Hồ lô là một trong những biểu tượng của Đạo giáo, được rất nhiều vị Thần tiên đem theo như một pháp khí thần diệu để cứu tế chúng sinh. Nó cũng là một trong những biểu tượng của y đạo thời cổ đại.

Một chuyện cổ về hồ lô và y đạo thời cổ đại
(Ảnh minh họa: Aragarey, Shutterstock)

Có rất nhiều vị Thần tiên trong truyền thuyết sử dụng hồ lô. Thiết Quải Lý trong Bát Tiên thường mang trên lưng một bình hồ lô rất lớn, bên trong chứa đựng linh đan dược liệu để chu du thiên hạ, chữa bệnh cứu người. Phật Dược Sư cũng có một chiếc bình hồ lô để cứu chữa bệnh khổ cho chúng sinh. Ông Thọ trong ba ông Phúc Lộc Thọ cũng thường mang theo mình trái đào tiên, nấm linh chi và bình hồ lô chứa nước trường sinh.

Truyện cổ còn kể rằng một số đạo sĩ dùng hồ lô để bắt giữ linh hồn xấu. Vì thế, người già thời xưa thường mang theo bên mình trái hồ lô như chiếc bùa hộ mệnh, giúp sống lâu và xua đuổi ma quỷ.

Trong nghi thức hợp cẩn của hôn lễ thời cổ đại, cô dâu chú rể mỗi người dùng một nửa quả hồ lô để làm chén uống rượu mời nhau. “Cẩn” ở đây là một loại quả đắng dùng làm hồ lô. Lấy quả đắng cùng uống, thể hiện cho sự đồng cam cộng khổ, vợ chồng hòa hợp.

Liên quan đến sự thần bí của hồ lô có điển cố “Huyền hồ tế thế”. Chuyện này được ghi chép trong sách “Thần tiên truyện” của Cát Hồng thời Đông Tấn và “Hậu Hán thư” của Phạm Diệp thời Lưu Tống Nam triều.

Vào thời nhà Hán, có một vị đạo sĩ tên là Hồ Công. Ông thường mang theo một chiếc bình hồ lô lớn từ nơi xa xôi đến khu chợ ở Nhữ Nam, Hà Nam để hành nghề y. Những người ở trong chợ đều không biết ông là ai. Ông chủ yếu bán thuốc bên trong chiếc bình hồ lô. Dù không bao giờ được phép mặc cả trả giá, nhưng thuốc của ông uống vào là khỏi bệnh.

Khi bán thuốc, ông nói với người bệnh: “Uống vào một viên thuốc nhất định phải nhổ ra thứ gì đó. Sau đó chờ đến ngày hôm sau thì bệnh sẽ khỏi.” Mọi người về nhà theo lời ông nói mà làm, quả nhiên ứng nghiệm.

Cứ như vậy, một người truyền mười người, mười người truyền trăm người, Hồ Công bán thuốc rất đắt hàng. Mỗi ngày ông đều kiếm được rất nhiều tiền. Tiền kiếm được sau khi bán thuốc, ông chỉ giữ lại một ít, phần lớn số tiền còn lại ông đều mang đi cứu giúp những người khốn khổ ở chợ.

Hồ Công treo chiếc bình hồ lô dưới mái hiên nhà người ta. Khi mặt trời lặn xuống núi, ông bán thuốc xong thì chiếc bình hồ lô cũng trống rỗng. Sau đó ông cũng biến mất.

Bấy giờ có một viên quan địa phương tên là Phí Trường Phòng đứng trên lầu nhìn thấy cảnh tượng Hồ Công bán thuốc ở chợ. Ông biết rằng Hồ Công không phải là người bình thường, nhất định là một người tu Đạo.

Phí Trường Phòng có tâm bái Hồ Công làm thầy học Đạo, vậy nên mỗi ngày không ngại gian khổ giúp Hồ Công quét dọn phần đất phía trước chỗ ngồi, cung phụng đồ ăn thức uống cho ông. Hồ Công cũng không cự tuyệt, đều nhận hết. Cứ như thế qua một đoạn thời gian lâu, Phí Trường Phòng mỗi ngày đều cung kính như thuở ban đầu, không dám bê trễ, cũng chưa từng nêu ra yêu cầu gì.

Cuối cùng có một ngày Hồ Công mở miệng nói chuyện với Phí Trường Phòng: “Tối nay vào lúc không có người, con hãy đến đây với ta”.

Tối hôm đó, Phí Trường Phòng đến như đã hẹn. Hồ Công nói với Phí Trường Phòng: “Ta nhảy vào trong hồ lô, con có dám đi cùng ta không?” Phí Trường Phòng nghe theo lời Hồ Công, đã cùng Hồ Công nhảy ngay vào trong chiếc bình hồ lô ấy.

Sau khi nhảy vào trong, Phí Trường Phòng phát hiện một chiếc bình hồ lô bên ngoài trông thật nhỏ bé nhưng bên trong cảnh tượng lại giống như chốn bồng lai tiên cảnh. Anh ta trông thấy tầng tầng lớp lớp lâu đài đình các, trang hoàng lộng lẫy. Phía sau lầu các còn có cây cầu bảy sắc cầu vồng rực rỡ, quả thực đúng là thế giới Thần tiên.

Hồ Công nhận Phí Trường Phòng làm đồ đệ, còn giao cho một lá bùa và nói: “Con có thể dùng lá bùa này để xua đuổi ma quỷ, cũng có thể làm sứ giả của Thần linh, còn có thể chữa bách bệnh, giải trừ tai họa”.

Từ đó về sau, Phí Trường Phòng theo bước sư phụ, hành y chữa bệnh, trở thành một danh y thời ấy. Sau này những người hành nghề y cũng thường sử dụng hồ lô để đựng thuốc. Quả hồ lô đeo bên hông của thầy thuốc hoặc treo trước nhà đã trở thành một trong những biểu tượng của nền y học cổ đại.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: