Làng Me (còn gọi là làng Hương Mạc) ở Từ Sơn, Bắc Ninh là một làng khoa bảng với 11 người đỗ đại khoa. Đây cũng là quê hương của những con người trung nghĩa tài giỏi.

Những người con trung nghĩa tài giỏi của làng Me (P1)
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Thầy Tả Ao đến làng Me

Theo ghi chép từ gia phả của dòng họ Đàm Thận, một lần thầy phong thủy Tả Ao đi qua làng, bất chợt nhìn thấy một ngôi mộ và buột miệng khen nhà nào phúc đức lớn để đúng huyệt trời cho, chỉ tiếc là chưa đúng hướng.

Thầy Tả Ao đi vào làng hỏi thăm, được biết đó là ngôi mộ của chồng một người phụ nữ đức độ trong làng, dù chồng mất sớm nhưng vẫn giữ tiết hạnh ở vậy nuôi 2 đứa con. Khi chồng mất, người phụ nữ này cũng chẳng có tiền để làm đám cho chồng. Lúc chôn cất làng xóm lại tìm giúp một vũng trâu đầm cho dễ đào để chôn cất, ngờ đâu lại đúng vào vị trí mà thầy Tả Ao khen là đẹp.

Thầy Tả Ao muốn thử đức hạnh của người phụ nữ nọ, nên tìm đến nhà, nói mình là thầy đồ xứ Nghệ, nghe nói 2 con bà học giỏi nên đến để giúp dạy học. Người phụ nữ rất vui vẻ nhận lời. Qua tiếp xúc một thời gian, thầy Tả Ao thấy đẹp lòng, mới nói mình là thầy địa lý đi ngang qua, muốn sửa lại hướng mộ giúp bà.

Thầy Tả Ao liền tìm đất đẹp giúp hợp táng ngôi mộ của bố mẹ chồng bà theo hướng tiền phong hầu, hậu phong vương, tử tôn khoa giáp thế bất tuyệt. Thế mộ này nghĩa là trước được phong hầu, sau được phong vương, con cháu học hành đỗ đạt đời đời.

Xong xuôi thầy Tả Ao dặn người phụ nữ này rằng khi nào sắp mất thì nhớ dặn con cháu đến báo cho ông biết để ông tìm mộ cho bà và chỉnh mộ của chồng bà.

Sau này, người phụ nữ qua đời, thầy Tả Ao được báo liền đến và làm như đã hứa.

Gia phả họ Đàm Thận ghi lại rằng thầy Tả Ao đặt mộ theo hướng khoa trường hữu song trúng chi cát, đầu hướng về Tam Đảo (Vĩnh Phúc), chân đạp về Bạch Đằng giang. Cũng từ đó, làng Me bắt đầu phát đường khoa bảng.

Trung thần không thờ hai chủ

Hai con trai của người phụ nữ nọ là Đàm Thận Huy và Đàm Thận Giản. Hai cậu bé từ nhỏ đã có tiếng học giỏi. Sách “Cổ mặc công danh truyền ký” viết về Đàm Thận Huy như sau: “Luôn nghiên cứu sâu những chỗ vi diệu của Thánh hiền, làm sáng tỏ các văn vẻ của đạo đức”. Chính đức tính này đã giúp Đàm Thận Huy có sở học uyên thâm.

Khoa thi năm 1490 thời vua Lê Thánh Tông, Đàm Thận Huy đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Ông thể hiện được tài năng văn thơ của mình nên được vua Lê Thánh Tông tuyển vào hội Tao Đàn.

Đàm Thận Huy có nhiều bài thơ hay họa với thơ của Vua. Ông sáng tác tập thơ “Mặc trai thi tập” nổi tiếng được truyền đời. Những bài thơ của ông hay đến nỗi vua Lê Thánh Tông xem ông là “thiên hạ đệ nhất danh thi nhân”.

Không chỉ giỏi văn thơ, Đàm Thận Huy còn là thầy giỏi, dạy dỗ được nhiều nhân tài phụng sự Xã Tắc. Khoa thi năm 1508, học trò của ông đỗ cả Tam khôi tức 3 vị trí cao nhất gồm: Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, Bảng nhãn Hứa Tam Tỉnh, Thám hoa Nguyễn Hữu Nghiêm.

Đàm Thận Huy làm quan trải qua 6 đời Vua: Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông. Ông từng đảm nhận các chức vụ Thượng Thư bộ Hình, Thượng Thư bộ Lễ, tước Lâm Xuyên hầu. Rồi cầm đầu phái bộ nhà Lê đi sứ nhà Minh. Dù ở cương vị nào ông cũng làm tròn chức trách của mình.

Đàm Thận Huy dâng lên Vua các kế sách củng cố Triều đình. Các triều vua Lê Uy Mục, Lê Tương Dực xa hoa lãng phí, ăn chơi sa đọa mà ít lo cho dân, nhiều quan lại sợ uy Vua không dám lên tiếng, nhưng Đàm Huy Thận vẫn dũng cảm dâng sớ can ngăn Vua.

Thời vua Lê Chiêu Tông, đất nước loạn lạc, Vua phải dựa vào Mạc Đăng Dung đánh dẹp các nơi. Từ đó Mạc Đăng Dung thâu tóm quyền lực ức hiếp Vua..

Năm 1522, vua Chiêu Tông phải bỏ Kinh thành chạy đến Sơn Tây. Vua tin tưởng ra mật chiếu chọn Đàm Thận Huy dến Bắc Giang mộ quân giúp Vua chống Mạc Đăng Dung.

Đàm Thận Huy nhận mật chiếu liền cùng 30 người khác trong đó có học trò là Thám hoa Nguyễn Hữu Nghiêm đến Bắc Giang, mộ được 6.000 quân Ứng nghĩa chống Mạc Đăng Dung.

Sau này Mạc Đăng Dung thường cho sứ đến khuyên nhủ Đàm Thận Huy, ông đáp rằng: “Bề tôi trung không thờ hai vua, liệt nữ không lấy hai chồng. Hãy về nói với chủ các ngươi rằng: Chí ta đã định, chớ có nhiều lời!”.

Tuy nhiên nhà Lê Sơ đã tận, vua Lê Chiêu Tông bị bắt, đội quân Ứng nghĩa được thành lập vội vã không thể chống lại được quân của Mạc Đăng Dung.

Vào năm 1527, khi đã sức cùng lực kiệt, Đàm Thận Huy uống thuốc độc tự vẫn nhằm bảo toàn khí tiết. Trước khi mất ông để thư lại cho con cháu dặn rằng:

“Con người ta sinh ra trong khoảng trời đất, lấy trung, hiếu làm vinh, chăm lo đến tước trời thì tước người sẽ đến. Các con nên theo lời dạy của thánh hiền: phải biết thế nào là trung, thế nào là hiếu. Sau khi ta chết, hãy thận trọng, chớ có theo Ngụy triều, nhận chức tước của Ngụy triều, được thế thì ý nguyện của ta cũng thoả vậy.”

Sau khi Đàm Thận Huy mất, hai người con gái của ông là Đàm Thị Dung Hoa và Đàm Thị Quế Hoa tiếp tục cầm quân chống quân Mạc thêm ba ngày nữa mới chịu tuẫn mình xuống dòng sông Sỏi bảo toàn danh tiết.

Mạc Đăng Dung lên ngôi vua rất xem trọng nghĩa khí của Đàm Thận Huy, cho rước hài cốt ông về chôn ở làng và ban tước phong Hầu cho ông.

Sau này vua Lê Huyền Tông (thời Lê Trung Hưng) phong Đàm Thận Huy là Tiết nghĩa Đại Vương, ban thụy là Trung Hiến. Triều đình còn xếp ông vào hàng kiệt tiết, cho dân lập đền thờ ở làng Me, đặt tên là “Tiết nghĩa từ”, lệnh cho quan huyện hàng năm, mùa xuân, mùa thu phải đến tế. Từ đó, trải các triều đều có sắc phong tặng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: