Trong văn hóa truyền thống, đạo dưỡng sinh không chỗ nào không xuất hiện, có thể nói từ danh nhân đến thứ dân đều rất coi trọng. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể dưỡng sinh thành công. Sách “Thọ thân dưỡng lão tân thư” viết rằng: “An lạc chi đạo, duy thiện bảo dưỡng giả đắc chi”, nghĩa là phương pháp an vui, chỉ người giỏi về “dưỡng” mới có thể có được.

Một số điều then chốt trong đạo dưỡng sinh của cổ nhân
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Trong đạo dưỡng sinh của Thái Ất chân nhân có “thất dưỡng”, viết rằng: “Thứ nhất là nói ít dưỡng nội khí, thứ hai là giới sắc dục dưỡng tinh khí, thứ ba là mùi vị nhạt dưỡng huyết khí, thứ tư là nuốt nước bọt dưỡng tạng khí, thứ năm là không tức giận dưỡng can khí, thứ sáu là ẩm thực tốt dưỡng vị khí, thứ bảy là suy nghĩ ít dưỡng tâm khí”.

Trong Hoàng Đế Nội Kinh thì viết: “Chính khí tồn nội, tà bất khả can”, chính khí có đủ thì tà khí không thể xâm phạm.

Lão Tử lại viết: “Họa mạc đại vu bất tri túc; cữu mạc đại vu dục đắc”, không có cái họa nào lớn bằng không biết đủ, không cái tội nào lớn bằng ham muốn có được.

Cho dù là trong các câu châm ngôn, tục ngữ, thơ ca, từ phú hay kinh điển chúng ta đều có thể thấy cổ nhân rất chú trọng đến dưỡng sinh. Thông qua những lời dạy của cổ nhân cũng có thể tổng kết lại một vài điều tâm đắc:

Dưỡng sinh là không quá độ

Một học giả lỗi lạc thời Bắc Tống là Thiệu Ung đã nhấn mạnh dưỡng sinh nằm ở việc tiết chế dục vọng hàng ngày, giữ gìn được nguyên khí của sinh mệnh. Ông nói rằng để tránh bị ngoại tà xâm nhập gây bệnh thì dưỡng tốt còn hơn là dùng thuốc tốt. Hơn nữa, ông còn cho rằng có không ít loại thuốc có thể làm tổn hại đến chân khí của con người. Ông từng làm bài thơ:

Sảng khẩu vật đa, chung tác tật.
Khoái tâm sự quá, tất vi ương
Dữ kì bệnh hậu năng cầu dược
Bất nhược bệnh tiền năng tự phòng.

Tạm dịch nghĩa:

Ngon miệng ăn nhiều nên mới bệnh
Khoái lòng việc quá tất là tai
Đợi khi mắc bệnh mới tìm thuốc
Chi bằng chưa bệnh tự phòng lo.

Sự vận hành của âm dương, của bốn mùa xuân hạ thu đông là hòa hợp và điều độ. Con người cũng cần sống cho tương hợp với đạo lý ấy. Thân và tâm có một điểm cân bằng và cũng có một giới hạn chịu đựng. Bệnh tình của người ta thông thường xuất phát từ việc quá mức, không điều độ, làm tiêu tốn nguyên khí. Vậy nên mọi việc đều phải phù hợp, không được quá độ.

Dưỡng sinh là giữ tâm không động

Trong cuốn “Cổ kim y thống đại toàn” có ghi chép rằng Đường Thân Tuấn là một người rất khỏe mạnh, lúc còn trẻ có đọc qua cuốn “Thiên tự văn”, trong đó ông hiểu nhất chính là bốn chữ “Tâm động thần bì”, nghĩa là tâm động thì tinh thần mệt mỏi. Vì thế Đường Thân Tuấn đã đem bốn chữ này áp dụng vào cuộc sống thường ngày. Trong suốt cuộc đời mình, cho dù gặp việc lớn nhỏ như thế nào ông đều không động tâm. Chính vì thế mà ông tuổi cao nhưng không suy yếu, bệnh tật. Cho đến tận lúc 85 tuổi, sức khỏe của ông vẫn an khang, tin thần tĩnh tại.

Trong “Cổ kim y thống đại toàn” cũng có viết về một nhân vật khác là Quách Khang Bá. Ông từng gặp được một người tu đạo, người tu đạo này đã truyền lại cho ông bốn câu kệ, nhấn mạnh điểm trọng yếu của dưỡng sinh chính là “không động tâm”.

Tự thân hữu bệnh tự tâm tri
Thân bệnh hoàn tương tâm tự y
Tâm cảnh tĩnh thì thân diệc tĩnh
Tâm sinh hoàn thị bệnh sinh thì.

Tạm dịch nghĩa:

Thân mình có bệnh tâm mình tự biết
Thân bệnh thì nên chữa tâm đi
Tâm mà được tĩnh thì bệnh sẽ hết
Tâm mà rối loạn bệnh tất sẽ nguy.

Quách Khang Bá được truyền cho bốn câu kệ cảm thấy như được báu vật, hàng ngày đều tuân thủ theo. Trong cuộc sống, hễ gặp chuyện gì cũng cố gắng giữ tâm không động, không sầu lo chấp nhất vào được mất, kết quả là thân tâm đều khỏe mạnh, sống lâu sống thọ.

Dưỡng sinh là biết đủ

Thái y Tôn Quân Phưởng thời nhà Tống, tự là Cảnh Sơ, ông cấp phát thuốc cho dân chúng mà không cần họ tạ ơn. Ông lấy hiệu là “Tứ hưu cư sĩ”. Đạo nhân Hoàng Sơn Cốc từng hỏi ông như thế nào là “tứ hưu”?

Tôn Quân Phưởng nói: Trà thô cơm nhạt, no tức là hưu. Vá chỗ rách che chỗ rét, ấm tức là hưu. Nếu ba phần mới vừa nhưng chỉ thỏa mãn được hai, vượt qua tức là hưu. Không tham lam, không đố kỵ, già rồi tức là hưu.

“Tứ hưu” chính là đạo dưỡng sinh hàng ngày của Tôn Quân Phưởng. Đạo lý này cũng có ý nghĩa tương tự như vô cầu mà người xưa thường nói đến. “Tứ hưu” cũng có thể được xem là giới dục: Ăn uống không đặt nặng phải là mỹ vị, có cơm rau dưa ăn no là được rồi. Mặc cũng không cần phải áo gấm lụa là, chỉ cần có thể che được lạnh, giữ ấm cơ thể là được rồi. Cuộc sống yên bình và ổn thỏa, không khó khăn quá là tốt rồi. Đời người không tham lam, không chiếm dụng của người khác, không ghen ghét tật đố, biết chấp nhận những gì trong mệnh mình có là được rồi.

Hoàng Sơn Cốc sau khi nghe Tôn Quân Phưởng giải thích đã nói: “Đây chính là phương pháp sống an vui”.

Người ít dục vọng thì sẽ không dễ bị người khác mua chuộc lấy lòng mà đánh mất lương tâm. Người biết đủ sẽ không có cảm giác thiếu thốn. Một người sống đạm bạc, luôn thấy đủ thì giống như đang sống trong cảnh cực lạc vậy.

Nhà thơ nổi tiếng thời Nam Tống, Tân Khí Tật, từng viết trong bài “Giá cô thiên”: “Bách niên vũ đả phong xuy khước, vạn sự tam bình nhị mãn hưu”, ý nói dù cho cuộc đời trăm năm có bấp bênh khốn khó, chỉ cần có một tâm thấy đủ thì sẽ có thể biến những khốn khó đó thành mây nhẹ gió thanh, sẽ thoát khỏi được sự so đo tính toán giữa được và mất, khiến nhân sinh đạt đến cảnh giới tươi đẹp nhất.

Đời người, vinh hoa phú quý thăng trầm không ổn định, tình cảm cũng là vô thường, sớm tối không thể dự liệu, cũng không thể tồn tại mãi. Một người chỉ có chú trọng dưỡng sinh, tích âm đức mới có thể tạo phúc cho chính mình và che chở cho con cháu đời sau.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: