Cổ ngữ nói: “Có lễ thì an, vô lễ thì nguy”. Lễ là phép tắc hàng đầu trong việc trị quốc, trong việc trị gia, và “nam nữ hữu biệt” là một lễ tiết lớn mà cổ nhân coi trọng. Vô luận là nam nữ có mối quan hệ như thế nào thì khi gặp nhau đều phải tuân thủ nghiêm ngặt lễ tiết này.

"Nam nữ hữu biệt": Lễ tiết quy định quan hệ nam nữ của người xưa
(Tranh minh họa: Public Domain)

Cách giữ Lễ trong quan hệ nam nữ

Trong “Lễ ký – Khúc lễ thượng” quy định:

Nam nữ không được ở cùng nhau, không được dùng chung giá móc quần áo, khăn mặt, lược, không được đích thân đưa và nhận đồ. Chị dâu và em trai chồng không được qua lại hỏi thăm. Mẹ thứ (tức người thiếp của cha) không được giặt quần áo của con mà không phải mình sinh ra. Những sự việc bên ngoài của người đàn ông không được nói với phụ nữ trong gia đình. Phụ nữ cũng không được nói chuyện trong gia đình ra bên ngoài. Sau khi đính hôn, phụ nữ phải đeo đai màu, những người khác không có việc đại sự thì không được vào khuê phòng của người phụ nữ này. Cô, chị gái em gái, và con gái, sau khi xuất giá mà trở về nhà mẹ đẻ, cũng không được ngồi cùng chiếu, không được dùng chung dụng cụ ăn cùng với anh em trai. Giữa cha và con cũng không được ngồi cùng.

Giữa nam và nữ nếu chưa có lời đề nghị của người mai mối thì không được hỏi tên của nhau. Khi nhà gái còn chưa tiếp nhận sính lễ của nhà trai thì hai bên gia đình không được thân thiết qua lại. Hai bên nam nữ sau khi đính hôn, lựa chọn ngày lành tháng tốt cử hành hôn lễ, cần phải trai giới bẩm báo tổ tiên, cúng tế quỷ thần, làm tiệc rượu mời làng xóm và bạn bè thân thích.

“Lễ ký – Nội trắc” viết:

Giữa nam và nữ, nếu không phải cử hành cúng tế và làm tang lễ, thì không được dùng tay trao đồ cho nhau. Nếu cần trao đồ, thì phải có một chiếc giỏ tre làm trung gian để trao nhận, nếu không có đồ trung gian trao nhận, thì người trao đồ ngồi xuống đặt đồ cần trao lên mặt đất, sao đó người nhận đồ ngồi xuống nhặt đồ từ mặt đất lên. Nam nữ không được lấy nước ở cùng một cái giếng, không được sử dụng cùng một nhà tắm, không được dùng chung một chiếc chiếu, không được mượn đồ của nhau, không được mặc quần áo lẫn lộn của nhau. Những lời nói trong khuê phòng không được truyền ra ngoài. Những lời nói ngoài khuê phòng không được truyền vào trong. Ban đêm đi đường, bất kể nam nữ, đều phải đốt đèn, đuốc. Không có đèn đuốc thì không được ra ngoài. Phụ nữ ra ngoài còn phải có vật che mặt. Khi đi đường, đàn ông phải đi vào bên phải, phụ nữ phải đi vào bên trái.

Ngoài ra, phụ nữ khi đón tiễn khách cũng không được bước ra ngoài cửa, khi gặp mặt anh em trai của mình cũng không được bước qua ngưỡng cửa. Trẻ con trong nhà, khi đến 7 tuổi thì nam nữ không được cùng ngồi ăn cơm, không được ngủ cùng giường. Khi con trai lên 10 tuổi thì phải ra ngoài bái thầy học tập. Con gái đến 10 tuổi, không được ra ngoài cầu học.

Đạo gia bàn về quan hệ nam nữ

Bên cạnh Nho gia, Đạo gia cũng bàn về cách xử sự trong quan hệ nam nữ. Nho gia tập trung vào việc giữ gìn phẩm hạnh đạo đức nơi thế gian, còn Đạo gia thì bàn về việc tu luyện đắc Đạo. Do đó cách đối xử với quan hệ nam nữ cũng có yêu cầu cao hơn, đồng thời cũng nói về mối quan hệ nhân quả nghiệp báo.

Lã Động Tân, một trong Bát Tiên, từng nói với đệ tử của ông rằng phú quý, quan tước, phúc lộc ở kiếp này và kiếp sau của một người đều có liên quan đến việc một người thủ vững trinh tiết và không phạm dâm dục hay không. Lã Động Tân giải thích trong quan hệ nam nữ đều phải yêu cầu nghiêm khắc bản thân:

“Khi gặp thiếu nữ cho dù xinh đẹp kiều diễm, cũng không khởi một niệm tà dâm nào. Người lớn tuổi hơn thì coi là chị, người nhỏ tuổi hơn thì coi là em gái. Dung nhan như hoa như ngọc mà không phải vợ ta thì phải biết tránh mạo phạm e sợ danh tiết bị tì vết cả đời. Một là sợ tổn âm đức bản thân, hai là sợ kinh động tới Thần linh ở Thiên thượng, ba là sợ báo ứng đến rất nhanh, không dám cẩu thả phạm tội tà dâm. Khi gặp người khác nói chuyện khuê phòng thì dùng lời lẽ chính đáng, thái độ nghiêm nghị mà khuyên răn họ. Khi đi đường mà gặp nữ nhân thì quay đầu không dám nhìn họ. Nếu gặp chị em nuôi thì không được phép lui tới nói chuyện tư tình. Khi gặp chị em họ thì không cho phép cười đùa thoải mái. Khi gặp thím và chị dâu thì không được cùng ngồi cùng đi. Khi gặp cháu gái thì phải đoan chính nghiêm khắc thủ lễ không được thân mật. Khi thấy tranh hay sách đồi bại thì phải lập tức đem đi đốt hết. Khi gặp người bạn phóng túng dâm đãng thì không được kết giao. Trong tâm có mang sự chính trực thì Trời xanh đều biết, cho nên đời này đỗ đạt, công danh vinh hiển.”

Nói cách khác, nếu một người muốn truy cầu và nắm giữ được công danh, phú quý, làm rạng rỡ tổ tông thì phải lựa chọn bạn mà kết giao, bản thân trong đối nhân xử thế và quan hệ nam nữ cần phải đoan chính, chỉnh tề, cũng chính là giữ được tâm chính.

Trong sách cổ cũng có ghi chép lại rất nhiều điển cố, điển tích về việc người xưa giữ gìn sự ngay chính trong quan hệ nam nữ.

Người phụ nữ hái dâu thủ giữ khoảng cách

Những năm cuối đời Đông Hán, có một người phụ nổi tiếng là Tần La Phu, dung mạo diễm lệ. Tần La Phu cũng là nữ nghệ sĩ đàn tranh nổi tiếng trong lịch sử âm nhạc Trung Hoa. Thái thú trong vùng thấy La Phu khí chất cao nhã, bèn dừng xe ngựa mời La Phu cùng đi xe. La Phu trả lời Thái thú rằng: “Sứ quân có vợ của mình, La Phu có chồng của mình”.

Thái thú không cam tâm, lại mời La Phu, La Phu bèn đàn và hát khúc “Mạch thượng tang” để nói về người chồng của mình: “Phía Đông có hơn nghìn nhân mã, chồng tôi dẫn đầu phía trước, chàng cưỡi bạch mã, đuôi ngựa buộc dải lụa xanh, đầu ngựa có vàng kim, lưng chàng đeo thanh kiếm…”

Trong “Kinh thi – Chu nam – Hán Quảng” có viết: “Nam hữu kiều mộc, bất khả hưu tư. Hán hữu du nữ, bất khả cầu tư”, ý nói phía nam của ngọn núi có cây lớn, nhưng không thể ngồi dưới bóng cây nghỉ ngơi; ở Hán Giang có cô gái đi thuyền du ngoạn, muốn đi theo lại không thể theo được. Câu này là chỉ cô gái biết thủ giữ lễ, biết giữ ngay chính trong quan hệ nam nữ, người khác không thể theo đuổi làm tổn hại lễ nghĩa được.

Người đàn ông giữ mình trong sạch

Thời Xuân Thu có câu chuyện được lưu truyền rộng rãi là “tọa hoài bất loạn”, kể về một người quân tử tên là Liễu Hạ Huệ, sống ở nước Lỗ. Ông nổi tiếng vì có thể chống lại cám dỗ về sắc dục.

Chuyện kể rằng một lần, một phụ nữ vô gia cư vô cùng yếu ớt tới nhà Liễu Hạ Huệ cầu xin nơi trú ẩn trong một đêm đông lạnh. Liễu Hạ Huệ lo ngại rằng cô có thể chết vì lạnh, nên ông đã để cô ngồi trên đùi, quấn áo mình quanh người của cô và áp chặt cơ thể của cô vào mình. Họ đã ngồi như vậy suốt đêm và Liễu Hạ Huệ đã không làm bất kỳ điều gì không đứng đắn. Nhờ sự việc này, ông được xem là một người quân tử chính trực. Câu tục ngữ “Tọa hoài bất loạn” (ngồi trong lòng mà vẫn không loạn) là để nói về ông.

Trong “Khổng Tử hệ liệt cố sự” lại ghi chép một sự việc liên quan đến thành ngữ này. Chuyện rằng ở nước Lỗ có chàng trai sống một mình. Nửa đêm nọ, nhà của người quả phụ hàng xóm bị mưa dột nên đã đến cầu xin trú nhờ, nhưng chàng trai đóng cửa không cho vào. Người phụ nữ hỏi: “Tại sao không cho tôi vào nhà?”.

Chàng trai nước Lỗ nói: “Tôi nghe nói, nam nữ chưa đến 60 tuổi thì không được ở cùng nhau. Nay cô còn trẻ, tôi cũng còn trẻ, do đó không dám cho cô vào nhà”.

Người phụ nữ nói: “Sao anh không như Liễu Hạ Huệ, ông ấy không đóng cửa với cô gái, mà người trong nước không ai nói ông ấy làm bậy”.

Chàng trai nói: “Liễu Hạ Huệ làm được, còn tôi thì không làm được. Tôi lấy cái không được của tôi để học cái được của ông ấy”.

Sau khi biết được câu chuyện này, Khổng Tử đã khen ngợi người đàn ông là chí thiện, là biểu hiện của bậc trí giả.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: