Cổ ngữ có câu: “Dân dĩ thực vi thiên”, ý nói dân chúng coi lương thực là thứ quan trọng nhất để sinh tồn. Câu nói này cũng phản ánh ra sự coi trọng ẩm thực của người xưa. Trong văn hóa mấy ngàn năm, ẩm thực không chỉ là nhu cầu sinh lý đơn thuần mà nó còn mang những nội hàm văn hoá nhất định, và những cấm kỵ trong ẩm thực là một bộ phận quan trọng của văn hóa đó.

Một số cấm kỵ trong văn hóa ẩm thực của người xưa
(Tranh: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

Trong cấm kỵ ẩm thực, nhìn chung người xưa có những cấm kỵ chủ yếu về hai phương diện là cách thức ẩm thực và đối tượng ẩm thực.

Cấm kỵ về cách thức ẩm thực

Về cách thức ăn uống, người xưa có rất nhiều cấm kỵ và những cấm kỵ này thường xuất phát từ các phương diện khác nhau như vệ sinh, tiết kiệm và lễ tiết. Trong đó, phần lớn là cấm kỵ về lễ tiết, hay còn gọi là “tướng ăn uống”.

Thời cổ người xưa có tục cấm kỵ không được dùng tay bốc đồ ăn. Trong “Lễ ký. Khúc lễ thượng” viết: “Cộng phạn bất trạch thủ”, nghĩa là ngồi ăn cùng mọi người không được dùng tay bốc đồ ăn. Đồng thời kiêng kỵ khi ăn làm rơi vãi cơm hoặc sau khi ăn xong cơm còn sót lại trong bát… Khi không cẩn thận làm hạt cơm rơi xuống đất thì phải nhặt lên để trên bàn, không nên để chân giẫm phải.

Những cấm kỵ về dụng cụ dùng trong ăn uống cũng có rất nhiều. Trước trong hay sau khi ăn cơm, người xưa kiêng kỵ dùng đũa gõ vào bàn hay gõ vào bát. Họ cho rằng đó là “cùng khí” (nghèo khổ). Bởi vì thời trước chỉ những người ăn xin khi đi xin ăn mới làm như vậy. Ngoài ra, tư thế tay bưng bát phải là 5 ngón cong tự nhiên bưng lấy bát, cấm kỵ dùng lòng bàn tay để nâng lấy bát cơm, cũng không được dùng tay nắm lấy miệng bát. Những cách cầm bát như thế này cũng được xếp vào loại tướng của người ăn xin, đói khổ.

Trước khi ăn hay ăn xong, người xưa cũng kỵ úp bát lên bàn và không được đem đũa cắm vào bát cơm, đó là những việc không tốt. Bởi vì chỉ có những người bị bệnh sau khi uống thuốc xong mới úp bát lên bàn, việc làm này biểu thị sẽ hết bệnh không còn uống thuốc nữa. Còn khi gọi linh hồn của những người đã mất người ta mới cắm đũa vào bát cơm. Ngoài ra, khi để ly rượu, đôi đũa cũng có kiêng kỵ. Nếu bên cạnh ly, mỗi bên để một chiếc đũa thì đó cũng là điều không tốt, điềm báo cho việc nhanh chóng chia lìa.

Về cách dùng đũa cũng có một vài cấm kỵ như: Khi chủ nhân gắp thức ăn cho khách, khách dùng đũa đón thức ăn trong không trung hay khi hai người đồng thời giơ đũa gắp thức ăn, hai đũa đụng nhau thì đó đều là những hành vi không lịch sự, thiếu lễ nghi. Ngoài ra, khi gắp thức ăn trong canh để nước canh nhỏ không ngừng thì cách ăn như thế người xưa cho là không vệ sinh, không được dạy bảo.

Những cấm kỵ này không những không gây ảnh hưởng bất lợi cho con người mà còn giúp mọi người biết lễ tiết, giúp nuôi dưỡng thành tập quán ẩm thực của văn minh nhân loại.

Cấm kỵ về đối tượng ẩm thực

Cấm kỵ về đối tượng ẩm thực tức là cấm kỵ về đồ ăn, có những đồ ăn không được ăn hoặc hạn chế ăn. Những cấm kỵ này có xuất phát từ một số quan niệm tín ngưỡng cổ xưa và có sức ảnh hưởng rất lớn đối với văn hóa ẩm thực của người đời sau.

Trong dân gian có cấm kỵ ăn một số động thực vật nào đó. Động thực vật đa phần đều có thuộc tính của nó, như gấu, beo thì hung dữ, thịt và da của gà mái thường thô ráp, người xưa cho tin rằng thuộc tính của những loại động vật này sẽ nhiễm vào con người khi ăn chúng. Ví như, người ta cho rằng “ăn tim gấu gan beo” thì sẽ khiến con người sẽ trở nên hung dữ vô tình như chúng, ăn thịt gà mái thì làn da của người ăn sẽ trở nên thô ráp… Đặc biệt là không được ăn những loài có trạng thái bất thường, như gà vịt bị dịch bệnh, sợ ăn vào sẽ dẫn đến những thay đổi bất lợi cho cơ thể.

Ngoài ra còn có những cấm kỵ về đồ ăn sản sinh do lòng yêu thích đối với động vật. Ví như một số nơi có tập tục cấm kỵ ăn thịt trâu. Bởi vì, đối với người nông dân mà nói, trâu là công cụ lao động không thể thiếu. Con trâu giúp đỡ cho con người, quanh năm lao khổ, lại hiểu được tính người, gần gũi với con người cho nên không nỡ giết trâu lấy thịt. Lại có những cấm kỵ xuất phát từ tôn giáo, như người theo Đạo Hồi thì cấm ăn thịt lợn, Lạt ma giáo kiêng ăn tôm cá, hay một số vùng kiêng ăn thịt trong đám tang…

Cấm kỵ về ẩm thực không chỉ có những nội dung nêu trên, mà khi uống rượu, uống trà hay ăn uống vào những ngày lễ tết đều có không ít cấm kỵ. Các loại cấm kỵ hoặc nhiều hoặc ít đều có một phần tín ngưỡng, trở thành một bộ phận trong văn hoá ẩm thực phong phú của người xưa, phản ánh tập quán, tôn giáo của họ.

Theo Sound of Hope
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: