Nền văn minh của dân tộc Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh là vào thời vua Lý Thái Tổ, với việc chuyển Kinh đô về Thăng Long, đánh dấu một thời kỳ tự chủ và phát triển rực rỡ.

Lý Thái Tổ
Tượng đài Lý Thái Tổ tại trung tâm thành phố Bắc Ninh. (Ảnh: Khương Việt Hà, Wikipedia, Public Domain)

Thân thế

Theo thần tích ở đình Yên Bình, Dương Đanh ở xã Dương Xá, Gia Lâm Hà Nội thì đất Cổ Pháp xưa kia nổi tiếng có gia tộc họ Lý. Trong đó Lý Khuê (hiệu là Lý Lãng Công) là bậc hào trưởng văn võ kiêm toàn, sống đức độ được dân chúng khắp vùng kính trọng.

Khi Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, nhiều người không phục, các thủ lĩnh nổi lên khắp nơi hình thành 12 Sứ quân. Lý Khuê dấy binh ở Siêu Loại chiếm giữ vùng đất phía nam sông Đuống thuộc tỉnh Bắc Ninh (huyện Thuận Thành, Lương Tài, Gia Bình ngày nay) và một phần ở Gia Lâm.

Trong cảnh Giang Sơn loạn lạc, Lý Khuê được lòng dân chúng mà chiếm giữ một vùng, không có ý định tranh hùng với các Sứ quân khác, mà chỉ chăm lo cho vùng đất mình chiếm giữ.

Đỗ Cảnh Thạc
Bản đồ 12 Sứ quân. (Ảnh: Kien1980v, Wikipedia, Public Domain)

Khi Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 Sứ quân đã cử tướng Lưu Cơ đến đánh vùng đất Siêu Loại, Lý Khuê không chống nổi và tử trận năm 968. Người dân thương tiếc lập đền thờ ông ở thôn Yên Đình. Người dân trong thôn tôn ông làm Thành Hoàng của làng, sắc phong là Ngô Thông Thượng Đẳng phúc thần.

Lý Khuê thua trận, dòng họ Lý nơi đây không còn mạnh như trước, phải sống tản đi các nơi, một số vào chùa.

Lý Thái Tổ
Nhà thờ Lý Khuê ở Đình Dương Đanh, Dương Xá. (Ảnh: Kien1980v, Wikipedia, Public Domain)

Đến nay các nhà sử học vẫn xem xuất thân của Lý Thái Tổ là một ẩn đố lớn vì không rõ cha ông là ai. Chỉ biết sách sử ghi rằng mẹ ông họ Phạm, có thai với “thần nhân” tại chùa Tiêu Sơn, “sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất [974], niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 thời Đinh” (Đại Việt Sử ký Toàn thư), đặt tên là Lý Công Uẩn. Tuy vậy sách Đại Việt sử lược cũng chép ông có một người anh trai (sau được phong Vũ Uy vương) và một người em trai (sau phong Dực Thánh vương).

Lý Công Uẩn được Lý Khánh Văn nhận nuôi, lên 7 tuổi thì được gửi đến học với trụ trì Lý Vạn Hạnh tại chùa Cổ Pháp. Sư Vạn Hạnh khen rằng: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ.” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Thiền sư Vạn Hạnh thuộc dòng thiền Diệt Hỷ, đây là dòng thiền ảnh hưởng rất to lớn đến lịch sử cũng như vận mệnh của dân tộc. Sư Vạn Hạnh đã truyền thụ Phật Pháp và võ học cho Lý Công Uẩn, giúp ông trở thành vị Vua khai sinh ra nhà Lý.

Tấm lòng thiện lương trong Triều đình

Thời tiền Lê, vua Lê Đại Hành rất tin tưởng các thiền sư như Vạn Hạnh, Khuông Việt, Pháp Thuận. Các vị thiền sư dù chẳng màng công danh nhưng tiếng nói lại rất có ảnh hưởng đến Triều đình. Lý Công Uẩn theo đó đã được đưa vào triều để phụng sự Xã Tắc.

Nhận thấy Lý Công Uẩn có rất nhiều đức tính cao quý, vua Lê Đại Hành tin tưởng gả con gái yêu là công chúa Lê Phất Ngân cho ông. Sự việc này được “Ngọc phả các vua triều Lê” ở xã Liêm Cần, Thanh Liêm, Hà Nam ghi chép như sau:

“Thái Tổ Hoàng đế sinh thời hàng năm theo Thiền sư Vạn Hạnh vào hầu vua Lê Hoàn ở thành Hoa Lư. Thái Tổ được vua Lê yêu, cho ở lại kinh thành học tập quân sự. Vua lại gả con gái cả là Lê thị, sinh ra Lý Phật Mã và đặc phong cho Thái Tổ làm Điện tiền cận vệ ở thành Hoa Lư.”

Với bản tính thiện lương của mình, Lý Công Uẩn đã chiếm được cảm tình của Triều đình cũng như hoàng thân quốc thích nhà Lê. Ông được Vua giao cho chức Điện tiền Chỉ huy sứ, đây là chức vụ quan trọng, chỉ huy đội quân cận vệ ở kinh thành Hoa Lư.

Năm 1005, vua Lê Đại Hành mất, di chiếu truyền ngôi cho Thái tử Lê Long Việt, giao cho Lý Công Uẩn giúp đỡ Thái tử. Tuy nhiên 3 hoàng tử khác là Lê Long Tích , Lê Long Kính và Lê Long Đĩnh cùng tranh chấp ngôi vua. Sách An Nam chí lược chép rằng: “Lê Hoàn đã chết, mấy người con đều tụ tập binh mã, chia đặt trại sách, quan thuộc ly tán, nhân dân lo sợ.”

Lý Công Uẩn trợ giúp Thái tử, sau 8 tháng đánh bại quân của 3 hoàng tử, giúp Thái tử lên ngôi, hiệu là Lê Trung Tông. Tuy nhiên chỉ 3 ngày sau, vua Trung Tông lại bị em cùng mẹ là Lê Long Đĩnh giết chết để cướp ngôi. Sự kiện này được Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng: “Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung Tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông.”

Trong khi nhiều người đều chạy trước quân của Lê Long Đĩnh, sợ liện lụy tới mình, thì chỉ có Lý Công Uẩn hay tin vội chạy đến ôm xác vua Lê Trung Tông mà khóc.

Lên ngôi Vua, dù biết Lý Công Uẩn rất trung thành phò tá Thái tử, nhưng Lê Long Đĩnh vẫn khen Lý Công Uẩn là người trung nghĩa, tin tường trao cho Lý Công Uẩn chức Tứ sương quân Phó Chỉ huy sứ, sau thăng lên Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ tức chỉ huy toàn quân Đại Cồ Việt.

Lên ngôi

Thời Lê Long Đĩnh ở ngôi 4 năm thì trong nước có 5 lần diễn ra loạn lớn, dân chúng nổi lên các vùng thuộc Hưng Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay .

Năm 1009, Lê Long Đĩnh mất, hoàng tử Lê Cao Sạ còn rất bé, đất nước thì loạn lạc. Người dành được thiện cảm lớn nhất trong Triều đình lúc này chính là Lý Công Uẩn.

Chính vì thế mà khi quan Chi hậu Đào Cam Mộc đề xuất Lý Công Uẩn lên ngôi Vua thì Triều thần đều đồng lòng.

Đại Việt Sử ký Toàn thư chép:

Công Uẩn còn chần chừ, Cam Mộc lại bàn thêm :

“Thân Vệ là người khoan thứ, nhân từ, lòng người chịu theo. Hiện nay trăm họ mỏi mệt kiệt quệ, dân không chịu nổi, Thân vệ nên nhân đó lấy ân đức mà vỗ về, thì người ta tất xô nhau kéo về như nước chảy chỗ thấp, có ai ngăn được!”

Cam Mộc biết việc cần kíp, sợ sinh biến, mới nói chuyện với khanh sĩ và các quan, ai cũng vui theo. Ngay ngày hôm ấy, điều họp cả ở trong triều, bàn rằng:

“Hiện nay, dân chúng ức triệu khác lòng, trên dưới lìa bỏ, mọi người chán ghét tiên đế hà khắc bạo ngược, không muốn theo về vua nối ngôi, mà đều có lòng suy tôn quan Thân vệ, bọn ta không nhân lúc này cùng nhau sách lập Thân vệ làm thiên tử, lỡ bối rối có xảy ra tai biến gì, liệu chúng ta có giữ được cái đầu hay không?”

Thế rồi cùng nhau dìu Công Uẩn lên chính điện, lập làm Thiên tử, lên ngôi Hoàng đế. Trăm quan đều lạy rạp dưới sân, trong ngoài đều hô “vạn tuế”, vang dậy cả trong triều.

Vậy là ngày 21/11/1009, Lý Công Uẩn lên ngôi Vua.

Về việc này, Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên chép:

Lê Chí Trung Giao Châu, cai trị hà ngược không theo phép tắc, nên lòng dân chia lìa. Lúc mất con trai mới 10 tuổi; em là Minh Đề, Minh Sưởng dùng binh tranh ngôi; Đại hiệu Lý Công Uẩn đốc suất dân trong nước đánh đuổi và giết được. Công Uẩn tuổi mới 26, là người thân cận của Chí Trung, Trung từng được lệnh đổi sang họ Lê; nay tự lãnh việc châu, xưng là An Nam Tĩnh hải quân quyền lưu hậu. Lại gửi văn thư xin mang sản vật địa phương phụng cống, xin giáng chế mệnh.

Thiên tử ban: “Chí Trung bất nghĩa mà được nước, Công Uẩn lại bắt chước theo, càng đáng ghét.”

[…]

Thiên tử cho rằng man di không đáng để trách cứ; theo lệ cũ như với Lê Hoàn, ban cho Công Uẩn Tĩnh Hải tiết độ sứ, phong Giao Chỉ quận vương, ban y phục dây đai, tiền và khí vật.

Dùng nhân đức trị quốc

Sư Vạn Hạnh biết phong thủy ở kinh đô Hoa Lư không phù hợp nữa, các Triều đại ở đây chỉ tồn tại ngắn ngủi. Nơi đó chật hẹp đất thấp không xứng với tầm vóc để xây dựng một Giang Sơn hùng mạnh. Do đó Triều đình có ý muốn tìm nơi dời đô.

Vào tháng 7 năm Thuận Thiên thứ nhất (1010), Vua khởi sự dời đô, khi thuyền đến dưới chân thành Đại La liền có có rồng vàng hiện ra rồi bay lên trời. Từ đó thành Đại La được đổi tên thành Thăng Long (nghĩa là rồng bay lên).

Lý Thái Tổ
Thành Thăng Long. (Ảnh từ Quehuongonline.vn)

Cũng kể từ đó văn minh đất nước phát triển vượt bậc, nhà Lý tồn tại 216 năm trải 9 đời (tính cả Lý Chiêu Hoàng). Các nhà Trần và Lê sau này cũng rất lâu dài.

Vua Lý Thái Tổ dùng nhân đức đối xử với các Triều thần, dùng Phật Pháp giáo hóa muôn dân nhờ đó Giang Sơn Xã Tắc rất nhanh được ổn định, văn minh phát triển.

Đặc biệt Lý Thái Tổ rất mực coi trọng Phật Pháp, việc này thậm chí khiến phái Nho học không hiểu được, Lê Văn Hưu còn bàn rằng:

“Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể.”

Khi mới lên ngôi, nhận thấy đời sống dân chúng rất cơ cực, Vua đã đại xá thiên hạ: “Mùa đông, tháng 12 (năm 1010), cung Thúy Hoa làm xong, làm lễ khánh thành, đại xá các thuế khóa cho thiên hạ trong 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế lâu năm đều tha cho cả.” (Đại Việt Sử ký Toàn toàn thư)

Sau một thời gian dùng Phật Pháp giáo hóa, Xã Tắc ổn định, đến năm 1016 thì cả nước được mùa to, dân chúng ai cũng phấn khởi, Vua lại ra chỉ dụ 3 năm không phải đóng thuế.

Năm 1017, Vua xuống chiếu xá tô ruộng cho thiên hạ, năm 1018 lại xuống chiếu xá tô ruộng một lần nữa. Vậy là cuộc sống dân chúng được ổn định no ấm.

Thời ấy ở vùng Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay) có quân Cử Long rất lợi hại, trấn giữ vùng đất này từ thời nhà Đinh, Tiền Lê nhưng chưa thể dẹp yên. Năm 1012 Vua đưa quân đến dẹp được quân Cử Long, nhưng khi về đến Vũng Biện (thuộc vùng biển ở Biện Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) thì trời bỗng tối sầm, sấm chớp dữ dội.

Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng, không biết mình có làm sai điều gì không, Vua bèn đốt hương khấn rằng:

“Tôi là người ít đức, lạm ở trên dân, nơm nớp lo sợ như sắp sa xuống vực sâu, không dám cậy binh uy mà đi đánh dẹp càn bậy. Chỉ vì người Diễn Châu không theo giáo hóa, ngu bạo làm càn, tàn ngược chúng dân, tội ác chồng chất, đến nay không thể dung tha không đánh. Còn như trong khi đánh nhau, hoặc giết oan kẻ trung hiếu, hoặc hại lầm kẻ hiền lương, đến nỗi hoàng thiên nổi giận phải tỏ cho biết lỗi lầm, dẫu gặp tổn hại cũng không dám oán trách. Đến như sáu quân thì tội lỗi có thể dung thứ, xin lòng trời soi xét.”

Vua khấn xong thì sấm chớp cũng lặng yên.

Lý Thái Tổ trị quốc bằng Phật Pháp, yêu thương dân chúng, đặt nền tảng vững chắc cho nhà Lý sau này. Các đời Vua sau như Thái Tông, Thánh Tông đều theo Đạo Phật, dùng nhân đức trị quốc, giúp văn minh nhà Lý phát triển đến giai đoạn cực thịnh.

Đánh giá về vua Lý Thái Tổ, sử thần Ngô Sĩ Liên bàn rằng:

“Có đức tất có ngôi, bởi lòng người theo về, lại vừa sau lúc Ngọa Triều hoang dâm bạo ngược mà vua thì vốn có tiếng khoan nhân, trời thường tìm chủ cho dân, dân theo về người có đức, nếu bỏ vua thì còn biết theo ai! Xem việc vua nhận mệnh sâu sắc lặng lẽ, dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời, cùng là đánh dẹp phản loạn, Nam Bắc thông hiếu, thiên hạ bình yên, truyền ngôi lâu đời, có thể thấy là có mưu lược của bậc đế vương.”

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: