Theo “Đại Nam liệt truyện”, quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng được truyền tụng trong dân gian là người mưu trí, xứ án tài tình, được ví như Bao Công.

Nguyễn Khoa Đăng: Vị quan xử án tài tình, được ví với Bao Công
(Tranh minh họa: Tranh khắc gỗ của H. Thiriat, 1889, dựa trên C.-E. Hocquard, Wellcome Collection, Public Domain)

Dòng họ Nguyễn Khoa

Về dòng họ Nguyễn Khoa, trong bộ “Quý hương tiên nguyên dã sử” của làng Triệu Tường, tỉnh Thanh Hóa có ghi chép như sau:

“Ông Nguyễn Ư Kỳ, nguyên Thái phó triều Lê và là cậu ruột của tướng Nguyễn Hoàng. Năm Mậu Ngọ 1557 ông Ư Kỳ theo Nguyễn Hoàng vào trấn miền Nam. Khi đi ông có dẫn theo một người con nuôi mới lên sáu tuổi, tên là Nguyễn Đình Thân (1553-1633), vốn là người ở làng Trạm Bạc, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương.”

Nguyễn Đình Thân làm tướng qua hai đời chúa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên. Con cháu ông đều làm quan cho các chúa Nguyễn. Con ông là Nguyễn Khoa Chiêm làm Thượng thư bộ Lại, giỏi văn thơ.

Năm 1690, Nguyễn Khoa Chiêm sinh người con thứ ba, đặt tên là Nguyễn Khoa Đăng. Khoa Đăng nổi tiếng thông minh từ nhỏ, 18 tuổi đã làm quan, trải qua các chức vụ Nội Tán kiêm Án Sát Sứ, Tổng Tri Quân Quốc Trọng Sự, tước Diên Tường hầu.

Những truyện về kỳ tài phá án của Nguyễn Khoa Đăng được lưu truyền rất nhiều. Sách “Đại Nam liệt truyện” chép rằng: “Trước kia cùng cha là Chiêm giữ việc chính sự, Đăng có tài xét việc nhất là giỏi phán đoán, phát hiện kẻ gian vạch rõ việc kín như thần”.

Vụ án ruộng dưa

Tương truyền, một lần Nguyễn Khoa Đăng đến thị sát một huyện nọ, thấy quan huyện đang lớn tiếng với một người dân. Ông đến hỏi và được biết ruộng dưa của người đó vừa mới bị đào hết cả, thưa quan huyện nhưng quan lại lớn tiếng nói không có bằng chứng.

Nguyễn Khoa Đăng liền cho thu hết xẻng của người trong làng, xẻng nào cũng ghi tên chủ để trả lại sau. Ông cho những người theo mình nếm thử xẻng, thấy một cái có vị đắng. Ông liền cho vắt nước gốc dưa cho nếm thử và thấy hai vị đắng là giống nhau.

Nguyễn Khoa Đăng cho bắt chủ của chiếc xẻng. Trước bằng chứng không thể chối cãi, người này phải nhận tội. Nguyễn Khoa Đăng bắt phải đền lại hoa lợi ruộng dưa gấp đôi để nhớ và chừa việc hại người.

Vụ án người hàng dầu

Có anh hàng dầu gánh dầu ra chợ bán, thấy có một người mù vì không thấy đường nên cứ quanh quẩn ở bên, anh ta đuổi mấy cũng không đi. Khi có khách đến, anh ta đong dầu cho khách, rồi xem lại thì đột nhiên bị mất hết tiền, người mù khi nãy không thấy đâu.

Đoán người mù đã lấy tiền của mình, anh hàng dầu chạy đi tìm và bắt được người mù. Tuy nhiên người mù nói không lấy và nói không thấy đường thì làm sao thấy tiền mà lấy. Hai bên cãi nhau và bị lính tuần đưa lên quan để xử.

Nguyễn Khoa Đăng hỏi người mù nhưng anh ta không nhận tội. Ông liền nói người mù đưa tiền ra, nhưng người mù nói đó là tiền của mình mang theo. Nguyễn Khoa Đăng vẫn yêu cầu lấy hết ra, nếu đúng của người mù thì sẽ trả lại.

Thời đấy còn dùng tiền bằng đồng kim loại, ông lấy tiền bỏ vào chậu nước thì thấy váng dầu nổi lên, người mù hết cãi đành nhận tội.

Nguyễn Khoa Đăng: Vị quan xử án tài tình, được ví với Bao Công
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Nguyễn Khoa Đăng lại cho rằng nếu thủ phạm mù thì làm sao thấy tiền mà lấy, nên cho lính đánh đến khi nào chịu mở mắt thừa nhận mình giả mù mới thôi. Người mù ban đầu còn chối nhưng bị đánh đau quá đành mở cả hai mắt nhận tội.

Bắt được đúng thủ phạm dù không có dấu vết

Có lần một người buôn giấy khi đi ngang qua làng Hồ Xá thì dừng lại nghỉ trọ ở làng. Nơi đây có khá nhiều trộm cướp, người lái buôn bị mất gánh giấy, liền đến báo án với quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng.

Nguyễn Khoa Đăng cho người tìm hiểu kỹ hiện trường nhưng không thấy có dấu vết nào, không sao biết được kẻ nào đã lấy mất gánh giấy.

Ông liền lệnh truyền cho người dân sở tại và các làng lân cận rằng quan yêu cầu người dân phải làm tờ khai ghi rõ tên tuổi quê quán để dễ quản lý. Mọi người đua nhau ra chợ mua giấy làm tờ khai, khiến giá giấy lập tức tăng lên.

Nguyễn Khoa Đăng cho quân bố trí ở chợ, quả nhiên thấy xuất hiện một người mới, mang rất nhiều giấy ra bán. Quan quân liền bắt ngay, chính là thủ phạm đã trộm giấy của lái buôn.

Vụ án này khiến dân làng Hồ Xá phục tài phá án của Nguyễn Khoa Đăng, lưu truyền mãi câu chuyện này.

Dùng mưu lần ra dấu vết băng cướp ở Truông nhà Hồ

Truông nhà Hồ là một địa danh ở giữa xã Vĩnh Chấp (Quảng Trị) và xã Sen Thủy (tỉnh Quảng Bình). “Truông” nghĩa là vùng đất hoang nhiều cây cỏ. Khu vực này rất rộng lớn, thời đấy vốn là sào huyệt một băng cướp lớn và rất nguy hiểm, khiến dân chúng quanh vùng chẳng được yên thân. Bởi nơi đây là tuyến là đường giao thông chính nên các chuyến hàng của Triều đình và địa phương phải đi qua nơi đây, lần nào cũng bị tấn công cướp của. Quan lại địa phương không thể dẹp được.

Chuyện băng cướp nguy hiểm đến tai chúa Nguyễn Phúc Chu. Theo “Quốc sử quán triều Nguyễn”, Chúa sai Nguyễn Đăng Khoa đi kinh lược các vùng đất tại đây và dẹp yên bọn cướp này.

Truông nhà Hồ là vùng đất rộng, rất khó biết được sào huyệt bọn cướp ở đâu. Nguyễn Khoa Đăng cho người lên xe chở lúa đi ngang qua Truông. Tất nhiên bọn cướp không tha, liền xông ra cướp lấy chở về cất ở sào huyệt. Người lính trên xe tháo chiếc nút ở đáy xe được chuẩn bị trước để cho lúa rải xuống đường làm dấu, nhờ kế ấy mà Nguyễn Khoa Đăng biết được sào huyệt bọn cướp, liền cho quân vây bắt, từ đó Truông nhà Hồ được yên.

Con cháu hiển vinh

Nguyễn Khoa Đăng phá được nhiều vụ kỳ án, rất được lòng dân chúng, nhưng đối với giới quyền quý thì rất nghiêm khắc, chấp pháp không nể nang, vì thế mà cũng có những kẻ ghen ghét.

Năm 1725 chúa Nguyễn Phúc Chu mất, Chưởng doanh Nguyễn Cửu Thế vốn ghét Nguyễn Khoa Đăng nên giả di mệnh của Chúa triệu ông về Kinh thành, rồi sai người giết chết ông trên đường. Nguyễn Khoa Đăng mất khi mới chỉ 35 tuổi.

mo nguyen khoa dang
Mộ Nguyễn Khoa Đăng và vợ là Phạm Thi Tý. (Ảnh: Lưu Ly, Wikipedia, CC BY 3.0)

Chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi, thương tiếc người hiền tài nên tìm con của Nguyễn Khoa Đăng để bổ dụng. Ông có bốn con trai và một con gái, con trai Nguyễn Khoa Toàn làm đến chức Tham chính (đây là chức quan lớn hàng đầu trong Triều) trông coi cả bộ Binh và bộ Hộ.

Con trai của Khoa Toàn là Nguyễn Khoa Kiên giỏi võ nghệ, lắm mưu lược được xem là Triệu Tử Long lúc bấy giờ.

Em của Khoa Kiên là Nguyễn Khoa Minh thời vua Minh Mạng làm Thượng thư bộ Lễ, tước Thành Mỹ Hầu.

Em của Khoa Minh là Khoa Hào học rất giỏi, thời vua Gia Long được cừ làm Thượng thư bộ Lễ, sau đó là Thượng Thư bộ Binh.

Trần Hưng

Xem bài:

Mời xem video “Gia đình có 4 bảo vật này, không hưng vượng cũng phú quý”: