Hạ Kiệt là vị vua cuối cùng của nhà Hạ, người đã khiến cho triều đại nhà Hạ kéo dài suốt 500 năm bị sụp đổ. Ông là vị vua ham mê nữ sắc, thích thảo phạt gây chiến, trong hoàn cảnh nhà Hạ loạn lạc vẫn chỉ lo thỏa mãn dục vọng của bản thân, cuối cùng mất nước.

Nữ sắc khiến triều đại nhà Hạ tồn tại 500 năm sụp đổ
Tranh mô tả vua Kiệt cầm kích, ngồi lên hai nữ bộc, vẽ vào thời Hán. (Public Domain)

Trước khi vua Kiệt lên ngôi, nhà Hạ đã bắt đầu rơi vào tình trạng loạn lạc, quan hệ với các nước xung quanh không ngừng. Trong thời gian vua Kiệt ở ngôi, các nước chư hầu cống nạp ngày càng giảm, nhưng Hạ Kiệt không tu đức, mà lại dựa trên việc đó mà thảo phạt gây chiến khắp nơi.

Sách cổ ghi lại rằng mỗi khi vua Kiệt đánh bại một nước, thì lại tuyển chọn phi tử trong số các mỹ nữ của nước đó. Chuyện này được đề cập đến trong “Quốc ngữ – Tấn ngữ”, “Trúc thư kỷ niên”.

Một lần Hạ Kiệt đưa quân tiến đánh nước Hữu Thi, nước Hữu Thi yếu hơn và bị vây chặt. Có người hiến kế cho vua Hữu Thi rằng Hạ Kiệt say mê nữ sắc, nên dâng mỹ nữ sẽ yên chuyện.

Vua nước Hữu Thi làm theo, tuyển chọn được Muội Hỉ tuyệt sắc, dâng lên Hạ Kiệt. Hạ Kiệt thấy Muội Hỉ vô cùng xinh đẹp liền đồng ý lui quân.

Hạ Kiệt từ khi có được Muội Hỉ thì không đoái hoài gì đến triều chính nữa, lại theo lời Muội Hỉ làm chuyện xa xỉ, thu lấy tài vật để phục vụ các thú vui.

Có ba việc Muội Hỉ rất thích làm là chèo thuyền trong Tửu trì, nghe âm thanh xé lụa, mặc đồ và đội mũ nam giới. Trong đó công trình Tửu trì được lịch sử ghi chép lại rất nhiều.

Tửu trì là hồ rượu, được hình thành bằng cách dùng bả rượu đắp thành đê có chu vi dài đến 10 dặm. Khi có tiếng trống, trai gái trên đê phải chúc đầu xuống uống rượu giống như trâu uống nước. Nhiều người phải uống đến mức rơi xuống ao chết đuối. Còn Hạ Kiệt và Muội Hỉ ngồi xem cười ha hả.

Nữ sắc khiến triều đại nhà Hạ tồn tại 500 năm sụp đổ
Tranh minh họa Hạ Kiệt và Muội Hỉ ngồi xem người uống rượu từ Tửu trì. (Trích từ cuốn “Tân san cổ Liệt nữ truyện”, đầu thế kỷ 19)

Cuốn “Hàn thi ngoại truyện” có chép rằng: “Năm đó Kiệt xây hồ làm Tửu trì, âm nhạc đàn sáo lả lướt, cho hơn 3.000 người húp Tửu trì vẫn không hết.”

Muội Hỉ thích nghe âm thanh xé lụa, mỗi khi nghe tiếng xé lụa lại cười. Vì thế mà Hạ Kiệt cho các cung nhân dệt lụa ở cửa điện. Một bên thì dệt lụa, còn một bên thì xé, để Muội Hỉ cười. Thời cổ đại tơ lụa rất quý, vì thế đây là một việc làm hết sức xa hoa phung phí.

Được sủng ái, Muội Hỉ còn tham gia vào việc triều chính, thích mặc trang phục nam giới, đội mũ, đeo kiếm. Mỗi khi Hạ Kiệt lên triều thì Muội Hỉ cũng ngồi cạnh, Hạ Kiệt đều nghe theo lời Muội Hỉ thủ thỉ bên tai.

Các chư hầu ngày càng bất bình về nhà Hạ, không thuần phục hay triều kiến nữa. Thành Thang của nước Thương đưa quân đánh nhà Hạ, Hạ Kiệt thua trận, nhà Hạ mất, nhà Thương lên thay.

Trong Ngô Việt Xuân Thu thời Đông Hán có một câu như thế này: “Hạ vong vì Muội Hỉ, Ân vong vì Đát Kỷ, Chu vong vì Bao Tự. Mỹ nữ, là cái họa vong quốc, tuyệt không thể nhận”.

Trong lịch sử còn để lại lời răn rằng: “Tửu, Vị, Sắc, Đài – trong bốn thứ này chỉ mắc phải một thứ cũng đủ khiến quốc gia diệt vong”. Hạ Kiệt phạm Sắc rồi phạm đến Tửu, Vị, Đài, có thể thấy nữ sắc sẽ khiến con người ta mê lạc đến mức nào. Dù bài học về những “hồng nhan họa thủy” khiến vong quốc không phải là ít, nhưng nhiều bậc quân vương sau này vẫn phạm phải.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: