Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta tùy thời có thể gặp những sự tình không hay khiến tâm tình trở nên buồn khổ bi ai. Nếu lúc ấy chúng ta có thể nhớ đến những sự tình mà chúng ta yêu thích thì sẽ có thể cải biến được tâm trạng của mình. Xuyên suốt cuốn sách Luận Ngữ của Nho gia, có 6 sự tình có thể làm cho tâm tình con người trở nên vui sướng, khoái hoạt.

Luận Ngữ: 6 sự tình khiến nội tâm vui vẻ
(Tranh thời Thanh, Public Domain)

1. Học tập

“Luận Ngữ – Học nhi” viết rằng: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ?“ ý tứ chính là nếu có thể được ôn tập nhiều lần những học vấn đã học thì chẳng phải rất vui hay sao.

Đối với bất kỳ ai mà nói, học tập luôn là một quá trình không ngừng hoàn thiện. Không ai vừa sinh ra đã chứa đầy tri thức. Tri thức là dựa vào việc con người không ngừng tích lũy mà có được. Trong quá trình học tập ắt sẽ xuất hiện buồn khổ, nhưng niềm vui và hứng thú cũng đồng dạng xuất hiện. Khi chúng ta biết được những chân lý mới, những triết lý nhân sinh mới thì nội tâm chúng ta sẽ thăng hoa.

Chúng ta phải thông qua lĩnh ngộ và thực hành mới biến tri thức thành năng lực của bản thân, cuối cùng trở thành người thực sự trí tuệ. Đến lúc đó, tự nhiên trong nội tâm chúng ta sẽ cảm thấy vui sướng, hài lòng. Đó chính là niềm vui trong học tập.

2. Kết giao

“Luận Ngữ – Học nhi” viết rằng: “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ”, có bạn từ phương xa đến thăm, chẳng mừng lắm sao? Trong bài tiễn bạn đi nhậm chức ở Thục Châu, nhà thơ Vương Bột cũng viết: “Hải nội tồn tri kỷ, thiên nhai nhược bỉ lân” tức là trong trời biển này ta vẫn còn người tri kỷ, nên dẫu ở góc biển chân trời thì vẫn cứ như đang ở sát cạnh nhau.

Trong cuộc đời nếu có thể kết giao được những người bạn tâm đầu ý hợp, vui buồn có nhau thì còn niềm vui nào lớn hơn? Vì vậy không ngừng kết giao với những người bạn tốt thực sự sẽ đem lại cho bản thân vô số niềm vui. Những người có cùng chí hướng thời xưa thường tìm đến nhau kết giao, đàm đạo. Họ xem đó là điều thú vị, là niềm vui lớn trong cuộc đời.

3. Âm nhạc

“Luận Ngữ – Thái bá” viết rằng: “Hưng ư Thi, lập ư Lễ, thành ư Nhạc”, hưng khởi tâm hồn nhờ thơ, vững vàng khuôn phép nhờ lễ, thành tựu nhờ nhạc. Đây là tác dụng giáo hóa của Kinh, Thi và Nhạc.

Khổng Tử không chỉ am hiểu những đạo lý lớn mà ông còn rất am tường về âm nhạc. Kiến thức âm nhạc của Khổng Tử khiến ngay cả thầy dạy ông là Sư Tương Tử cũng thán phục. Tương truyền rằng, khi Khổng Tử biên soạn, lựa chọn và chỉnh lý “Kinh Thi”, ông lấy 305 thiên có ích cho lễ nghĩa để phổ nhạc, cố tìm âm hợp với nhạc Thiều, Vũ, Nhã, Tụng, là những loại nhạc cao nhã.

Trong thời đại mà các quy tắc, chế độ lễ giáo truyền thống bị phá huỷ nghiêm trọng, Khổng Tử muốn khôi phục sự hưng thịnh của lễ giáo âm nhạc, truyền bá và phát dương đạo nghĩa. Đương nhiên, đó là một chuyện vô cùng khó khăn. Thế nhưng ông lại tìm thấy niềm vui bất tuyệt trong hành trình gian khó đó. Khổng Tử cho rằng, âm nhạc có thể dần dần bồi dưỡng ra nhân cách hoàn mỹ. Bởi vì âm nhạc là sự kết hợp giữa “thiện”“mỹ”. Tiếc rằng Kinh Nhạc mà Khổng Tử để lại đã bị thất truyền.

4. Truyền thụ tri thức

“Luận Ngữ – Thuật nhi” viết: “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện”, tức là khi học tập sẽ không cảm thấy chán, khi dạy người sẽ không cảm thấy mệt.

Sách “Sử Ký” viết rằng, hơn 70 môn đồ thân cận nhất được Khổng Tử truyền thụ đạo học đều trở thành những học giả xuất sắc và nổi bật của thời đại, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau này. Những vị đệ tử này của Khổng Tử tiếng tăm lừng lẫy. Họ lại học theo vị thầy vĩ đại Khổng Tử của họ, không ngừng truyền thụ những tri thức, đạo lý mà họ học được cho hậu nhân. Bởi vậy, nỗ lực học và truyền thụ học vấn đã trở thành một truyền thống của Nho gia.

5. Thiên nhiên

“Luận Ngữ – Ung dã” viết: “Trí giả lạc thủy, nhân giả lạc sơn”, nghĩa là người trí thì vui với sông nước, người nhân lại vui với núi non. Ý tứ chính là người trí tuệ và bậc nhân nghĩa đều vui thú với cảnh thiên nhiên, non nước hữu tình, không để tâm bị danh lợi chi phối. Còn một cách giải thích khác là, người trí tuệ giống như dòng nước cuộn chảy qua vạn vật, thấu hiểu vạn vật. Người nhân nghĩa lại giống như ngọn núi cao sừng sững, trầm ổn, yên tĩnh, khiến cho vạn vật tin cậy, nương tựa.

Những dãy núi hùng vĩ cùng với những dòng nước nhu mềm giống như âm dương điều hòa, bù đắp cho nhau. Khi cảnh tượng non sông tráng lệ ấy hiện ra trước mắt bất kỳ ai cũng sẽ khiến nội tâm của người ấy bị kích thích, truyền cảm hứng khiến người ta cảm thấy vui vẻ. Đây là loại vui vẻ thuần khiết mà con người có được thông qua sự hòa hợp với thiên nhiên, đất trời.

6. Ẩm thực

“Luận Ngữ – Hương đảng” viết rằng: “Thực bất yếm tinh”, nghĩa là lương thực cần sạch sẽ, tinh khiết, không cần cao lương mỹ vị. Ngoài ra còn viết: “Thực bất ngữ, tẩm bất ngôn”, có nghĩa là khi ăn uống không bàn luận, khi đi ngủ cũng không nên nói chuyện.

Có thể nói, việc ẩm thực đối với người quân tử là không thể tùy tiện. Bởi vậy trong Luận Ngữ cũng ghi, gạo cần giã trắng, thịt thái mỏng, lương thực để lâu đổi màu thì không nên ăn, thức ăn có mùi khó chịu cũng không nên ăn… Thức ăn không nên ăn quá no, rượu cũng không nên uống quá say. Ẩm thực tinh tế thì sẽ ngon, đó chính là niềm vui trong ẩm thực.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: