Người xưa có câu: “Núi không nhất thiết phải cao, có Tiên ở là sẽ nổi danh. Sông không nhất định phải sâu, có Rồng ở là có linh khí”. Kỳ thực, cho dù không có Thần Tiên hay linh thú hiện ra thì sông núi của đại tự nhiên cũng vô cùng xinh đẹp rồi. Tuy vậy, trong trời đất này, vô luận là sông núi xinh đẹp đến nhường nào, động thực vật có đa dạng phong phú đến đâu thì cũng không sánh nổi với sinh mệnh người. Rất nhiều tín ngưỡng đều giảng rằng con người là anh linh của vạn vật, là trân quý nhất.

Trong “Hamlet”, vở bi kịch nổi tiếng của đại thi hào William Shakespears,  có câu: “Con người quả thật là một kiệt tác của tạo hóa! Lý trí cao thượng, tài năng vô tận! Tĩnh động đều tuyệt vời không thể nói hết! Hành động như Thiên Thần, thông minh như Thần thánh! Thật là tuyệt mỹ của thế gian. Gương mẫu của muôn loài.”

Rất nhiều tín ngưỡng đều giảng rằng Chủ Thần tạo ra người dưới hình dạng của mình. Có thể nói rằng sông núi cùng với vạn vật, tất cả hoa cỏ chim muông xuất hiện nơi thế gian đều là vì con người mà sinh, vì con người mà tồn tại, là vì để con người sử dụng, cũng vì con người mà tiêu vong. Nhà Phật cho rằng, con người là anh linh của vạn vật, là trân quý nhất không phải bởi vì con người có trí tuệ hơn vạn vật mà là vì con người may mắn hơn mọi thứ trên đời. Vì con người có tính người, có thể trải qua những khổ nạn mà ma luyện được bản thân, có thể tu luyện trong cuộc đời ngắn ngủi, có thể có cơ hội để phản bổn quy chân, đắc đạo viên mãn mà quay trở về cảnh giới tươi đẹp hơn. Còn vô luận là động vật to lớn cỡ nào, có linh tính hay thông minh, sống lâu đến đâu đi nữa thì đều không có phúc phận tu luyện mà trở về. Trong lịch sử tín ngưỡng cũng chỉ có rất rất ít loài không phải động vật nhưng cũng không phải người, “thông linh”, được tự nhiên tạo tác, mới có thể tu thành như Đấu Chiến Thắng Phật Tôn Ngộ Không.

Nơi nhân gian quả thực có rất nhiều thứ xấu xa, méo mó như tham lam, bạo lực, sắc dục, thất bại, buồn khổ, cô đơn… nhưng tâm niệm của con người là quyết định hết thảy. Nếu trong tâm một người luôn gieo trồng hạt giống chân thành, thiện lương thì cội nguồn của cái tốt đẹp sẽ mãi lưu lại trong tâm người ấy. 

Phật gia giảng: “Nhân thân nan đắc”, thân người khó có được. Có thân người mới có thể tu luyện, có thân người mới có hy vọng phản bổn quy chân. Rất nhiều người phát hiện ra rằng đại tự nhiên thật tươi đẹp biết bao, huyền diệu biết bao nhưng lại không nhận thấy rằng con người mới là tác phẩm hoàn mỹ nhất của tạo hóa. Thần đã tạo ra hình tượng của con người dựa theo hình tượng của chính bản thân mình cho nên cái đẹp của con người là siêu việt hết cả vạn vật thế gian. 

Sách “Thượng Thư. Thái hệ thượng” viết rằng: “Duy thiên địa vạn vật chi mẫu, duy nhân vạn vật chi linh”, nghĩa là duy chỉ có Trời Đất là mẹ của vạn vật, duy chỉ có con người là anh linh của vạn vật, là trân quý nhất. Trong văn hóa truyền thống, “Thiên, Địa, nhân” cũng được xưng là tam tài.

Trong cuốn “Tuân Tử. Vương chế”, Tuân Tử, một tư tưởng gia thời Tiên Tần đem vạn vận trong trời đất chia làm bốn loại là nước lửa, cỏ cây, cầm thú và con người. Ông viết rằng, “Thủy hỏa hữu khí nhi vô sinh”, tức là nước và lửa có khí nhưng không có sinh mệnh; “Thảo mộc hữu sinh nhi vô tri”, nghĩa là cỏ cây tuy có sinh mệnh nhưng lại không có trí tuệ; “Cầm thú hữu tri nhi vô nghĩa”, tức là động vật tuy có khả năng nhận biết nhưng lại không có “nghĩa”. “Không có nghĩa” ở đây là chỉ cầm thú không có quan hệ luân thường lễ nghĩa liêm sỉ. Còn về con người, ông nói: “Nhân hữu khí hữu sinh hữu tri, diệc thả hữu nghĩa, cố tối vi thiên hạ quý dã”, con người có sinh mệnh, có trí tuệ, lại có nghĩa cho nên con người là trân quý nhất.

Phật gia còn giảng rằng, chúng sinh trong vũ trụ này là nhiều vô tận, không thể đo đếm được: động vật có, thực vật có, đến cả những hòn đá tưởng chừng vô tri cũng “hữu linh”… Vì thế trong lục đạo luân hồi ấy, được làm người thật khó lắm thay. Làm người là “cơ duyên”, bởi vì làm người mới có thể được nghe chính Đạo, mới có thể tu Phật, tu Đạo, mới có thể được Chúa cứu rỗi. Loài vật, thậm chí là các loại sinh linh khác kia, không có phương thức tư duy của con người, nên không thể tu thành.

Người xưa có câu: “Triêu văn đạo, tịch khả tử”, sáng sớm nghe đạo, tối chết cũng an lòng. Trong tâm có thấu hiểu, có lĩnh ngộ, thì mới có thể an yên mà vượt qua. Nhân sinh là vô thường, nhưng trời đất không vận chuyển một cách tùy ý ngẫu nhiên. Từ xưa đến nay, niềm tin về một quy luật, một dòng năng lượng hài hòa chảy xuyên suốt toàn vũ trụ đã là trọng tâm của nhiều nền văn minh. Đạo gia gọi sự cân bằng ấy là “Đạo”. Đức Phật thể hiện quy luật ấy thông qua lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.

Nhân sinh cảm ngộ: Sinh mệnh con người là trân quý nhất
Một phần của bức tranh “Hiên Viên vấn Đạo đồ” mô tả cảnh Hoàng Đế tới núi Không Động để tìm Quảng Thành Tử cầu Đạo. (Họa sĩ Thạch Duệ thời Minh, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan, Wikipedia, Public Domain)

Con người từ khi sinh ra vẫn luôn vô ý hay hữu ý không ngừng tự hỏi: “Ta là ai? Ta từ đâu tới? Đến thế gian này để làm gì? Chết rồi sẽ đi về đâu?”. Con người chỉ có tu luyện, hướng về quy luật vũ trụ mà hòa tan vào, thì mới có thể vượt thoát khỏi nhân thế gian, thì mới có thể thực sự nhìn thấy được sự bất biến chân thực bên trong lẽ vô thường của Trời đất. Nhân sinh suy cho cùng, chính là để trả lời những câu hỏi ấy.

Thân người đã khó có được mà cơ duyên tu luyện lại càng khó lắm thay. Thật giống như câu thơ của Đường Tăng trong Tây Du Ký:

Nhân thân nan đắc
Trung Thổ nan sinh
Chính Pháp nan ngộ
Toàn thử tam giả
Hạnh mạc đại yên

“Hạnh mạc đại yên” – Cái may mắn của việc có thân người và biết được ý nghĩa chân thật của cuộc đời là không biết to lớn đến nhường nào!

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: