diệt chủng người Do Thái
Sugihara Chiune – người Nhật cứu thoát 6.000 người Do Thái khỏi tay Đức Quốc Xã. (Ảnh qua Japan Times)

“Tôi có thể đã bất tuân nhà nước của tôi. Nhưng nếu không làm như vậy tôi sẽ bất tuân Chúa Trời.”

– Sugihara Chiune –

Ngày 31.7.1986 là ngày mất của Sugihara Chiune (1900 – 1986) – người đã cứu sống hơn 6.000 người Do Thái khỏi thảm hoạ diệt chủng của Đức Quốc Xã (*).

Năm 1940 Sugihara là phó lãnh sự tòa lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Kaunas của Lithuania. Từ ngày 18 tháng 7 năm 1940 cho tới khi khi tòa lãnh sự Nhật bị đóng cửa vào ngày 4 tháng 9 năm 1940, Sugihara đã làm việc mỗi ngày 18 – 20 tiếng để tự tay viết hàng ngàn transit visa cho những người Do Thái xin qua Nhật trốn nạn diệt chủng của Đức Quốc Xã. Ông đã làm việc này mà không được phép của Bộ Ngoại giao Nhật Bản lúc đó. Sugihara cũng thỏa thuận với các quan chức Sô-Viết chở những người Do Thái này bằng tàu hoả xuyên Siberia tới Vladivostock để sang Nhật. Phía Sô-Viết đã đồng ý sau khi tăng giá vé tàu lên gấp năm lần giá thông thường.

Theo lời vợ ông, sau khi lãnh sự quán đóng cửa, Sugihara vẫn tiếp tục cấp visa tại hotel, nơi gia đình ông tạm trú trước khi lên tàu rời khỏi Lithuania. Thậm chí, ông vẫn viết visa cho những người Do Thái kéo tới sân ga. Nhân chứng kể lại rằng, trước khi tàu chuyển bánh, ông nói với những người Do Thái đứng trên sân ga: “Ηãy tha thứ cho tôi. Tôi không thể viết visa được nữa. Chúc các bạn mọi sự tốt lành.” Sau đó ông cúi rất thấp chào họ. Một người Do Thái chạy theo tàu và nói: “Sugihara, chúng tôi sẽ không bao giờ quên ông. Chúng tôi nhất định sẽ gặp lại ông.”

Vì bất tuân, Sugiwara đã bị bộ Ngoại giao Nhật sa thải ở tuổi 47 (1947).

Năm 1968, Yehoshua Nishri, một trong những người Do Thái sống sót nhờ được Sugihara cấp visa, làm tham tán kinh tế của Đại sứ quán Israel tại Tokyo. Nishri đã tìm ra tung tích Sugihara và khởi đầu cuộc vận động vinh danh Sugihara.

Năm 1984 Đài tưởng niệm nạn nhân thảm hoạ diệt chủng Do Thái ở Yad Vashem đã trao tặng Sugiwara danh hiệu “Người chân chính của mọi dân tộc”.

Mãi tới 10 tháng 10 năm 2000, Nhật Bản mới chịu phục hồi danh dự cho Sugihara Chiune. Trong diễn văn vinh danh Sugihara, bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản khi đó là Yohei Kono đã nói như sau:

“Nhân danh bộ trưởng ngoại giao, tôi thành thực xin lỗi vì những ứng xử khiếm nhã và thiếu phản hồi giữa bộ ngoại giao và gia đình ông Sugihara liên quan tới vinh danh ông. Là người chịu trách nhiệm về ngoại giao Nhật Bản, tôi luôn cảm thấy những lý do nhân đạo bao giờ cũng là những yếu tố cơ bản và quan trọng nhất trong các quyết định về chính sách ngoại giao. Sáu mươi năm trước, Sugiwara đã làm một quyết định nhân đạo và can đảm trong thời khắc nguy kịch để cứu những người Do Thái khỏi sự tiêu diệt của Quốc Xã. Tôi tự hào vì có một tiền bối tuyệt vời như vậy.”

Nguyễn Đình Đăng
29.7.2019

Đăng lại từ Facebook Nguyễn Đình Đăng theo sự cho phép của tác giả

(*) Để so sánh, Oscar Schindler (trong the Schindler’s list) đã cứu sống 1200 người Do Thái, hầu hết là những người làm việc trong nhà máy của ông. Sugihara Chiune đã cứu sống hơn 6000 người Do Thái ông không hề quen biết.

Xem thêm: