Một bạn đem tương ớt vào chào hàng. Em thao thao bất tuyệt về công nghệ, dây chuyền và độ an toàn cũng như chất lượng thực phẩm sạch. Tôi cắt ngang, hỏi, “Ớt này trồng ở đâu em?” Em không trả lời được. Tôi bảo, “Ờ, em đem hàng về đi. Chị cảm ơn em. Chị không mua.”

Một chị đem giò bò vào giới thiệu, bảo hàng nhà làm, chị kể liên mồm nào là thịt tươi mới mổ ra là chị đã lấy để làm giò nên thơm ngon và dai, giòn.. Tôi cắt ngang, “Bao nhiêu một ký ạ?” Chị bảo, “Một trăm hai mươi ngàn.” Tôi cười, “Em là đầu bếp. Chị bán giá đó thì đào đâu ra thịt thăn ngon để giã giò. Em không mua đâu ạ.”

Chị rủ tôi đi ăn bún riêu ở phố cổ, khen ngon mà rẻ lắm, tôi hỏi, “Họ bán bao nhiêu một tô mà chị khen rẻ?” “Có hai mươi ngàn. Cua đồng ngon lắm em ạ. Ngọt.” Tôi phì cười, “Chị nhớ hôm lên nhà em ăn cơm em nấu canh cua không? Em mua cua sống với giá một trăm năm mươi ngàn một ký, nấu nồi canh bốn người ăn hết vèo. Một ký cua được có hai tô canh. Và từng đó mới đủ ngọt mà không cần cho thêm bột ngọt hay gia vị gì. Chị ăn tô bún riêu hai chục thì chỉ có ăn tám mươi phần trăm đậu phụ nghiền trộn hai mươi phần trăm cua, và nước pha bột ngọt chứ lấy đâu ra cua thật? Chị nghĩ người ta bán hàng từ thiện à?”

Tôi dân làm bếp, tôi hết sức hãi hùng khi thấy vỉa hè Hà Nội, nhất là khu Lò Đúc, Trần Khát Chân người ta bán phô mai que chiên với giá năm ngàn đồng, người ăn nườm nượp. Tôi cắt vài miếng phô mai tôi nhập hàng từ Châu Âu và cân đong làm thử, giá thành là mười một ngàn năm trăm đồng. Vậy cái phô mai mà người ta bán ở vỉa hè với giá năm ngàn đồng là cái gì? Trung Quốc. Họ bán phô mai Trung Quốc đóng trong hộp đã cắt thành que sẵn với giá chỉ có một trăm hai chục ngàn đồng một ký!

Tôi đi ăn thịt dê với bạn bè, tôi thích món nầm dê nướng của quán đó, lần nào tôi cũng gọi và tôi luôn biết đó không phải là nầm dê vì ở đâu ra mà lắm thế. Tôi gọi vì tôi thích cách ướp gia vị của họ và tôi ăn thấy ngon, thế là đủ, nhưng nhắc lại, tôi luôn biết trong đầu đó không phải là nầm dê.

Tôi đi tham quan làng gốm Bát Tràng, chạy xe máy lòng vòng khắp làng để tìm nơi sản xuất thực sự và tìm hiểu nơi lấy đất, cái thứ đất sét tạo ra hồn cốt gốm Bát Tràng đó nằm ở đâu? Còn không? Sao không thấy cảnh tập kết nguyên liệu? Không thấy cảnh sản xuất? Chỉ có cửa hàng. À, tôi vẫn mua vì tôi thích gốm. Nhưng tôi biết cái mà mình mua không chắc là gốm Bát Tràng như tên gọi.

Tôi đi Vạn Phúc. Cũng xe máy, cũng lê la. Và cũng chỉ cửa hàng và cửa hàng. Họ trồng dâu ở đâu? Nuôi tằm ở đâu? Dệt ở đâu? Với số lượng hàng hoá nhiều đến thế thì phải là một vùng nuôi trồng rất lớn chứ sao lại chẳng thấy gì? Trồng cây dâu, nuôi con tằm, lấy kén, kéo tơ, se sợi… là những công đoạn cực kỳ công phu vất vả và chẳng thể nào có được số lượng nhiều, đại trà. Do đó, giá của nó phải rất cao. Cái giá mà người có thu nhập trung bình khá cũng phải đắn đo. Và loại khăn, áo với giá tầm ba triệu đổ lại thì chỉ có thể là sợi tổng hợp trung cấp. Tôi cũng mua vài khăn ở Vạn Phúc và tôi biết nó là sợi tổng hợp mặc dù người bán hàng ra sức giới thiệu, quảng cáo làng nghề. Tôi thích thì tôi mua chứ không phải bởi vì tôi tin đó là hàng cao cấp hay hàng thủ công do làng làm ra.

Cũng vậy, thỉnh thoảng tôi được bạn biếu trà và cứ khoe là trà tuyết san hay ô long, tôi thường từ chối, bảo tôi quen với cái đắng chát của trà Thái Nguyên. Bởi tôi biết, làm quái gì có đủ trà tuyết san tới lượt cái loại như bạn tôi và tôi thưởng thức? Toàn giả mạo.

Tôi và nhiều nhiều người dân Việt đã từng trải qua cái thời đói rách khốn khổ. Giờ, có cái ăn cái mặc và khi có dư ra chút xíu thì ham muốn hưởng thụ là điều đương nhiên. Nhưng, ta có điều kiện để mà hưởng thụ những sản phẩm cấp cao thực thụ không? Tôi e đa số là không. Và đã từng được thưởng thức cái ngon, cái đẹp thực thụ để có kiến thức và hiểu biết một cách thực sự chưa? Tôi cũng e đa số là chưa. Khi ta chưa ăn que phô mai chiên có giá hai mươi ngàn thì làm sao biết cách phân biệt, so sánh với que phô mai giá năm ngàn? Khi chưa từng được sờ tay vào lụa tơ tằm thật để cảm nhận độ mát của nó thì dễ dàng nhầm độ lạnh của lụa tổng hợp là độ mát. Khi chưa ăn một đĩa mỳ spaghetti nấu đúng vị ngon một cách thực thụ thì đĩa mì spaghetti nào cũng là mỳ Ý. Và chưa được ngắm những bức tranh tuyệt tác của những hoạ sĩ tài hoa vẽ ra thì tranh chép trên phố Tràng Tiền cũng là tranh đẹp!

Cái ham muốn được ăn ngon mặc đẹp, được sang trọng và có đẳng cấp nó cuốn hút con người ghê lắm. Mấy ai thoát được. Và những người kinh doanh luôn nắm bắt được tâm lý thích làm sang mà thiếu kiến thức này của khách hàng. Sự dối trá không cần che đậy vẫn lừa được bao người chỉ vì nhiều người thích được dối trá một cách ngọt ngào.

Hình như nó đã thành truyền thống?! Cái câu khẩu hiệu, “Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” chẳng phải là đã dụ được quá trời người tin, theo đó thôi! Nhưng đừng trách ai cả, bởi chính mình ngây thơ, hồn nhiên, bịt mắt, bịt tai, bịt mồm trước mọi sự dối trá của xã hội và còn không dám sống thật với chính mình.

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm:

Mời xem video: