Liệu có loại lời nói nào có thể chấn hưng đất nước chăng? Liệu có loại lời nói nào mà khiến đất nước suy vong chăng? Thiên Tử Lộ trong sách Luận Ngữ có chép một chuyện như sau.

Định Công hỏi Khổng Tử: “Một lời mà có thể chấn hưng đất nước, có lời nói đó không?”

Khổng Tử trả lời: “Lời nói không thể như thế, nhưng cũng gần như thế. Người ta nói: ‘Làm vua khó, làm bề tôi không dễ’. Nếu biết cái khó của việc làm vua thì chẳng phải giống như một lời nói có thể chấn hưng đất nước đó sao?”

Định Công hỏi: “Một lời mà mất nước, có lời nói đó không?”

Khổng Tử trả lời: “Lời nói không thể như thế, nhưng cũng gần như thế. Người ta nói: ‘Ta không vui khi làm vua, vì lời vua nói không ai dám trái lại’. Nếu lời vua nói là tốt đẹp mà không ai dám trái lại thì chẳng phải là tốt đẹp lắm sao? Nếu lời vua nói là bất thiện mà không ai dám trái lại thì chẳng phải giống như một lời mà mất nước đó sao?”

Đạo trị quốc: Nói lời mà chấn hưng đất nước, nói lời mà mất nước
Tranh “Đế vương đạo thống vạn niên đồ” của họa sĩ Cừu Anh thời Minh. (Tranh: Public Domain)

Nếu bậc quân chủ biết “làm vua khó” thì khi nói ắt sẽ cẩn thận, đau đáu lo sợ, như đi trên lớp băng mỏng. Nếu bậc quân chủ biết “làm bề tôi không dễ” thì sẽ biết dùng lễ nghĩa đối đãi với hạ thần, mở rộng đường ngôn luận, khiêm tốn tiếp nhận can gián, và sẽ không bạo ngược tùy ý. Ngôn hành “có thể chấn hưng đất nước” như thế thì vua tôi một lòng, quốc gia thịnh trị.

Trái lại, nếu quân chủ ngang ngạnh tự quyết định thì cũng xảy ra tình trạng ngôn hành “mất nước”. Lời vị quân chủ này nói đúng thì không sao, nói không đúng thì không có ai dám phản đối, bề tôi đều đón ý nói theo ý vua, xu nịnh tâng bốc, bề tôi cương trực can gián thì trái tai khó nghe. Bởi lẽ chuộng giả dối, ưa xu nịnh thì cuối cùng phải tự mình chịu ác báo.

Lời nói và hành động của những người ra quyết sách có liên quan đến sự hưng vong của quốc gia, nên không thể không cẩn thận. Trong lịch sử có một tấm gương minh chứng việc này.

Tùy Dương Đế Dương Quảng thiên chất thông minh hơn người, tuyệt nhiên không hề ngu dốt bất tài, thậm chí những năm đầu lên ngôi cũng tạo lập được một số công trạng. Nhưng ông cậy tài kiêu căng, ngạo mạn tự đại, chưa từng nghe lời khuyên can của ai. Tùy Dương Đế công khai nói: “Ta bản tính không thích người khuyên can. Nếu như là người có tầm nhìn thoáng đạt mà còn muốn can gián để cầu chức quan thì ta càng không thể tha cho họ được. Còn nếu là kẻ sĩ ti tiện thì ta còn có thể tha cho họ, nhưng tuyệt đối không để hắn ở vị trí hơn người.” Thậm chí ông còn nói: “Có kẻ can gián ta, lúc đó không giết thì sau này ắt phải giết.”

Tùy Dương Đế lên ngôi không lâu, dựa vào cơ nghiệp mà Tùy Văn Đế cần kiệm sáng lập nên, đã cho xây dựng quy mô lớn, ban thưởng vô độ, truy cầu hưởng lạc, đi du ngoạn khắp nơi. Các đại thần trung trực tới tấp khuyên can, hy vọng ông có thể sửa chữa sai lầm, nhưng đều bị Tùy Dương Đế giết hại.

Để khoe khoang giàu có với vua Đột Quyết, Tùy Dương Đế lệnh cho người chế tạo nhà lớn có thể chứa được mấy nghìn người, bên trong bày yến tiệc khoản đãi, lại ban thưởng 20 vạn súc lụa. Dương Đế còn xuống chiếu trưng dụng hơn 100 vạn trai tráng xây sửa Trường Thành. Những ai khuyên can đều bị đem ra xử tử.

Qua một thời gian, Tùy Dương Đế khiến Trời và người oán hận, người dân nổi lên khắp nơi. Nhưng lúc này không ai dám nói lời chân thật với Hoàng đế. Tể tướng Tô Uy không muốn nói lời giả dối, khi bị hỏi về tình hình “giặc cướp”, ông đã giấu mình sau cột ở hành lang, không dám để Tùy Dương Đế nhìn thấy. Một lần Tùy Dương Đế cho gọi riêng Tô Uy đến trước mặt để hỏi, ông đành trả lời: “Thần không chủ quản những việc này, không rõ là có bao nhiêu, chỉ lo lắng quân giặc cách chúng ta càng ngày càng gần.”

Tùy Dương Đế hỏi ông là có ý tứ gì. Tô Uy nói: “Ngày sau quân giặc chiếm cứ núi Trường Bạch, hiện nay đã đến sông Dĩ Thủy rồi.” Tùy Dương Đế nghe xong rất không vui, sau đó kiếm cớ cách chức Tô Uy làm dân thường.

Dưới tình hình như thế này, Tùy Dương Đế còn dự định đi du ngoạn từ Lạc Dương đến Giang Đô. Người can ngăn dù là Đại tướng quân cũng bị Tùy Dương Đế xử chết. Trên đường dẫu có ai can ngăn đều bị giết cả. Các đại quan đương thời không ai dám khuyên can, quan nhỏ khuyên can đều bị giết, rồi người dân thường đến can gián cũng không thoát. Tùy Dương Đế chẳng hề chùn tay.

Việt Vương Dương Đồng bị giặc không chống nổi, cầu xin cứu viện thì bị cho là lừa dối Thánh thượng. Cung nữ báo với Tùy Dương Đế chuyện người người muốn làm phản cũng bị giết. Đến Tiêu Hoàng hậu biết rõ là tình hình chân thực cũng chỉ còn cách than: “Việc thiên hạ đã đến nước này, thế đã như vậy rồi, không thể nào cứu nổi rồi.” Từ đó không có ai đề cập đến sự tình nổi loạn nữa.

Không lâu sau, Vũ Văn Hóa làm phản trong triều, nhưng Tùy Dương Đế đến khi sắp chết vẫn không suy nghĩ về lỗi lầm của mình. Khi thân tín là Mã Văn Cử phản bội và chuẩn bị giết Dương Đế, Dương Đế còn hỏi: “Ta có tội gì mà đáng phải chịu như thế này?”

Mã Văn Cử nói: “Ông bỏ mặc tông miếu, khinh động can qua, du ngoạn không ngừng, xa hoa cùng cực, hoang dâm vô độ, trọng dụng gian tà, cự tuyệt can gián, khiến cho trai tráng chết nơi chiến trường, phụ nữ quăng thây nơi cống rãnh, muôn dân thất nghiệp, loạn lạc nổi lên khắp nơi, ông còn nói là không có tội ư?”

Dương Đế than rằng: “Ta thực sự có lỗi với bách tính. Còn các ngươi theo ta hưởng vinh hoa phú quý, ta không phụ các ngươi.”

Tư Mã Đức Khám nói: “Thiên hạ đều oán hận, đâu chỉ có một người.”

Chỉ trong 14 năm ngắn ngủi Tùy Dương Đế đã để mất cơ nghiệp giang sơn nhất thống, kinh tế phồn vinh, xã hội ổn định giàu có mà Tùy Văn Đế đã cần kiệm dày công khai sáng và gây dựng.

Từ xưa đến nay làm vua khó, chỉ vì hễ xuất ngôn thì thành thiện ác rõ ràng. Nếu người làm vua sau khi xuất ngôn có thể nghe khuyên can của quần thần đối với sai lầm của mình thì quốc gia sẽ hưng thịnh. Nếu vua sau khi xuất ngôn chỉ muốn mọi người phục tùng thì quốc gia sẽ diệt vong.

Người xưa nói: “Một lời nói có thể hưng thịnh quốc gia, một lời nói có thể diệt vong quốc gia”. Câu nói “Có kẻ can gián ta, lúc đó không giết thì sau này ắt phải giết” của Tùy Dương Đế năm xưa có thể coi là câu nói mất nước vậy. Do đó cho dù là bậc Thánh nhân cũng phải khiêm tốn tiếp thu ý kiến của người khác. Như thế người trí tuệ sẽ hiến mưu lược, kẻ dũng cảm sẽ dốc hết sức mình.

Đăng lại có chỉnh sửa từ bài viết “Văn sử mạn đàm: Một lời hưng quốc, một lời mất nước ”
Đăng trên Minghui.org

Tác giả: Đường Phong

Xem thêm:

Mời xem video: