Việc học hành hành vất vả để ứng phó với kỳ thi tại trường vẫn còn là ký ức của không ít người. Và dù đã ra trường, chúng ta cũng vẫn đối mặt với rất nhiều những thứ như: học bồi dưỡng tại chức, chứng chỉ… Việc học tập không phải sẽ kết thúc khi chúng ta rời xa trường học. Đời người còn có những thành công và thất bại, những lúc khó khăn mâu thuẫn, so ra còn hơn cả việc thi cử. Nếu bạn đã từng ngưỡng mộ những học sinh hạng ưu có thành tích vượt trội trên lớp, thì chắc hẳn cũng sẽ thắc mắc tại sao thành tích của họ lại đặc biệt tốt như vậy. Tất nhiên ngoại trừ tố chất của bản thân ra thì phương pháp học tập cũng đóng vai trò quan trọng. Hãy cùng xem những nhân vật lưu danh sử sách thời xưa học tập như thế nào.

Gia Cát Lượng

Phương pháp học tập của các nhân vật lưu danh sử sách
(Tranh: Public Domain)

“Học tập cần phải an tĩnh chuyên nhất, tài năng cần phải thông qua học tập mới đạt được; không học tập thì không có cách nào tăng trưởng tài năng của bản thân. Không có chí hướng thì không thể có được thành tựu trong học tập. Buông lơi, coi nhẹ thì không thể phấn chấn tinh thần; muốn cho nhanh, nông nổi thì không thể bồi dưỡng tính tình.”

Giới tử thư.

“Gia Cát Lượng trong thời gian ở Kinh Châu, vào những năm Kiến An, cùng với Thạch Quảng Nguyên, Từ Nguyên Trực người Dĩnh Xuyên, Mạnh Công Uy người Nhữ Nam và mấy người khác cùng nhau đọc sách tìm tòi học hỏi. Ba vị bạn học đều chuyên chú học đến thuần thục tinh thông, còn Gia Cát Lượng chỉ đọc chỗ bao quát của sách.”

Tam Quốc Chí – Nguỵ Lược.

Như vậy Gia Cát Lượng nhấn mạnh việc đặt mục tiêu rõ ràng, yên tĩnh dốc lòng học tập, và học chỗ tinh hoa, bao quát của sách.

Tào Tháo

Phương pháp học tập của các nhân vật lưu danh sử sách
(Tranh: Public Domain)

Tào Phi từng viết về Tào Tháo như vậy:

“Cha yêu thích thi thư văn tịch, tuy rằng ở trong quân đội nhưng tay vẫn không rời sách, chuyên cần ham học. Tôi sớm tối vào lúc thỉnh an, cha thường nói với tôi: “Lúc tuổi còn trẻ học dễ dàng hơn, bởi tạp niệm ít hơn, dễ dàng tập trung suy nghĩ, nhưng đến khi tuổi lớn thì thật dễ quên đi những gì đã học. Mà ta nghe nói rằng tuổi tác lớn rồi mà vẫn chuyên cần ham học thì chỉ có ta và thứ sử Dương Châu Viên Bá Nghiệp mà thôi”.”

Điển luận – Tự Thuật.

Tào Tháo chú trọng thời thời khắc khắc giữ được thói quen học tập, đồng thời giữ được suy nghĩ chuyên nhất.

Hoàng đế Đường Thái Tông

Phương pháp học tập của các nhân vật lưu danh sử sách
(Tranh: Public Domain)

“Truyền rộng phong hóa, đạo dẫn tập tục, không có gì tốt hơn là sử dụng thuật văn trị; muốn tuyên dương giáo hóa dạy bảo thần dân, không gì tốt hơn là thông qua giáo dục trong trường học. Bởi vì thông qua thuật văn trị có thể hồng dương đạo đức, thông qua học tập, có thể làm rạng ngời danh tiếng bản thân. Không tận mắt nhìn thấy dòng suối nơi thung lũng sâu, sẽ không biết đất dày bao nhiêu; không học rộng xem nhiều, sẽ không thể biết được nguồn gốc của trí tuệ. Mặc dù thân tre được sản xuất tại đất Ngô có chất lượng tốt, nhưng nếu không có lông vũ làm đuôi tên thì không cách nào tạo thành mũi tên tốt.

Cho dù sự thông tuệ trời ban có thể giúp phân biệt thị phi, nhưng không học tập thì không cách nào đạt được sự sáng suốt thánh minh chân chính. Bởi vậy, các bậc tiên thánh đã thiết lập Minh Đường có công dụng giáo hóa, xây dựng trường học để bồi dưỡng nhân tài. Nhất định phải đọc nhiều sách vở, nghiên cứu bàn luận sâu những nét tinh túy của lục nghệ, mới có thể tăng thêm kiến thức. Bảo trì nội tâm nhàn nhã thanh tịnh, không cố ý mà có thể học xưa biết nay. Nếu muốn thanh danh lan xa, để thiên hạ lưu truyền đức hạnh của ngươi, từ đó làm cho bản thân bất hủ ở thế gian, hết thảy những điều này không dựa vào học tập thì làm sao đạt được?”

Đế Phạm.

“Cổ nhân nói, cái khó không phải là minh bạch đạo lý bề mặt, cái khó là phải thực hành; và cái khó hơn không phải là có thể thực hành một giai đoạn thời gian, mà là có thể kiên trì thông suốt từ đầu đến cuối hay không. Cho nên nói, vị vua hoang loạn bạo ngược không phải chỉ có một lựa chọn là con đường làm điều ác; bậc quân chủ thánh minh sáng suốt, cũng không phải không có khuyết điểm và sai lầm. Bởi vì đi đúng đường làm đúng Đạo là việc rất khó, ngược lại đi theo đường tà lại quá dễ dàng.

Kẻ tiểu nhân chỉ bằng lòng lựa chọn những việc dễ dàng để làm, không muốn nỗ lực làm những việc khó khăn hơn, do đó tai họa và thất bại vĩnh viễn luôn theo sát họ. Người quân tử nguyện ý cần cù mà làm những việc khó khăn, không muốn làm những việc dễ dàng một cách không tốn công sức, vậy nên phúc lợi và may mắn cũng luôn quây quanh họ.

Vì thế, phúc hay họa giáng xuống đều do sự lựa chọn của tự thân mỗi người quyết định. Nếu thấy hối tiếc vì những sai lầm tổn thất trong quá khứ, vậy chỉ có thể trong tương lai làm việc cẩn thận hơn mới không chiêu mời tai họa. Ngươi phải chọn lựa những quân chủ thánh minh để làm tấm gương cho bản thân học tập, không chỉ lấy ta làm gương răn bảo.

Ngươi thiết lập mục tiêu rất cao học từ cái tốt nhất, thì thường thường chỉ đạt được tới mức độ trung bình; nếu như ngươi bắt đầu từ việc thiết lập mục tiêu ở mức rất vừa phải, thì thường chỉ đạt được được mức độ thấp. Bởi vì ta cho rằng đức hạnh của ta còn chưa đạt tới tiêu chuẩn đức hạnh cao thượng, vậy nên không đáng để các ngươi học tập noi theo”.

Đế Phạm.

Đường Thái Tông cho rằng trọng tâm của việc học là đọc rộng, bảo trì nội tâm thong dong thanh tịnh, và cần học hỏi phương pháp hay của người xuất chúng, nỗ lực kiên trì học tập tới cùng, hơn nữa học phải thực hành, không được hành sự tùy tiện, nhất định phải duy trì.

Lý Bạch

Phuong phap hoc tap co nhan 04
(Tranh: Public Domain)

“Lý Bạch lúc còn nhỏ đọc sách, học chưa xong đã chạy ra ngoài chơi. Vừa hay trên đường nhìn thấy một bà lão đang mài cái chày sắt. Lý Bạch hỏi: “Lão bà, bà đang làm gì vậy?” Bà lão đáp: “Ta đang mài kim thêu”. Lý Bạch hiểu được hàm nghĩa của việc bà lão gắng sức mài kim, vậy nên cũng quay lại nỗ lực gắng sức đọc sách”.

Tiềm Xác Loại Thư.

“Lý Bạch đọc hết những quyển thơ văn của tiền nhân, liên tục nghiên cứu những điều sâu xa huyền diệu trong các tác phẩm của thánh hiền xưa. Cho dù là chỉ lĩnh ngộ được đôi chữ vài lời, cũng sẽ cao hứng tới mức không thể không gấp sách lại mà cười”.

Hàn lâm độc thư ngôn hoài trình tập hiền chư học sĩ.

“Lý Bạch cầu học, trước tiên nghiên cứu thánh hiền cổ xưa, sau quan sát cái lý của thế nhân, sau cùng thì xét chi tiết đạo lý giao tiếp qua lại giữa với người”.

Tống đới thập ngũ quy hành nhạc tự.

Có thể thấy Lý Bạch gắng sức khổ công học đến nơi đến chốn, nghiên cứu sâu những điểm then chốt của kiến thức, và nhìn xem sự tương quan xưa nay, sự tương quan giữa sách vở và đời sống để tăng thêm sự hiểu biết.

Nhạc Phi

Trước miếu trung thần, bức tượng gian thần bị đúc lại 13 lần
(Ảnh: Lin Xiu Xiu, Shutterstock)

“Nhạc Phi là người trầm lặng ít nói, nhà nghèo nhưng chuyên cần học tập, đặc biệt yêu thích hai bộ sách Xuân Thu Tả Truyện và Tôn Ngô Binh Pháp. Ông thu nhặt cành cây làm nến chiếu sáng, đọc sách học tập thậm chí cả đêm không ngủ.”

Tống sử.

“Nhạc Phi đọc sách không câu nệ vào chỗ nghiên cứu phân tích chương tiết, tách đoạn, chấm câu. Một khi lĩnh hội được tinh hoa cốt yếu trong cuốn sách thì có thể tạm thời đặt sách xuống. Khi học tập ngôn ngữ văn tự, thuận tay không chú ý cầm quyển sách lên để kiểm tra nội dung của sách, Nhạc Phi có thể thuận miệng nói ra đại ý nội dung của đoạn đó hoặc việc xử lý đúng sai của các nhân vật liên quan đến các sự kiện lịch sử, giống như là đã đọc kỹ và suy nghĩ cẩn thận chi tiết mà nói ra vậy”.

Tứ khố toàn thư, Nhạc Phi hành thực biên niên.

Nhạc Phi là một tướng quân tài ba, cũng là một thiên tài toàn diện, ông không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực chịu khó quyết tâm học tập, hơn nữa không câu nệ vào bản thân câu chữ mà chú trọng suy đoán và thấu hiểu.

Hoàng đế Khang Hy

Phương pháp học tập của các nhân vật lưu danh sử sách
(Tranh: Public Domain)

Theo ghi chép lịch sử, phàm là nơi Hoàng đế Khang Hy ngồi, thư tịch đều được xếp thành vòng xung quanh. Khang Hy đế đã viết về việc học tập như vậy:

“Khổng Tử nói: “Ta 15 tuổi, lập chí học tập”. Một câu xuyên suốt cuộc đời một thánh nhân chính là “lập chí học tập”. Ngoài ra, việc có thể thật sự làm được siêng năng học tập và kiên trì thường hằng chính là lý do mà thánh nhân sở dĩ có thể trở thành thánh nhân. Thánh hiền kim cổ cũng là người như chúng ta, vì sao chúng ta lại có thể cam tâm vội vàng nóng nảy từ bỏ mà không cố gắng học tập?

Giả như có chí học tập, nguyện vọng đạt đến cảnh giới thánh hiền thì ai còn có thể cản trở đây? Vì vậy nói rằng, lập chí học tập là điều quan trọng nhất để trở thành thánh nhân”.

Đình Huấn Cách Ngôn.

“Thông thường, người đọc sách mà không bị cuốn sách mê hoặc mới có thể được xưng là minh trí. Như nhà Nho học thời Hán là Đổng Trọng Thư có nói: “Gió thổi không làm cành cây phát ra âm thanh, nước mưa không rửa trôi đất trồng, được xem là thời đại thái bình”. Nếu quả đúng là gió thổi không làm cành cây phát ra âm thanh, vậy thì trời đất vạn vật đất dựa vào điều gì khiến chúng khởi phát, sinh thành vậy? Nước mưa không rửa trôi đất trồng, vậy thì ruộng đồng làm sao canh tác gieo hạt đây?

Nhìn lại những chỗ này thấy chúng đều là những từ trống rỗng nghe có vẻ hay nhưng không có suy xét. Với những câu như thế thì đừng tin là thật”.

Đình Huấn Cách Ngôn.

“Người có tâm khiêm tốn thì tìm cầu học tập nhất định sẽ tiến bộ, bằng như tự mãn thì sẽ thụt lùi. Thiên tính ta thích xin nghe người khác chỉ dạy. Cho dù là người địa vị thấp vô giáo dục thô tục quê mùa, mà có lời hợp đạo lý, ta quyết sẽ không vì vậy mà không thừa nhận họ, ta nhất định khắc ghi điều cơ bản của truy tầm học vấn, ta sẽ không tự cho mình có năng lực mà bỏ qua tiếp nhận điểm mạnh và mặt tốt của người này”.

Đình Huấn Cách Ngôn.

“Một người sở dĩ có thể trở thành thánh hiền không phải là do họ bẩm sinh đã như vậy, mà là do ngày tháng tích lũy dần dần hình thành. Người ta từ việc có tâm kiên trì mà dần thành người có đạo đức, từ người có đạo đức mà dần trở thành người quân tử, từ quân tử mà trở thành thánh nhân, đẳng cấp cao thấp trong đó phân định dựa vào học thức, trình độ chuyên môn nông sâu của mỗi người. Mạnh Tử nói: “Đạt đến cảnh giới của Nhân cũng cần công phu tích lũy!” Người chú ý tích lũy công đức cũng cần chờ đợi tới khi nước chảy thành sông.

Như vậy, người có chí hướng thiện thì ngay lúc bắt đầu cần không ngừng bổ sung thêm vào, phát triển, tiếp đó cần củng cố, phát triển, suốt đời không dám lùi bước, vậy mới có thể đạt được sự tích lũy qua ngày tháng lâu dài, không ngừng mở rộng. Do vậy, ôm giữ cái tâm chí chân chí thành sẽ khiến người ta cố gắng không ngừng, cố gắng không ngừng sẽ đạt tới bền lâu, bền lâu thì tự nhiên có được chứng nghiệm, có chứng nghiệm thì lòng dạ tự nhiên trở nên rộng rãi, lòng dạ rộng rãi thì kiến thức uyên thâm, kiến ​​thức uyên thâm thì tự nhiên trở nên cao thượng minh trí. Tóm lại, tác dụng của việc tích lũy qua ngày tháng thì làm sao có thể tính toán rõ được đây?”

Đình Huấn Cách Ngôn.

“Kinh Dịch nói: “Ngày ngày tiến bộ hơn có thể xem là một loại đức hạnh cực cao thượng”. Người ham thích học tập nên là mỗi ngày đều tiến bộ mới không bị lãng phí thời gian. Hết thảy các chủng loại kỹ năng nghề nghiệp của thế gian, khi bắt đầu học tập thì thấy quá khó, như là không thể nào làm được. Nếu vì vậy mà từ bỏ không học nữa thì cuối cùng rồi một việc cũng không thành.

Vì vậy, đối với người mới bắt đầu mà nói, điều quý giá là có cái ý chí một khi quyết thì không thay đổi, cũng còn cần thêm cái tâm kiên trì không ngừng truy cầu tiến tới, càng quý hơn nữa là có ngôn hành nhất trí (lời nói và việc làm là nhất quán với nhau), kiên định đi theo con đường đúng đắn, quyết tâm không bao giờ lùi bước, thì loại kỹ năng nghề nghiệp nào không thể học được đây?”

Đình Huấn Cách Ngôn.

“Điều quan trọng nhất trong việc đọc sách là hiểu rõ đạo lý của sự việc. Khi đã hiểu rõ đạo lý của sự việc rồi, thì trong lòng sẽ có chính kiến, tự nhiên có thể phân biệt rõ hết thảy thị phi chính tà. Khi gặp phải những điều ngờ vực, chỉ cần chiếu theo đạo lý mà làm thì bất luận sự việc có ra sao cũng không xấu hổ.

Thượng thư nói: “Học tập lời dạy bảo của người xưa, chính là có thu hoạch”. Phàm là tác phẩm kinh điển của thánh hiền thì có thể nói mỗi câu, mỗi sự việc đều chứa đạo lý rất sâu sắc bên trong, khi đọc sách cần nên lưu tâm thể hội, những chỗ nào chúng ta có thể làm theo, những chỗ nào chúng ta cần phải chú ý, lấy đó làm điều răn đe. Sau một thời gian dài, sẽ có thể hiểu hết ý nghĩa của cuốn sách, khi bạn gặp phải sự việc gì đó, trong não sẽ lập tức phản ứng ra, nghĩ ra biện pháp mà không cần phải suy nghĩ tìm tòi”.

Đình Huấn Cách Ngôn.

“Ta từ nhỏ đọc sách, ví như đọc phải từ nào không hiểu, thì nhất định phải tìm tòi, tra hỏi bằng nhiều cách, khiến nó được hiểu cặn kẽ mới yên tâm. Không chỉ đọc sách mới cẩn thận như thế, trị lý thiên hạ quốc gia cũng không ngoại lệ”.

Đình Huấn Cách Ngôn.

Khang Hy đế khi học tập thì thiết lập mục tiêu, kiên trì thường hằng, yêu cầu bản thân hàng ngày đều cần tiến bộ, dù chỉ một chút. Đối với những chỗ trong tài liệu mà không phù hợp với đạo lý thì ông suy xét. Ông cũng giữ tâm khiêm tốn, không ngại đặt câu hỏi, không vì một người nào đó có khuyết điểm mà cho rằng lời của họ không có tác dụng tham khảo. Khi đọc gặp chỗ không hiểu thì ông tìm cách để hiểu ra, không qua loa mơ hồ.

Theo “Phương pháp đọc sách học tập của các nhân vật anh hùng thiên cổ
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Ngưỡng Nhạc

Xem thêm:

Mời xem video: