Trong văn hóa truyền thống, hiếu thảo là một giá trị phổ quát được coi trọng bậc nhất. Trung hiếu lễ tiết luôn được xem là cái gốc làm người. Dùng “Hiếu” ước thúc bản thân, thực hành hiếu thảo, từ đó ảnh hưởng đến việc trị quốc, đây là một trong những tư tưởng cơ bản của các bậc Thánh Vương, các bậc đế vương anh minh thời xưa.

Người xưa tin rằng gia đình và quốc gia là một thể, gia đình chính là đơn vị cấu thành nên xã hội. Gia đình của bậc đế vương lại càng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thịnh suy của triều đại. Gia đình giống như là một đất nước nhỏ, gia đình hòa thuận thì đất nước tất sẽ hòa thuận, gia đình hưng thịnh thì đất nước tất sẽ hưng thịnh, gia đình ổn định thì xã tắc tất sẽ ổn định.

Cho nên khi các bậc Thánh Vương giáo hóa dân chúng thì phải bắt đầu từ việc “tề gia”, lấy việc chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình làm nền móng. Muốn làm được việc này thì họ phải tu dưỡng tốt phẩm chất đạo đức của bản thân, tức là “tu thân”. Mà tu thân thì phải bắt đầu bằng chữ “Hiếu”. Một câu chuyện về lòng hiếu thảo hay được nhắc tới là chuyện về Ngu Thuấn, một vị vua nằm trong Ngũ Đế, một tấm lòng hiếu thảo cảm động đến cả trời xanh.

Lòng hiếu thảo của bậc đế vương xưa
Tượng vua Thuấn. (Ảnh: Dingar, Wikipedia, Public Domain)

Ngu Thuấn họ Diêu, tên là Trọng Hoa. Tương truyền rằng Ngu Thuấn mồ côi mẹ từ nhỏ, ông sống cùng với cha, mẹ kế và người em trai cùng cha khác mẹ của mình. Cha ông là Cổ Tẩu cùng mẹ kế và người em trai đã nhiều lần muốn hại chết ông nhưng ông vẫn một lòng hiếu thảo, không mảy may oán hận.

Có lần ông sửa chữa mái nhà kho, khi ông vừa leo lên thì cha cùng em trai ở dưới lập tức phóng hỏa và còn đem thang cất đi muốn để ông chết cháy. Nhưng ông nhảy xuống và may mắn thoát chết. Một lần khác, cha ông sai ông đi đào giếng. Khi ông đã ở dưới giếng sâu thì ở trên mặt đất, cha và người em trai nhanh chóng lấy đất đá lấp xuống giếng hòng chôn sống ông. Ông nhanh tay đào được một cái ngách bên cạnh và thoát chết.

Mặc dù người thân đã làm ra đủ loại sự tình khiến Ngu Thuấn gặp phải hoàn cảnh hiểm nghèo, nhưng ông lại không hề mang hận trong lòng mà vẫn kính cẩn nghe lời cha mẹ, yêu thương em. Vì vậy mà lòng hiếu thảo của ông đã làm cảm động trời xanh và vạn vật, phúc báo lần lượt kéo tới.

Vì sao vua Thuấn hiểu thảo luôn tự thấy mình bất hiếu?
Ngu Thuấn cày ruộng. (Tranh: Họa sĩ Utagawa Kuniyoshi, British Museum, Public Domain)

Khi Ngu Thuấn đi cày ở Lịch Sơn thì voi tới thay ông cày ruộng, chim sà xuống làm cỏ giúp ông. Vua Nghiêu nghe nói ông vô cùng hiếu thuận, có đức độ, liền đưa hai cô con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh đến để gả làm vợ ông.

Sách sử chép rằng hai con gái của vua Nghiêu sau khi gả về cho Ngu Thuấn đều không kiêu mạn, giữ đạo làm vợ. Chín người con trai của vua Nghiêu tiếp xúc với Thuấn đều ngày một thuần hậu, kính cẩn. Thuấn cày ở Lịch Sơn thì người Lịch Sơn đều nhường bờ ruộng; bắt cá ở Lôi Trạch thì người Lôi Trạch đều nhường chỗ ở; làm gốm ven Hoàng Hà thì đồ gốm ven Hoàng Hà đều không còn thứ thô xấu. Sử ký ca ngợi: “Sau một năm thì nơi Thuấn ở thành thôn xóm, sau hai năm thành thành ấp, sau ba năm thành đô thị”.

Trải qua nhiều năm quan sát và khảo nghiệm, vua Nghiêu đã cho Thuấn làm người thừa kế ngai vị của mình. Sau khi lên làm vua, Ngu Thuấn vẫn không quên công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ, thường xuyên về thăm cha mẹ và em trai, đồng thời vẫn một lòng một dạ hiếu kính với cha mẹ. Lòng hiếu thảo của Ngu Thuấn được hậu nhân ca ngợi, trở thành một biểu tượng đế vương hiếu thảo trong văn hóa truyền thống.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: