Truyện cổ Đạo giáo kể rằng, nghe danh tiếng của một vị chân nhân đã lâu, một học giả đã từ nơi rất xa đến cầu kiến, muốn học Đạo.

Nhưng vài ngày sau, khi nghe thấy và nhìn thấy một số tình huống, ông bèn tới và nói với vị chân nhân rằng:

“Ta nghe nói tiên sinh là bậc thánh nhân. Nhưng hiện giờ ta thấy tiên sinh hoàn toàn không phải là bậc thánh nhân. Nơi chuột sinh sống đều còn đồ ăn thừa, còn trong nhà của ngài lại chẳng tích trữ một chút đồ ăn nào. Ngài có một tiểu muội, nhưng ngài lại ruồng bỏ không nuôi dưỡng, thế là bất nhân. Thi thoảng ngài mang rất nhiều đồ ăn chín chất đống lại trước mặt nhưng không chia cho người khác, thế là tham tài.”

Vị chân nhân nghe xong, vô cùng bình thản, cũng không giải thích bất cứ lời nào. Người học giả thấy vậy bèn lui ra.

Vài ngày sau, người học giả lại đến gặp vị chân nhân nói:

“Mấy hôm trước, tôi châm chọc ngài, nói xấu ngài. Hôm nay tôi đã ngộ ra được một chút, nhưng tôi không thể nói rõ ra được đạo lý mà tôi đã ngộ, là vì sao?”

Vị chân nhân nghe xong bèn nói:

“Hiện giờ ta sớm đã không còn là người minh trí thần thánh nữa rồi. Ông nói ta là trâu thì ta chính là trâu, ông nói ta là ngựa thì ta cũng là ngựa. Giả dụ người khác nói là gì, người khác gọi ta bằng tên gì, mà bản thân ta phản đối không tiếp nhận, thì điều ấy sẽ chỉ khiến ta gặp tai ương mà thôi. Những việc ta làm xưa nay đều vậy, không phải cố ý để cho người khác xem, nên mới làm được thật nhiều việc này việc kia.”

Học giả nghe xong, cảm thấy hổ thẹn không biết giấu mặt vào đâu. Ông bắt đầu cung kính trước mặt vị chân nhân.

chân nhân
Bức “Thu giang ngư ẩn đồ” thời Tống tại Bảo tàng quốc gia Đài Loan. (Họa sĩ: Mã Viễn, Public Domain)

Ông thành khẩn thỉnh giáo rằng:

“Tôi nên tu như thế nào?”

Vị chân nhân nói:

“Bình thường ông luôn tỏ ra rất trang trọng, mắt ông nhìn thẳng về phía trước, đầu ngẩng cao, miệng mở rộng, chứng tỏ ông rất cao ngạo. Ông giống như chú ngựa hoang, vốn muốn xông thẳng về phía trước, chỉ là vì bị dây cương buộc chặt mà phải dừng lại. Ông vốn muốn động, nhưng lại miễn cưỡng bị ghìm chặt, hễ bắt đầu hành động sẽ nhanh như máy. Quan sát tinh tường nhưng cố chấp vào ý kiến của bản thân, cơ trí nhưng quá nhiều dục vọng, truy cầu. Những điều này đều đi ngược lại với bản tính làm người. Người ngoài biên giới nếu vượt qua biên giới thường bị coi là trộm cướp, gây hại cho xã hội. Nội tâm của ông không đủ tĩnh tại, sao có thể tu?”

Vị học giả nghe xong, thấy thọ ích vô cùng.

Đối với bậc chân nhân đắc đạo mà nói, dẫu người khác bình luận về bản thân thế nào, ông cũng đều có thể thản nhiên tiếp nhận. Người khác nói bạn là trâu thì chính là trâu, nói bạn là ngựa thì chính là ngựa. Những thứ này đều là vật ngoại thân, căn bản không nên để tâm. Người tu đạo ắt cần làm được việc quên đi vinh nhục, buông xả tất cả phiền nhiễu của cảm xúc hỷ nộ ai lạc, nội tâm bình thản như nước, thong dong tự tại, từ đó mà tu thân dưỡng tính, đắc đạo nhập thánh.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: