Trần Minh Tông được xem là vị Vua anh minh. Trong suốt cuộc đời ông, ngoại trừ việc xử án oan chú là Trần Quốc Chẩn, còn lại không có việc gì đáng phải chê trách. Ông cũng là vị Vua có niềm tin tín ngưỡng mạnh mẽ cuối cùng của nhà Trần. Sau khi ông mất, các vị vua Trần không còn dùng Phật Pháp giáo hóa dân chúng và quan lại, khiến nhà Trần suy yếu và mất vào tay nhà Hồ. Lịch sử ghi chép nhiều về vua Trần Minh Tông, nhưng ít ghi chép về người gây ảnh hưởng lớn đến tính cách của Vua, đó là thầy dạy Trần Cụ.

Người thầy giúp bồi đắp nên tính cách vua Trần Minh Tông
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Năm 1305, vua Trần Anh Tông quyết định sắc phong cho Hoàng tử Trần Mạnh mới 5 tuổi làm Thái tử, đồng thời quyết định chọn quan Độc bạ là Trần Cụ đến dạy Thái tử. Trần Cụ người làng Cứu Liên thuộc đất Cửu Cao (nay là xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, Hưng Yên), được xem là người rất đa tài.

Dù chỉ giữ chức quan nhỏ “độc bạ”, phẩm hàm thấp, nhưng Trần Cụ lại được Vua và Triều đình chú ý bởi phẩm cách thật thà, rất cẩn thận và cao thượng. Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng: “Trần Cụ tính khoan hậu, cẩn thận, thật thà, giỏi nghề đánh cá, bắn nỏ và chơi cầu”.

Trần Cụ đánh đàn, câu cá, bắn nỏ đều đứng đầu không có đối thủ, nhưng mỗi môn đều thể hiện tính cách của ông trong đó. Ông chuyên đánh đàn cổ cầm, “Cụ mỗi khi sắp đánh đàn, thì trước hết cắt đầu dây, buộc lại cho chặt dây rồi sau mới gảy. Có người hỏi cớ làm sao, Cụ trả lời: Nếu khúc đàn chưa hết mà dây đứt thì làm thế nào?” (Đại Việt Sử ký Toàn thư). Khi Trần Cụ cất tiếng đàn thì thanh âm trong trẻo khiến người nghe say sưa, nên cũng chẳng nỡ bắt bẻ cái tính “gàn” của ông.

Còn về đá cầu, câu cá, bắn nỏ thì môn nào Trần Cụ cũng tìm hiểu sâu đặc tính của nó, từ đó rút ra nguyên lý riêng, nên chơi không có đối thủ. Tính người thể hiện trong cách giải trí:

Cụ làm cầu thì cân nhắc các múi da, cho mười hai múi cân nhau, duy ba múi ở miệng cầu lỗ là chỗ bỏ cái bong lợn vào thì hơi mỏng và nhẹ, để cân với sức nặng ở đầu bong bóng, cho nên khi đá cầu, múi nào ở trên đến lúc rơi xuống đất lại nguyên như cũ, không bao giờ chuyển khác.

Người đời bắn nỏ, chân đứng cũng như bắn cung, tức là kiểu chữ “đinh” không thành, chữ “bát” không ngay. Cụ thì đứng ngay ngắn mà bắn và bảo mọi người: “Phàm bắn cung thì tay trái giơ ra phía trước nắm lấy thân cung, tay phải kéo dây cung về phía sau, mình đã nghiêng thì chân cũng phải lệch, còn bắn nỏ thì đưa cân bằng ra phía trước, cho nên khi cầm nỏ mà bắn, thân mình ngay ngắn, thì cớ gì chân lại phải đứng lệch?”

(Đại Việt Sử ký Toàn thư)

Chính vì thế mà vua Trần Anh Tông rất tán thưởng phẩm chất và tài năng của Trần Cụ, giao cho ông việc dạy dỗ Thái tử, phong cho ông là Sư phó.

Thái tử Trần Mạnh mới 5 tuổi, là lứa tuổi bắt đầu hình thành tính cách, được học với Trần Cụ thì chịu ảnh hưởng lớn từ tính cách của ông.

Đại Việt Sử ký Toàn thư đánh giá vua Trần Minh Tông rằng: “…Đem văn minh sửa sang trị Đạo, làm rạng rỡ công nghiệp người trước, giữ lòng trung hậu, lo xa cho con cháu, trong nước được yên, bên ngoài theo phục, kỷ cương đủ bày…”.

Vua Minh Tông nhiều lần thân chinh dẹp loạn Chiêm Thành và Ai Lao. Khí phách và tính cách đấy có công lớn của thầy dạy Trần Cụ.

Nói về tính cách của Trần Cụ, còn phải kể đến một chuyện lạ. Trước đây dân làng Cứu Liên có lời xúc phạm đến Trần Cụ, trong lúc tức giận ông buông lời thề không bao giờ bước chân lên mảnh đất làng Cứu Liên nữa.

Nhưng Trần Cụ kỳ thực vẫn có tình cảm với quê hương. Sau khi từ quan, Trần Cụ về quê nhưng vẫn thực hiện được lời thề năm xưa một cách rất nghiêm khắc. Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi chép chuyện này như vậy:

Cụ người Cứu Liên, vốn có mối hận với Cứu Liên, thề rằng chân không giẫm lên đất ấy nữa. Sau này trở về Cứu Liên thì đi thuyền, đến khi lên bộ thì đi kiệu vào cửa, tới giường mới xuống kiệu, thức ngủ, ăn uống đều ở trên giường. Khi nào chơi xem vườn ao thì sai khiêng giường đến chỗ đó, hết hứng thì trở về, lại ngồi kiệu, lên thuyền… Cứ như thế cho đến hết đời, chưa hề giẫm một bước xuống đất [Cứu Liên]. Ông ta giữ lòng bền rắn một mực như vậy đó, đời xưa gọi thế là người gàn.

Người đương thời xem cụ là “gàn”, nhưng một người chân thật, biết giữ lời thề đến như vậy, đủ thấy phẩm cách cao thượng đến nhường nào. Đó chính là nguyên nhân khiến Trần Cụ trở thành thầy dạy của Vua vậy.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: