Từ xưa đến nay, bậc chính nhân quân tử có tu dưỡng đạo đức, hành vi tư tưởng của họ phải như thanh thiên bạch nhật, quang minh lỗi lạc, không có hành vi ám muội nào cần phải giấu, còn tài hoa và năng lực của họ phải như châu ngọc, không dễ dàng hiển lộ ra ngoài làm loá mắt người khác.

quân tử
(Hình minh họa: Qua read01.com)

Người quân tử chân chính không phô trương tài năng

Dương Tu là chủ bạ của Tào Tháo, tài hoa xuất chúng, cuối cùng lại bị Tào Tháo giết. Nguyên nhân chủ yếu là ở chỗ ông ta quá phô trương tài hoa của mình.

Khi Dương Tu chủ trì xây dựng cổng lớn của phủ Thừa tướng, Tào Tháo đã đề bên trên một chữ (hoạt). Dương Tu lập tức suy đoán được ý đố của Tào Tháo, đó là chê cổng quá rộng, lập tức hạ lệnh dỡ xuống làm lại. Một lần khác, Dương Tu và Tào Tháo cùng xem tấm bia Tào Nga, thấy trên bia có đề: “Hoàng quyên ấu phụ, ngoại tôn tê cữu”

Dương Tu liền nói với Tào Tháo ý nghĩa câu đó là: “Tuyệt diệu hảo từ” (“Hoàng quyên” là loại tơ màu, tức “tuyệt” 绝. “Ấu phụ” là thiếu nữ, là chữ “diệu” 妙. “Ngoại tôn” là con của con gái mình, chính là chữ “hảo” 好. “Tê cữu” là loại dùng để đựng gia vị cay, chính là chữ “từ” 辞.)

Cứ như thế, dần dần Tào Tháo cảm thấy tài hoa của Dương Tu cao hơn mình liền sinh lòng ghen ghét, muốn trừ khử Dương Tu để tránh tai họa về sau.

Về sau, trong một chiến dịch, quân Tào rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, Tào Tháo sơ ý dùng 2 chữ “kê lặc”  làm khẩu lệnh trong quân. Dương Tu tự ỷ thông minh, hạ lệnh ban sư. Tào Tháo sau khi được tin cho rằng Dương Tu đã làm nhiễu loạn lòng quân liền thét đao ra chém.

Người quân tử chân chính hành sự, theo tính mà làm, quang minh lỗi lạc, không che đậy, không phô trương thanh thế. Tài hoa tiềm tàng không đồng nghĩa với không dùng, mà là thi triển ở nơi đáng thi triển, không quá phô trương. Quá phô trương rất có thể khiến bản thân mình rơi vào nơi lúng túng, thậm chí dẫn đến hoạ diệt vong. Nếu Dương Tu không phải lúc nào cũng thể hiện tài hoa của mình, càng không nên để Tào Tháo khó xử trước đám đông, thì có lẽ ông ta có thể được bảo toàn tính mạng của mình.

Sự thực là như thế, cao nhân chân chính luôn “cao điệu” làm người mà “thấp điệu” làm việc. Họ sống giống như người bình thường, hoài bão tự nhiên, lặng lẽ tu dưỡng tài năng, vừa không để cho dục niệm trong lòng che lấp, lại không để cho tâm cảnh khiêm hoà bị hư vinh mê hoặc

Bậc đại trí thường giống “kẻ khờ”

Han Tin 1 image
(Tranh minh họa Hàn Tín chịu nhục chui háng)

Trước đây, ở một nơi hẻo lánh có một câu chuyện xảy ra. Trên phố, một nhóm côn đồ trong địa phương thay phiên nhau đánh đấm một người đàn ông trung niên cao to và khỏe mạnh.

Sau khi im lặng chịu đựng trận đòn man rợ, mũi và miệng người đàn ông trung niên đã rớm máu. Tuy nhiên, điều lạ là ông không đánh lại, cũng không tránh những cú đấm và cú đá. Người xem đều cho rằng người đàn ông này thật khờ dại.

Một cụ già không thể đứng xem cảnh này lâu hơn được nữa. Sau khi đám du côn rời đi, cụ già tới lau vết máu trên mặt người đàn ông trung niên. Cụ ngạc nhiên khi nhìn kỹ và nhận ra đó là một huấn luyện viên trường võ thuật chuyên nghiệp ở một huyện gần đó. Thêm nữa, người đàn ông này đã đoạt giải quán quân trong một cuộc thi võ thuật danh tiếng.

Quá kinh ngạc, cụ già hỏi ông: “Với công phu của mình, ông thừa sức khuất phục mấy tên lưu manh đó. Tại sao ông không đánh lại khi bị đánh như vậy?”

Người đàn ông trung niên điềm tĩnh đáp: “Những người luyện võ giảng về ‘võ đức’. Bị họ đánh vài lần không thể gây ra vết thương lớn nào đối với tôi. Còn nếu động thủ, tôi có thể làm chết người ấy chứ. Ngoài ra, đánh nhau với đám du côn không biết võ đó có thể làm bẩn tay tôi”.

Sau khi nghe điều này, một số người xem tỏ vẻ kính phục, trong khi những người khác chỉ thầm cười nhạo khi người đàn ông bước đi.

Câu chuyện này khiến người ta liên tưởng đến điển cố “Hàn Tín chịu nhục chui háng”. Nếu khi ấy Hàn Tín lấy đầu kẻ vô lại bằng thanh bảo kiếm của mình, ông sẽ không phải chịu nỗi nhục chui dưới háng của hắn. Nhưng ông đã nhẫn chịu nỗi nhục này để tránh lấy đi một mạng người.

Ngoài ra, ông làm vậy là bởi vì ông không còn đường lui. Bò dưới hai chân kẻ vô lại không phải hèn nhát, cũng không phải ngu ngốc. Đó là biểu hiện cao thượng của tâm đại nhẫn và đại trí. Sau này, Hàn Tín đã trở thành đại tướng quân của Hán Cao Tổ Lưu Bang và giúp ông sáng lập triều Hán. Công lao vĩ đại của Hàn Tín đối với triều Hán đã chứng minh ông là một bậc đại trí.

Một số người chỉ trích tư tưởng “tinh trung báo quốc” của Nhạc Phi triều Tống là “ngu trung”. Cũng có người coi hành vi của những bậc đại trí tuệ là “điên” và “khờ”. Tuy nhiên, sự thực hoàn toàn ngược lại.

Trong lịch sử Trung Hoa có cố sự gọi là “phong tăng tảo Tần” (tăng điên quét Tần Cối). Vị “tăng điên” này không phải điên thật, mà ông chỉ dùng trí tuệ của mình để bỡn cợt một đại gian thần làm Tể tướng đương triều, kẻ đã giết hại trung thần Nhạc Phi. Xét cho cùng, Tần Cối – kẻ tự đóng mình lên cây cột sỉ nhục muôn đời mới là kẻ “điên” và “khờ” thật sự.

Theo đuổi sự sảng khoái và lợi ích nhất thời trong những việc nhỏ nhặt chỉ là kiểu khôn vặt của người đời. Bậc đại trí trông như kẻ khờ, bởi vậy người bình thường khó mà luận được anh hùng dựa trên được-mất ở thế gian. Chỉ người dùng tâm đại nhẫn mà thiện đãi thiên hạ mới đúng là biểu hiện của đại trí tuệ.

An Hòa (t/h)

Xem thêm: