Nỗi buồn của người thầy thuốc là thấy người bệnh ốm và chết mà mình không thể cứu. Nỗi buồn của người giáo viên là khi mình hết lòng hết sức muốn người học tiến bộ mà người học không có lòng ham học và nỗ lực. Nỗi buồn của người làm khuyến đọc là muốn lan tỏa tình yêu đọc sách tới người khác vì quyền lợi, cơ hội của chính người đọc sách nhưng người xung quanh lại thờ ơ. Buồn hơn nữa nếu người thờ ơ là người trẻ tuổi.

Nhưng chính nỗi buồn ấy cũng làm cho những ai còn thao thức với ý nghĩa của cuộc sống này, thao thức với sự gắn kết tự nhiên giữa những số phận con người cùng nói chung một thứ tiếng này hiểu thêm rằng khuyến đọc hiện nay là một công việc rất có ý nghĩa, thậm chí có thể nó là vô cùng hệ trọng.

Đó là lý do tại sao tôi kiên quyết đặt cuốn sách mà tôi viết 5 năm về trước và mới tái bản gần đây là Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm“.

Văn minh hóa là con đường gian nan với những nơi văn hóa đọc có truyền thống mỏng. Nhưng xây dựng văn hóa đọc là con đường tất yếu.

Không có đường tắt.

Không có phép màu.

Người ta chưa hiểu, người ta phản bác, người ta thờ ơ… Điều đó nói lên rằng những người khuyến đọc cần phải cố gắng hơn nữa, đam mê hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, chân thành hơn nữa, kiên trì hơn nữa.

Lay chuyển một người mù chữ thành người ham học chữ để biết đọc, biết viết dễ hơn ngàn lần khơi gợi một người biết chữ, một người có bằng cao đẳng đại học cầm sách lên và đọc chân thành.

Khuyến khích những ai đang có trong tay những thứ cơ bản của đời sống thường ngày như: cơm ăn, áo mặc, xe cộ đi lại, tiền tiêu, vị trí công việc… thay đổi thói quen hướng vào đọc sách lại càng khó. Đơn giản vì “Không đọc ta vẫn đang sống tốt đó sao”.

Đọc trong lịch sử và quan sát đời sống sẽ thấy người ta sẽ không thay đổi tư duy, giá trị quan trừ khi cuộc đời gặp biến cố hoặc môi trường xung quanh thay đổi buộc người ta phải thay đổi để sinh tồn.

Ai chưa từng ốm sẽ không bao giờ trân trọng sức khỏe.

Ai chưa từng bất lực trước cuộc sống sẽ không bao giờ biết ơn những may mắn và mình có.

Và tất nhiên, những ai chưa từng trải nghiệm rằng tiền bạc, danh tiếng, sức khỏe, tiền bạc, nhà cửa, xe cộ… là những thứ có thể biến mất trong nháy mắt sẽ rất khó để trở thành người khiêm tốn, cầu thị.

Giống như con người khi chưa đối mặt mới thảm họa diệt vong sẽ luôn giữ một thái độ ngạo mạn trước tự nhiên bao dung và vĩ đại.

Khuyến đọc cần tạo ra môi trường đủ mạnh để các cá nhân bị tác động tích cực từ đó thay đổi thói quen, giá trị quan.

Hôm qua có bạn trẻ mặc áo xanh hỏi tôi rằng “Gen z, 9x có thể học nhiều thứ từ video clip trên mạng kiếm cả trăm triệu, hàng trăm triệu thì đâu có cần đọc sách?”.

Tôi nghe mà lòng buồn vô hạn. Tại sao ta không nghĩ là nếu đã kiếm được tiền như trên mà đọc sách để có nền tảng văn hóa cao, để có tư duy sắc bén, để có tâm hồn phong phú đầy nhân tính, các bạn gen z hay 9x… có thể kiếm được nhiều tiền hơn nữa.

Và cuộc sống đâu chỉ có tiền?

Cá nhân con người đâu chỉ có thể sống một mình và kiếm tìm hạnh phúc một mình?

Có con cá nào có thể bơi và sống tốt chỉ trong một vũng nước nông?

Ai là người trên thế gian này có đủ tiền để mua tất cả mọi thứ mình cần? Người Việt Nam chúng ta đã phải là người giàu nhất chưa?

Tôi nghĩ là chưa! Hãy nhìn vào cuộc sống của người khác ở xung quanh. Hãy đi đến nhiều nơi và quan sát cuộc sống, trải nghiệm sinh hoạt cùng với người Việt ở nông thôn, miền núi… để thấy người Việt còn nghèo và khổ.

Hãy ra nước ngoài và quan sát để thấy sự giàu có mà cá nhân người Việt – cho dù là giàu có nhìn thấy, đo được bằng tiền bạc, nhà, xe – chẳng là gì cả.

Bởi vậy, học hỏi chưa bao giờ là đủ.

Gen z, 9x là thế hệ lần đầu tiên không có trải nghiệm nghèo đói và chiến tranh. Tay các em bám vào công nghệ, kĩ thuật, ngoại ngữ, cơ hội hội nhập quốc tế, văn hóa đại chúng và giấc mơ về cuộc sống phong phú sắc màu đầy khoái cảm cá nhân.

Tuy nhiên, chỉ dựa vào tay bám không thì rất nhanh mỏi và không thể bay lên cao được.

Chân các em cần phải đứng vững vào đâu đó.

Nơi các em đứng sẽ là gì nếu không phải là văn hóa, truyền thống, lịch sử, sự thao thức về vận mệnh cộng đồng, sự suy ngẫm về những thất bại của người Việt trong quá trình văn minh hóa ở những thế hệ trước?

Những người thành công nhất ở bất cứ đâu cũng sẽ là người đứng bằng cả hai chân và biết vươn tay, hướng mặt lên trời cao vô tận.

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Mời liên hệ để đặt mua sách

Xem thêm:

Mời xem video “Tuổi trẻ và sự lựa chọn nghề nghiệp”: