Lịch sử khoa bảng nước ta bắt đầu từ năm 1075 dưới thời vua Lý Nhân Tông và kết thúc vào năm 1919 dưới thời vua Khải Định, trải qua 845 năm, qua nhiều triều đại với các hình thức thi cử khác nhau. Để thi đỗ sĩ tử phải qua “thiên kinh vạn quyển”, phải thuộc lòng văn thơ, kinh sách, viết văn, làm thơ, vế đối. Ngoài ra khoa cử thời xưa còn có những quy chế hết sức khắt khe, hơn nữa thí sinh nếu bị phát hiện vi phạm thì sẽ bị xử rất nặng.

Phan Bội Châu từng bị phạt suốt đời không được thi

Thời nhà Nguyễn có Phan Văn San có tiếng là người hay chữ, thi sát hạch nhiều lần đỗ đầu ở Nghệ An, nhưng mấy lần vào đến thi Hương lại không đậu.

Năm 1897, ông thi Hương, một người bạn muốn giúp đỡ liền bỏ cuốn sách vào tráp của ông để nếu ông bí không nhớ có thể xem sách. Nhưng Phan Văn San mang rượu theo uống nên say không hề biết việc này. Cuối cùng Phan Văn San bị phát hiện mang theo sách, bị phạt suốt đời không được đi thi.

Sau này Phan Văn San đến Kinh đô Huế giao du với các danh sĩ, được Tế tửu Quốc tử giám lúc ấy là Khiếu Năng Tỉnh rất quý trọng, liền cho làm bài phú cùng với các giám sinh. Bài phú của Phan Văn San rất hay và được nhiều người chép lại. Từ đó Phan Văn San nổi tiếng, được các quan lại và sĩ phu vận động xóa án phạt cho ông. Vua Thành Thái đứng ra xử và quyết định xóa án để ông được thi tiếp.

Phan Văn San về quê ở Nghệ An, đổi tên thành Phan Bội Châu và chuẩn bị cho khoa thi năm 1900. Tại kỳ thi Hương ở Nghệ An, Phan Bội Châu đỗ đầu tức Giải nguyên.

Sự khắt khe trong khoa cử thời xưa (P2)
Cảnh trường thi năm 1900. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Giám sinh vi phạm cũng không tha

Trần Gia Huệ và Phan Khắc Kiệm đều là giám sinh trường Quốc Tử Giám, dự kỳ thi Hội năm 1856. Phan Gia Kiệm hỏi Trần Gia Huệ rồi lấy ý của Gia Huệ để làm bài của mình. Giám khảo chấm thi phát hiện ra rồi báo cho bộ Lễ, bộ Lễ tâu lên Vua.

Quốc Tử Giám là trường có tiếng nhất trong nước, các giám sinh nơi đây đều được nể trọng. Dù thế vua Tự Đức cũng xử dứt khoát: “Tuy ta rất có ý tiếc tài, nhưng hai tên ấy vi phạm nặng nề qui chế trường thi, nếu lấy gượng ép thì lấy gì thỏa lòng sĩ phu. Lấy học trò đổ là cốt lấy ở hạnh, không cốt lấy ở văn, sao lại bẻ cong phép nước”. Sau đó Vua ra lệnh phạt mỗi người 50 roi, đình lương một năm.

Thần đồng Đinh Thì Trung bị đày, con trai Lê Quý Đôn bị giam

Kỳ thi Hội năm 1775 có một vụ án rất nổi tiếng. Bấy giờ con của Lê Quý Đôn là Lê Quý Kiệt là người hay chữ, thuộc lòng kinh sử, được vào học tại trường Quốc Tử Giám, cùng học với Kiệt có Đinh Thì Trung nổi tiếng là thần đồng từ nhỏ.

Kỳ thi Hội năm 1775, cả Quý Kiệt và Thì Trung đều tham gia. Sau khi thi xong trường tứ, khi yết bảng thì Lê Quý Kiệt đỗ đầu.

Tuy nhiên chúa Trịnh Sâm không tin vì biết rằng Thì Trung là thần đồng từ nhỏ, 14 tuổi đã đỗ Hương cống tức đỗ đầu kỳ thi Hương, tài năng vượt trên Quý Kiệt nên không thể xếp sau Quý Kiệt được. Chúa cho kiểm tra lại 2 bài thi, phát hiện ra nét chữ của người này lại là quyển thi của người kia.

“Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục” chép lại rằng: “Đinh Thì Trung nhân phát giác bức thư riêng của Quý Kiệt và cáo tố là do Quý Đôn chủ sự. Trịnh Sâm lấy cớ Quý Đôn là bậc đại thần, bỏ đi không xét, mà luận thêm tội Quý Kiệt, bắt giam cấm ở ngục ở cửa Đông”.

Kết quả Đinh Thì Trung bị xử đày ra tận vùng Yên Quảng (Quảng Ninh ngày nay), còn Lê Quý Kiệt bị tống giam rồi sau đó về Thái Bình làm dân thường.

*

Khoa cử nước ta xưa kia rất nghiêm khắc, có những luật khắt khe khiến nhiều người bị đánh rớt, đặc biệt việc phạm húy khiến nhiều nhân tài bị trượt. Một số người có lòng kiên trì và nhẫn nại dù bị rớt nhưng đều thi lại và cuối cùng cũng đỗ. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, luật dù nghiêm khắc nhưng có những lúc lại thiếu công bằng, xử theo phép Chúa lệ Vua, ấy cũng là một cái “tội” của khoa cử xưa.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “Thử nghiệm xã hội chủ nghĩa thất bại ở Hoa Kỳ thế kỷ 19”: