Bắc Ninh được biết đến là vùng đất Kinh Bắc, là thủ phủ của Giao Chỉ cổ xưa. Đến thời nhà Lê nơi đây xuất sinh dòng họ võ tướng Nguyễn Đức, truyền đời làm tướng, trong đó có 22 người được phong Quận công.

Nguyễn Đức: Dòng họ võ tướng mạnh nhất vùng Kinh Bắc
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Dòng họ Nguyễn Đức

Dòng họ Nguyễn Đức ở Quế Ổ, xã Chi Lăng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh bắt đầu từ đầu thế kỷ 15 thời Lê Sơ. Đến khi nhà Lê Sơ vào thời mạt trở đi, đất nước liên tục trải qua các cuộc nội chiến đến tận thời nhà Nguyễn. Trong bối cảnh đó dòng họ Nguyễn Đức ở Quế Ổ là nơi xuất sinh ra nhiều võ tướng kiệt xuất

Theo gia phả dòng họ thì vào thời Lê Sơ đầu thế kỷ 15, cụ thủy tổ là Nguyễn Đức Luân đã đến Quế Ổ lập nghiệp, được phong làm Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Đô đốc đồng tri, tặng Tả phủ Phù quận công. Ông nổi tiếng là người nhân từ, làm nhiều việc thiện, con cháu từ đó mà được hưởng phúc ấm.

Theo thống kê từ thời Lê Sơ đến thời nhà Nguyễn, dòng họ này có: 22 vị võ tướng được phong tước Quận công, 76 vị được phong tước Hầu, 5 vị trở thành phò mã của Vua.

Các vị tướng thuộc dòng họ này góp phần đắc lực bảo vệ triều Lê – Trịnh, chống ngoại xâm, dẹp phản loạn và trộm cướp; lại khai mở đất hoang, lập ấp, đắp đê lấn biển, giúp dân yên ổn làm ăn. Họ được người dân biết ơn, khi mất được tôn kính lập đền miếu, được xem là phúc thần hay được Triều đình ban tước Vương. Có thể kể đến một số cái tên nổi tiếng:

Thân quận công

Sách “Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm” của Viện Hán Nôm có ghi chép Thân quận công hiệu là Thân Không tướng công (không rõ tên thật). Thân quận công được thờ ở đền Quỷ Môn Quan thuộc thôn Quán Thanh xã Chi Lăng (Chi Lăng – Lạng Sơn).

Thời Lê Trung Hưng có giặc phương bắc, Vua xuống chiếu cầu người tài. Là người giỏi võ nghệ, ông ra ứng cử rồi cầm quân đánh thắng nhiều trận lớn, được phong Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Tả hữu điểm, tước Thân quận công.

Trong một trận chiến, Thân quận công không may sa vào tay giặc. Quân Thanh dụ dỗ để thu dùng nhưng ông cự tuyệt, tự tử. Cảm phục trước khí tiết của ông, người phương bắc tìm đất tốt ở Quỷ Môn Quan (Chi lăng – Lạng Sơn) để hậu táng, phong là “Thân Không tướng quân”.

Tại mộ của ông dân chúng lập miếu thờ phụng. Các sứ thần dù là người phương bắc hay nước nam đi ngang qua đều vào hành lễ.

Quế quận công Nguyễn Đức Uyên

Nguyễn Đức Uyên là tướng tinh anh, giỏi dùng mã mâu. Trong các cuộc khảo thí ở trường võ ông luôn là người đứng đầu. Ông cầm quân đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong, thảo phạt nhà Mạc ở Cao Bằng, lập nhiều công lao, được Vua yêu quý mà gả em gái út cho con trai.

Quế quận công Nguyễn Đức Uyên còn có công lớn trong việc chống lũ lụt. Ông chủ động dùng tiền riêng của mình giúp dân đắp đê kè đá ngăn nước mặn vào ruộng, giúp mùa màng tươi tốt. Khi ông mất dân chúng thờ ở miếu Ụ và còn phối thờ ở đình làng.

Hiện nay ở xã Trấn Dương còn bảo lưu được tấm bia đá có tên “Hoàng thượng vạn vạn niên” niên đại Vĩnh Thịnh 7 (1711) ghi lại công đức của ông, trong đó có đoạn: “…Ngài thực là bậc văn võ toàn tài, đảm đương việc lớn của triều đình mà mưu lợi cho nhân dân. Công đức ngài như núi cao vời vợi, đức hạnh ngài đáng để muôn đời ngưỡng mộ”.

Tào nham hầu Nguyễn Đức Hưng

Tào nham hầu Nguyễn Đức Hưng nhiều lần cầm quân đánh tan giặc phương bắc. Khi phương nam có giặc ông lại cầm quân xuống nam dẹp yên. Ông lại cùng vợ là Hà Thị Phúc giúp dân làng Hoàng Phúc, xã Đồng Phúc (Yên Dũng – Bắc Giang).

Khi ông mất dân chúng lập bia ca ngợi công đức, trong đó có đoạn: “Tào nham hầu Nguyễn Đức Hưng, người xã Quế Ổ, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn. Ông là người xuất thân dòng võ tướng, khí chất như ngọc quý, chỉ huy xung trận tài tình, luyện quân sĩ tinh thần hăng hái, sẵn sàng xông pha nơi khó nhọc, gánh việc đánh giặc phương Bắc nhiều lần, được vua khen ngợi phong thưởng. Gió gào sấm dậy vẫn tiên phong tiến đánh giặc phương Nam, được chư tướng động lòng khen ngợi, ghi công lớn kịp thời chính danh trong sử sách”.

Dòng họ to và mạnh nhất vùng Kinh Bắc

Lê Quý Đôn nhận xét rằng họ Nguyễn Đức ở Quế Ổ là họ võ tướng nối đời lớn nhất vùng Kinh Bắc. Sách “Lê Quý kỷ sự” viết: “Họ Nguyễn Đức ở Quế Ổ từ khi Lê trung hưng trở về sau nối đời làm tướng, trong họ có tới 18 người được phong tước Quận công, họ hàng to và mạnh nhất ở Kinh Bắc”.

Ở Quế Ổ quê hương của dòng họ Nguyễn Đức có lăng và nhà thờ 18 vị Quận công. Nhưng các cuộc hội thảo nghiên cứu cho thấy dòng họ này có 22 vị Quận công. Tại nhà thờ còn giữ lại được các cổ vật như: Tộc phả, ngai, bài vị, tượng thờ, bia đá, hoành phi, câu đối… cho biết lai lịch và công đức của các vị đối với dân. Năm 1992, lăng và nhà thờ dòng họ Nguyễn Đức được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Ngoài ra còn có một miếu thờ được đặt ở thôn Dũng Quyết, xã Việt Hùng (Quế Võ). Sau khi Ân quận công Nguyễn Đức Nhuận mất, chúa Trịnh lệnh cho con của Ân quận công là Quế quận công Nguyễn Đức Uyên dựng miếu này để thờ cha mình. Miếu Đại Trung được xây xong vào năm 1708.

Hiện nay trong Miếu có thờ 6 vị Quận công đều là dòng họ Nguyễn Đức là: Hùng Quận Công, Cẩm Quận Công, Ân Quận Công, Quế Quận Công Nguyễn Đức Uyên, Chiêm Quận Công, Giao Quận Công.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: