Những năm gần đây, ngay cả những người xây dựng đề án chính sách giáo dục của nước ta cũng bắt đầu đưa ra tầm nhìn hướng tới “trường học thế kỉ 21”. Ngoài ra, cũng giống như nước ta, ở Mỹ nơi đã đạt được ở mức độ nhất định sự mở rộng hệ thống trường học cận đại về lượng, một loạt các cải cách trường học phá vỡ chế độ trường học từ trước đến nay đã được tiến hành cương quyết và lịch sử giáo dục nước Mỹ kéo dài 150 năm đang đứng trước bước ngoặt lớn. Trước hết tôi sẽ giới thiệu các loại hình ý tưởng cải cách trường học đó và tiến hành bàn luận bắt đầu từ việc chỉ ra tình hình đó.

Ở hai nước Nhật và Mỹ từ sau những năm 1980 trở đi nhân tố nắm quyền chủ đạo trong cải cách trường học là tư tưởng giáo dục của chủ nghĩa tân bảo thủ. Có thể nói ngắn gọn rằng đặc trưng của nó nằm ở chỗ nó phê phán nhà nước phúc lợi, nêu cao “chính phủ nhỏ”, mặt khác vừa nhấn mạnh văn hóa chung (liberal arts) và giáo dục đạo đức là nền tảng của “national identity” vừa mở rộng “tự do lựa chọn” của phụ huynh, học sinh, thực hiện chuyển đổi trường học từ chỗ bị kiểm soát bởi hành chính sang kiểm soát bởi thị trường. Chính sách giáo dục của chủ nghĩa tân tự do này xuất hiện ở Anh trong chính quyền Thatcher, phát triển ở Mỹ dưới thời Reagan và Bush và ở nước ta nó đã phát huy tác dụng với tư cách là động lực lớn nhất trong cải cách giáo dục từ sau chính quyền Nakasone. Dưới đây tôi sẽ xem xét phương hướng cải cách trường học của chủ nghĩa tân bảo thủ nói trên.

Phương hướng thứ nhất là đưa nguyên lý thị trường vào trường học công lập và mở rộng tự do lựa chọn trường học. Có thể nói chế độ voucher là ý tưởng cải cách tiêu biểu. “Voucher” là chứng từ được Ủy ban giáo dục phát hành khi chuyển đổi thuế giáo dục và phụ huynh dùng nó để trả học phí cho các trường đã tự do lựa chọn. Dưới chế độ này, các trường thay vì vận hành bằng dự toán giáo dục được chi trả bởi Ủy ban giáo dục như trước đó, các trường sẽ phải nộp các chứng từ (voucher) mà phụ huynh đã nộp khi lựa chọn trường cho Ủy ban giáo dục để đổi thành tiền mặt, từ đó vận hành trường như là một doanh nghiệp độc lập. Tóm lại, chế độ voucher một mặt bảo đảm tự do lựa chọn trường học của phụ huynh, mặt khác thúc đẩy đa dạng hóa dịch vụ của từng trường học và cạnh tranh tự do và nó là chế độ kiểm soát trường học bằng nguyên lý thị trường.

Chế độ voucher trước đó đã được đưa vào nhiều lĩnh vực ở Mỹ và ở nước ta việc du nhập chế độ này đã trở thành vấn đề trung tâm trong thời kì đầu của Hội đồng thẩm định giáo dục lâm thời (thành lập năm 1984). Hội đồng thẩm định giáo dục lâm thời ban đầu nêu cao “tự do hóa giáo dục” bằng cách thực hiện triệt để bãi bỏ bản Hướng dẫn học tập (đa dạng hóa trường học), bãi bỏ chế độ học khu (tự do lựa chọn trường học), sử dụng hiệu quả khu vực dân sự (du nhập công nghiệp giáo dục)… “Tự do hóa giáo dục” đó đã lấy chế độ voucher làm tiền đề để thực hiện . “Tự do hóa giáo dục” với biểu tượng là chế độ voucher này là một phần trong chính sách của chủ nghĩa tân bảo thủ chuyển quản lý hành chính của các lĩnh vực công sang khu vực thị trường như dân doanh hóa Công ty đường sắt Nhật Bản JR thuộc sở hữu nhà nước, dân doanh hóa Công ty điện thoại điện tín Nhật Bản NTT… Sự di chuyển từ “trường học cận đại” sang “trường học thế kỉ 21” trong “tự do hóa giáo dục” được triển khai bằng dân doanh hóa trường công lập (đưa vào nguyên lý thị trường).

Kế hoạch đưa vào chế độ voucher này đã bị bỏ dở do sự chống đối của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và công nghệ vốn lo lắng trước nguy cơ phá hủy bình đẳng cơ hội giáo dục và nguy cơ thúc đẩy trường học biến thành nơi luyện thi và sau Báo cáo lần thứ nhất của Hội đồng thẩm định giáo dục lâm thời (1985) cái trục của cải cách đã được chuyển đổi từ “tự do hóa giáo dục” sang “giáo dục coi trọng cá tính” và kéo dài tới tận ngày nay. Tuy nhiên có thể nói rằng xu hướng dung hòa rộng rãi tiêu chuẩn của bản Hướng dẫn học tập, thúc đẩy đa dạng hóa trường học và mở rộng tự do lựa chọn đã hình thành nên nền tảng không thể lay chuyển trong tư cách là phương hướng cơ bản của cải cách giáo dục.

Trích từ “Niềm vui học tập” của giáo sư Sato Manabu
Nguyễn Quốc Vương dịch

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: