Trên báo chí và mạng xã hội mấy hôm nay rộ lên chuyện học sinh đang phải học quá nhiều, trong thời gian dài, nên thời gian ngủ ít.

Trẻ con đang ngủ ít đi là một thực tế ai cũng có thể cảm nhận thấy dù ở Việt Nam không có các cuộc điều tra quy củ, đúng cách, cung cấp số liệu rộng rãi.

Ngủ ít đương nhiên không tốt cho trẻ em về nhiều phương diện.

Vậy giải pháp là gì?

Sáng lướt mạng thấy có trang đề nghị đổi thời gian vào học để trẻ em vào học muộn hơn, có thể ngủ thoải mái. Con nhà tôi phải có mặt ở trường lúc 7h45 (tiểu học). Không rõ nếu theo ý kiến trên thì nên nâng lên là 8h hay 8h30 hay 9h.

Ý kiến trên thật ra không phải là “sáng kiến” mà là “tối kiến”.

Trẻ con ít ngủ đơn giản không phải vì thời gian phải có mặt ở trường sớm quá (cho dù so với Nhật – nơi tôi biết thời gian có sớm hơn) mà là do TRẺ ĐI NGỦ QUÁ MUỘN!

Đô thị hóa, cuộc sống công nghiệp, áp lực công việc, không gian sinh hoạt trong gia đình chật hẹp, người lớn thiếu hiểu biết và vị kỷ đã làm cho trẻ em SINH HOẠT THEO LỊCH CỦA NGƯỜI LỚN.

Cha mẹ thức đến 11h mới ngủ thì con cũng thức đến 11h. Cha mẹ qua 12 giờ mới tắt tivi, điện thoại, tắt đèn thì tầm đó con cũng mới ngủ!

Đơn giản thế thôi!

Ngoài ra, việc trẻ phải làm quá nhiều bài tập, bị cha mẹ ép học thêm (thêm bài tập) cũng là một lý do làm cho trẻ không được đi ngủ sớm.

Vậy thì giải pháp hợp lý không phải là tăng giờ học lên muộn hơn mà là cần phải thực hiện CHO TRẺ ĐI NGỦ SỚM HƠN. Ví dụ 9h tối là trẻ mầm non và tiểu học phải vào giường đi ngủ!

Điều này có gì là cao siêu nếu có chút hiểu biết về sự phát triển của các nước khác ở xung quanh đi trước Việt Nam trong công nghiệp hóa, giáo dục, khoa học?

Ở Nhật Bản khi phát hiện ra tình trạng trẻ em đi ngủ muộn, cả nước Nhật đã thực hiện phong trào vận động phụ huynh để trẻ có thể “Ngủ sớm, dậy sớm và ăn sáng”.

Họ tin rằng cho dù hoàn cảnh gia đình thế nào, nếu thực hiện tốt ba điều trên thì trẻ sẽ khỏe mạnh, thông minh, hoạt bát, học tập tiến bộ.

Có hẳn một tổ chức lãnh đạo, thúc đẩy việc này, có trang web riêng hoành tráng. Ai muốn tìm hiểu về phong trào này xin mời đọc cuốn sách tôi đã dịch và xuất bản ở Việt Nam – “Sổ tay giáo dục gia đình Nhật Bản”. Sách có bản ebook miễn phí. Ai cần xin nhắn cho tôi.

Chuyện đề xướng tối kiến như trên nói lên một tình trạng tạm gọi là điểm mù tư duy.

Trong cuộc sống, trên mạng, báo chí ta chứng kiến thực tế có nhiều người bằng cấp cao, thông minh, xuất thân hoành tráng, giàu có – kiếm tiền tốt nhưng khi bàn luận, đề xuất các vấn đề thuộc về cộng đồng, xã hội, thế giới… thì lại thể hiện rõ “điểm mù tư duy”. Đọc lên tức anh ách như bị bò đá. Nó hoặc là ngớ ngẩn, hoặc là nhảm nhí!

Tại sao vậy?

Tất nhiêu có nhiều bác thông minh quá, khôn ngoan quá nên sẽ “nói vậy mà không phải vậy”, “nghĩ khác nói khác”. Những bác này là đỉnh cao, xin không bàn.

Ở đây chỉ bàn đến các bác nghĩ thế nào nói thế ấy!

Điểm mù tư duy từ các cá nhân xuất sắc trên thật đáng kinh ngạc và kì quái. Nhưng tư duy kĩ thì thấy nó rất hợp lý. Đó là xưa nay ở ta trẻ con đi học được người nhà, nhà trường, giáo viên, dòng họ kì vọng học giỏi là để phục vụ cho cuộc mưu sinh cá nhân và làm lợi cho gia đình, dòng họ chứ có đặt ra chuyện cống hiến xã hội hay mưu cầu gì lớn lao cho nhân loại, cộng đồng đâu.

Cho nên khi tư duy về vấn đề cơm áo, gia đình thì người ta nhanh nhạy, sáng láng là đương nhiên vì được luyện từ nhỏ (giống luyện thi ấy mà, luyện nhiều thì làm tốt, điểm cao, đỗ thủ khoa dễ).

Nhưng khi tư duy về vấn đề gì có tính siêu hình, lý luận hay rộng lớn hơn một mái nhà, một nồi cơm, một gia đình, dòng họ thì… tắc ngay và… vấp!

Các ông Tây diễn tả văn hoa tình trạng mù tư duy này là “thấy cây mà không thấy rừng” còn các cụ ta thì diễn tả nôm na mà hình tượng là lối tư duy “quy ra thóc!”.

Âu cũng là cái liễn!

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: