bằng thạch anh, cặp ngọc tỷ này có tạo hình phần trên là hai con rồng giao nhau, phần dưới khắc ngược “Cổ hi Thiên tử chi bảo” bằng chữ Triện. 4 mặt của một ngọc tỷ khắc bài thơ ca ngợi ân đức của Càn Long. Trên ngọc tỷ còn lại là lời tự vấn của vị Hoàng đế này.

02 2
Mặt trước. (Ảnh qua Google Art & Culture)
Cổ hi thiên tử chi bảo: Lời tự vấn khắc trên ngọc tỷ của hoàng đế Càn Long khi về già
Mặt bên. (Ảnh qua Google Art & Culture)
Cổ hi thiên tử chi bảo: Lời tự vấn khắc trên ngọc tỷ của hoàng đế Càn Long khi về già
Phần chữ Triện. (Ảnh qua Google Art & Culture)
05 2
Hộp đựng. (Ảnh qua npm.gov.tw)

“Cổ hi Thiên tử chi bảo” mang ý nghĩa là bảo vật của một vị Thiên tử “xưa nay hiếm” (cổ hi). Nó được hoàn thành để kỷ niệm cho năm trị vì thứ 45 của Hoàng đế Càn Long. Bấy giờ, ông được xem là một trong những vị Hoàng đế Trung Hoa hiếm hoi sống trường thọ. Ở vào ngưỡng cửa của cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, Hoàng đế Càn Long rõ ràng đã trầm lắng rất nhiều, hơn nữa ông vẫn không ngừng trau dồi và tự vấn bản thân.

Lời tự vấn của Hoàng đế Càn Long trên “Cổ hi Thiên tử chi bảo” nói về những lời ca tụng của Thượng thư Nguyên Thụy dành cho mình. Nội dung như sau:

Cổ nhân nói, ca tụng không được quên phép tắc, nay chín bài ca tụng của Nguyên Thụy, chỉ thấy ca tụng suông mà không thấy có phép tắc. Nguyên Thụy vì được một nửa mà mất một nửa. Rồi làm cho ta thấy được ca tụng mà dương dương tự mãn. Liền cho là thực sự như thế, vậy nên không chỉ mất một nửa mà còn mất hết. Ta đâu muốn như vậy. Không vì nó mà tự mãn, thấy thiếu thiếu như có ý chưa đủ. Bổ khuyết cho nó là cái gốc của Kính Trời vậy. Phải có ích, oai nghiêm, sáng tỏ, không sửa đổi, trước sau không biến đổi, đó cũng là phép tắc. Phép tắc tổ tiên phải suy nghĩ mà kế thừa.

Các tiền liệt thận trọng, sáng suốt lắng nghe là để giúp dân chúng, trước sau không được thay đổi. Đó là học điển tích áp dụng thành thực học. Đó là thượng võ chứ không phải là lạm dụng võ. Đó là trù tính nơi biên cương chứ không phải là hoành dương đạo Khổng. Là để chế tác chứ không phải để trang sức. Như dùng nhân tài trị vì, thức khuya dậy sớm, ai chẳng phải là bậc Hồng y cẩn thận tu dưỡng suy nghĩ vĩnh hằng đó sao. Như thế mà xem chín bài ca tụng của Nguyên Thụy mới làm ta hiểu sâu sắc thêm lời răn dạy như bên vực sâu, như trên băng mỏng. Thế thì lời ca tụng của ông ta cũng tức là khiến ta hiểu phép tắc vậy, cũng càng suy nghĩ thành khẩn hơn. Trên ba triều đại thì không bàn luận. Trong ba triều đại là thiên tử, mà thọ đến tuổi cổ lai hy, thì mới có sáu người, thế là đã giải thích tác phẩm đó rồi.

Là một vị Hoàng đế tài giỏi trong rất nhiều lĩnh vực, lại góp phần đưa nhà Thanh lên đến thời kỳ toàn thịnh, nên nếu Càn Long có được ca tụng thì cũng không có gì làm lạ. Ấy vậy mà khi được tán tụng, ông không lấy đó làm vui mừng, mà điều đầu tiên ông nghĩ tới chính là sự tự mãn của bản thân, khiến ông cảm thấy “như bên vực sâu, như trên băng mỏng”. Chính vì thế, ông đã cho khắc lời tự vấn của mình lên trên ngọc tỷ nhằm tự nhắc nhở bản thân tiếp tục lấy phép tắc của tổ tiên mà an dân trị quốc.

Sự tự vấn ấy không chỉ bắt nguồn từ thói quen được giáo dục của một vị Hoàng đế, mà còn bắt nguồn từ chính niềm tin của Hoàng đế Càn Long vào đạo Phật. Vào thời của Càn Long, Phật giáo phát triển mạnh mẽ. Bản thân Càn Long còn chịu khó học cách đọc ngôn ngữ Tây Tạng để có thể tìm hiểu kinh sách Phật giáo. Sau này khi đã có tuổi, rời khỏi những khát vọng mở mang bờ cõi hay sự mê hoặc của địa vị, Càn Long bước lên con đường tu luyện. Những hình ảnh liên quan tới Phật giáo được tìm thấy trong ngôi mộ của Càn Long, cho thấy tín ngưỡng của vị Hoàng đế đặc biệt này.

Cổ hi thiên tử chi bảo: Lời tự vấn khắc trên ngọc tỷ của hoàng đế Càn Long khi về già
Càn Long khi nghỉ ngơi. (Tranh: Lang Shining, Ding Guanpeng, Wikipedia, Public Domain)

Với tâm niệm ghi khắc trên ngọc tỷ tế trời ấy, Càn Long đã trở thành vị Hoàng đế có tuổi thọ lớn nhất trong lịch sử Trung Hoa, 87 tuổi. Thời kỳ trị vì của ông kéo dài hơn 60 năm và là thời cực thịnh về kinh tế cũng như quân sự của nhà Thanh. Chính sách đối ngoại của Càn Long rất thành công. Vào thời này, lãnh thổ nhà Thanh kéo dài đến châu thổ sông Y Lê và Tân Cương, lãnh thổ Trung Hoa mở rộng đến tối đa: khoảng 14.000.000 km², so với 9.600.000 km² như hiện tại. Đối với dân tộc khác thì không hẳn là điều tốt, nhưng có thể nói đối với dân tộc Trung Hoa thì đó là công nghiệp to lớn.

Cổ hi thiên tử chi bảo: Lời tự vấn khắc trên ngọc tỷ của hoàng đế Càn Long khi về già
Càn Long trong bộ chiến bào. (Tranh: Giuseppe Castiglione, Wikipedia, Public Domain)

Càn Long tại vị 60 năm, gần bằng Hoàng đế Khang Hy. Ông không dám vượt quá tổ phụ Khang Hy, do đó khi tại vị tới 60 năm liền tiến hành thoái vị. Cùng với sự cai trị dưới thời Hoàng đế Khang Hy, Trung Hoa dưới thời của Càn Long cũng là thời thịnh thế, vậy nên sử sách mới gọi là “Khang Càn thịnh thế”.

Phong Sơn

Xem thêm:

Mời xem video: