Người xưa cho rằng chữ Hán cổ đại có nội hàm bác đại tinh thâm, lại cũng đúc kết rằng: “Chữ như người, người như chữ”, đề xướng: “Muốn sáng tác trước tiên phải học làm người, tâm chính tất bút chính”. Cho nên học thư pháp không phải là việc dễ dàng, môn học này cũng là một phần của tứ nghệ “Cầm Kỳ Thư Họa” .

Thư pháp thể hiện cảnh giới tư tưởng của người viết
(Ảnh minh họa: Alice Wang, Pixabay, Pixabay License)

Thư pháp cổ đại chú trọng khí chất, hay còn gọi là “thần khí” của chữ. Bởi vì chữ viết không chỉ liên quan chặt chẽ đến văn hóa dân tộc mà còn phản ánh ra nét tính cách đặc thù và cảnh giới tinh thần của người viết.

Dương Hùng, triết gia cuối đời Tây Hán nói trong “Dương tử pháp ngôn”: “Ngôn, thanh tâm dã. Thư, tâm họa dã”, lời nói là âm thanh của tâm, viết chữ chính là vẽ tâm của mình. Thư pháp gia Triệu Nhất thời Đông Hán bàn rằng: “Thư pháp hay hay dở là do tâm và tay người viết”.

Nhà văn Lưu Hi Tái thời Thanh đã khái quát lại đặc điểm thư pháp của những người có thân phận khác nhau. Ông viết: “Thư pháp của bậc hiền triết thì ôn thuần, của người mạnh mẽ thì kiên nghị, của bậc tài tử thì thanh tú, của người quái dị thì thấp kém”.

Trong lịch sử, các thư pháp gia nổi danh hầu hết đều là những người trung chính liêm khiết, phẩm chất cao thượng. Đạo đức, nhân cách, khí tiết của họ cùng với các tác phẩm mà họ để lại đều khiến hậu nhân ca ngợi.

Thư thánh Vương Hi Chi thanh khiết, thuần chính nên chữ viết của ông vừa thanh tú vừa siêu thoát, phong thái an hòa. Ngu Thế Nam, Trử Toại Lương, Liễu Công Quyền đều là các trung thần nghĩa sĩ, thư pháp của họ vừa thuần khiết đôn hậu lại tràn ngập tinh thần nghiêm chính. Cha con Âu Dương Tuân và Âu Dương Thông có thói tục khác biệt nên thư pháp vừa hiểm, vừa mạnh lại vừa thanh tú. Thư pháp của Tô Đông Pha khoáng đạt và hào phóng cũng ảnh hưởng bởi loại tính cách này của ông. Thư pháp gia triều Đường, Nhan Chân Khanh cương trực công chính, lâm nguy không sợ nên chữ của ông vừa mạnh mẽ vừa chắc khỏe, kết cấu nghiêm cẩn, quy củ hoàn chỉnh, khiến cho người xem cảm nhận được một loại hạo nhiên chính khí.

Chữ như người, từ trong thư pháp có thể cảm nhận được tính cách và phẩm chất đạo đức của người viết.

Nếu như nhân phẩm của thư pháp gia là cao thượng thì tác phẩm của họ cũng sẽ được thế nhân trân quý, ca tụng. Như Nhạc Phi, Văn Thiên Tường, Lâm Tắc Từ đều là những người trung nghĩa chính trực, thủ vững khí tiết nên chữ của họ cũng đặc biệt được bảo hộ và trân quý.

Ngược lại, nếu đó là người có đạo đức bại hoại thì tác phẩm của họ cũng sẽ không được thế nhân xem trọng. Nếu một người muốn dùng thành tựu thư pháp để che dấu hay bù đắp cho chỗ thiếu hụt về nhân phẩm thì đó là điều hoàn toàn không thể làm được. Tần Cối triều nhà Tống từng luyện tập viết thư pháp nhưng bởi vì bán nước cầu vinh, hãm hại trung lương nên tác phẩm của ông ta cũng bị dân chúng bài xích.

Gian thần Thái Kinh triều Bắc Tống mặc dù kỹ thuật viết thư pháp thành thạo, chữ viết đẹp nhưng bởi vì nhân phẩm xấu xa cho nên tác phẩm cũng như người, sau khi người mất thì tác phẩm không được lưu truyền, thậm chí bị người đời chán ghét.

Trong văn hóa truyền thống của người xưa, vẻ đẹp của một vật được đo bằng các chuẩn mực đạo đức, không phải bởi vẻ mĩ miều bên ngoài. Trên thực tế, cho dù là thơ ca, thư pháp, viết văn hay hội họa, chúng đều thể hiện ra thái độ của con người đối với “thiện”“ác”, “chính”“tà”. Khi người ta xem được một tác phẩm chân chính, cảm thụ được vẻ đẹp của nó, thì sẽ bị cảm hóa và khích lệ bởi nội hàm của tác phẩm và đạo đức cao thượng của tác giả.

Trong “Thư đạo” viết: “Thư phẩm như nhân phẩm, không có học thì không thể đàm luận về thư, không có nhân phẩm càng không thể đàm luận về thư, đây cũng chính là cái lý của thư đạo”. Cho nên, người xưa nhấn mạnh rằng “lập phẩm vi tiên”, muốn học viết chữ thì trước tiên phải học làm người, phải tu dưỡng nhân phẩm thì thư phẩm mới đạt được giá trị cần có.

Cổ nhân khi bình phẩm về thư pháp, không phải so sánh về nét viết, sự tinh xảo trong kết cấu mà là nhìn vào cái tâm, khí chất và tu dưỡng đạo đức của tác giả. Trên thực tế, tất cả các loại nghệ thuật đều sẽ thể hiện ra tâm linh của người sáng tác và ảnh hướng tới người xem.

Một người chỉ có tu tâm dưỡng tính, không ngừng thanh lọc tâm linh của bản thân và không ngừng thăng hoa cảnh giới tư tưởng của mình mới có thể triển hiện ra được thần thái, thần vận của mình, và những tác phẩm của họ mới có thể mang lại lợi ích tốt đẹp hơn cho người khác.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: