Trong bối cảnh kinh tế tri thức ngày càng được định hình rõ và nhiều nhà khoa học trở thành… tỉ phú hoặc trở nên nổi tiếng, mong muốn con mình trở thành nhà khoa học của các bậc phụ huynh trở nên nóng bỏng. Khi giáo sư Ngô Bảo Châu giành giải Fields, cánh cửa trường thực nghiệm từng bị… xô đổ vì phụ huynh tranh nhau nộp đơn cho con vào đây học với lý do đơn giản là “đây là trường giáo sư Ngô Bảo Châu đã học”.

Ở xã hội Việt Nam, nơi luôn bị ám ảnh bởi miếng ăn và công danh (luôn được hiểu là phải lắm tiền và làm quan), khát vọng muốn con thành nhà khoa học như trên có cái gì đó mới mẻ.

Du học cũng là một con đường mà phụ huynh tính đến để mong con trở thành nhà khoa học thành tài. Vì thế, những năm gần đây rất nhiều phụ huynh cho con tập trung học tiếng Anh, Toán, Lý, Hóa và thậm chí là học luôn các môn khoa học tự nhiên đó bằng tiếng Anh.

Nhiều trường hi sinh thời gian dành cho các môn Khoa học xã hội và Nghệ thuật, thể chất cho các môn Khoa học tự nhiên và ngoại ngữ với hi vọng đó là bệ đỡ và nguyên liệu để phóng học sinh ra nước ngoài và bầu trời khoa học.

Nhưng thực sự thì chỉ như thế có trở thành nhà khoa học được không?

Tôi không rõ. Nhưng trong cuốn sách “Phẩm cách quốc gia”, giáo sư Fujiwara Masahiko một nhà toán học thông thạo nhiều ngoại ngữ và khá nổi tiếng ở Nhật có viết đại ý rằng muốn trở thành nhà toán học, nhà khoa học có thành tựu trong nghiên cứu thì điều đầu tiên cần có là năng lực cảm xúc và tư duy mĩ học.

Những thứ đó lại đến từ văn chương, nghệ thuật, cảm nhận thiên nhiên và triết học.

Xin trích đoạn ông viết về vấn đề này:

Thứ hai, cảm xúc đẹp đẽ là thứ quan trọng nhất trong việc tạo ra văn hóa và khoa học.

Có một nhà toán học tên là Oka Kyoshi (1901-1978). Đây là một thiên tài toán học, người đã từng là giáo sư ở Đại học nữ sinh Nara và cũng là nhà toán học nổi tiếng với tập tùy bút Mười câu chuyện kể tối mùa xuân. Ông là thầy giáo có rất nhiều tình tiết liên quan có thể nói là kỳ dị nhưng trong số các chủ trương kì quặc mà ông đưa ra cũng bao hàm cả những thứ thuộc về bản chất vì thế mà nó đã ảnh hưởng sâu đậm đối với tôi trong thời sinh viên.

Ví dụ như, ngay sau khi đi du hoc Pháp trở về, ông tuyên bố “Tôi đã rõ phương hướng nghiên cứu của mình. Vì thế mà trước tiên tôi cần phải nghiên cứu trường phái thơ Haiku của Basho đã” và hăm hở nghiên cứu về Basho. Đó là vì ông nghĩ trong sáng tạo toán học cần đến cảm xúc. Về sau, ông đã chậm rãi nghiên cứu và trong vòng 20 năm đã tự mình giải quyết được 3 vấn đề khó của giới toán học lúc đương thời. Người ta nói rằng hàng ngày trước khi tiến hành nghiên cứu toán học ông đều tụng kinh.

Năm 1960, giáo sư Oka Kyoshi được nhận Huân chương văn hóa. Trong buổi lễ nhận giải khi thiên hoàng hỏi: “Toán học là môn khoa học như thế nào?”, ông đã trả lời: “Toán học là sự đốt cháy sinh mệnh”. Liên quan đến sự sáng tạo trong toán học, giáo sư Oka Kyoshi cũng cho rằng người phương Tây thuộc kiểu “Inspiration” (linh cảm) còn người Nhật thuộc dạng cảm xúc.

Vào lúc ấy, khi nhà báo hỏi: “Cảm xúc mà giáo sư nói là gì vậy?”, ông đã đáp: “Trái tim nghĩ rằng bông hoa tím nở ngoài đồng rất đẹp”.

Đối với những nhà toán học như chúng tôi thì đây là câu trả lời thật dễ hiểu. Đó là cảm giác yêu thương, sự cảm động trước bông hoa tím ngoài đồng và vẻ đẹp yêu kiều của nó. Đây là điều rất quan trọng khi nghiên cứu toán học.

Trong khi làm toán, cảm giác mĩ học là quan trọng nhất. Đấy là tư chất quan trọng nhất hơn cả thành tích học tập hay chỉ số IQ cao.

Tôi dốt toán nhưng thấy ông nói có cái gì đó rất khó bác bỏ. Nhớ lại trên thế giới mạng tôi cũng thấy các nhà khoa học có tiếng người Việt như GS. Nguyễn Tiến Dũng, GS. Ngô Bảo Châu, GS. Đàm Thanh Sơn, TS. Nguyễn Phương Văn… đều chơi blog và ở đó không chỉ có toán mà còn có… thơ, văn.

Hồi xưa hình như trên mạng còn có một bác gì đó nghiên cứu vậy lý lý thuyết cũng suốt ngày đưa lên mạng các bài thơ Haiku bác dịch từ tiếng Anh.

Nếu mệnh đề trên của GS. Fujiwara đúng thì tương lai để người Việt Nam trong nước có giải Nobel khoa học hay trở thành các nhà khoa học kiệt xuất tầm cỡ thế giới khá mong manh. Lý do vì hiện nay môn Văn đang được dạy như môn Toán (để thi) và các môn nghệ thuật, triết học… đang thở khò khè.

Tất nhiên, việc học văn chương, nghệ thuật… không phải chỉ diễn ra ở nhà trường. Học sinh có thể học trong gia đình, ngoài xã hội, qua internet, truyền thông đại chúng… nhưng giáo dục trường học vẫn là con đường bài bản nhất, hệ thống nhất.

Những học sinh học hết 12 năm mà không tìm được cái hay, cái đẹp trong học văn chương, nghệ thuật thì sau này ra đời có vẻ như rất khó tìm được vẻ đẹp ấy nữa.

Lý do là khi được ăn một món không ngon trong thời gian dài người ta sẽ ghét luôn món đó cho dù sau này họ có cơ hội được gặp món thật vì chúng có chung một cái tên.

Hơn nữa và quan trọng nhất là cảm giác nếm món ngon lúc đầu đời. Hầu hết con người đều thích những món mà mẹ mua cho hay nấu cho ăn lúc nhỏ. Sau này lớn lên họ sẽ mãi mãi không quên được nó. Vì thế nếu đầu đời ăn phải món không ngon thì đấy là một sự thiệt thòi lớn.

Nguyễn Quốc Vương

Tham khảo cuốn “Phẩm cách quốc gia” qua Facebook Nhà sách Vương gia hoặc tại đây

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: