Xưa nay kêu than về chuyện người Việt ít đọc sách, người ta thường có hàm ý nói tới người Việt trong nước.

Nghèo đói, chiến tranh, sự yếu kém về giáo dục, những hạn chế về bối cảnh, thiết chế xã hội… được coi là những yếu tố đứng sau sự bán khai của văn hóa đọc.

Nhưng, thực ra không chỉ người Việt trong nước ít đọc mà người Việt ở nước ngoài, nhất là du học sinh cũng ít đọc.

Một người bạn trên Facebook của tôi vốn quan tâm tới hai dân tộc yêu sách và có văn hóa đọc đáng nể là Nhật và Do Thái lâu lâu lại phàn nàn rằng: “Tại sao du học sinh lại không đọc sách từ nguyên tác để hiểu người bản địa?”

Đọc những phàn nàn của anh tôi cười thầm trong lòng: “Sách tiếng Việt còn ít đọc nói gì tới sách viết bằng tiếng bản xứ.”

Nhiều người kêu lên gay gắt: “Số liệu đâu? Điều tra nào cho kết quả đó?”

Đúng là cho tới giờ, ở Việt Nam như thường thấy không có cuộc điều tra nào công bố cho chúng ta số liệu thống kê về chuyện du học sinh Việt Nam đọc sách gì, đọc bao nhiêu. Nhưng tôi chỉ hỏi ngược lại, nếu có một kết quả được công bố rộng rãi trên báo đài, liệu rằng chúng ta có tin tưởng được số liệu đó?

Theo quan sát và trải nghiệm của tôi ở nước ngoài trong gần chục năm, tỉ lệ du học sinh Việt Nam có khả năng và thói quen đọc sách của người bản xứ cực thấp. Đến nhà du sinh nào chơi, tôi cũng có thói quen cố hữu vốn đã trở thành thói xấu là đánh mắt tìm xem giá sách của chủ nhân ở đâu, có những sách gì xếp trên giá?

Thú thật, địa vị của giá sách của người Việt trong căn phòng khá khiêm tốn.

Thay vào đó địa vị của chiếc bàn uống nước, tủ quần áo và kệ kê tivi, băng đài chiếm địa vị nổi bật hơn hẳn.

Nếu có sách, giá sách cũng rất nghèo nàn. Ngoài những sách trực tiếp phục vụ học tập hay chuyên môn, nếu có sách khác thì cũng chỉ là sách bằng tiếng Việt để dạy con tiếng Việt hay sách giải trí, sách nấu ăn.

Trong 8 năm ở Nhật, tôi chỉ nhìn thấy ở nhà vợ chồng cô bạn học đại học cùng tôi và sau đó sang học cùng trường một giá sách phong phú bao gồm cả sách tiếng Nhật.

Ở Nhật, nơi tôi học, có một hệ thống thư viện công khổng lồ bao phủ khắp nước. Thư viện trường học cũng chiếm địa vị trung tâm của trường học. Cho dù trí thức thiên tả và trí thức độc lập ở nước Nhật đang than phiền rằng tự do của nước Nhật đang bị thu hẹp và có nguy cơ bị đe dọa, Nhật vẫn là thiên đường của sách. Bạn có thể đọc bất cứ cuốn sách nào ở thư viện chỉ sau vài ba phút làm thủ tục làm thẻ cho dù bạn là người nước ngoài. Ở hiệu sách, bạn có thể đọc cọp thoải mái đủ các sách từ cuốn bán chạy nhất cho tới các cuốn sách nghiên cứu kén chọn bạn đọc. Có những hiệu sách còn đặt cả ghế cho bạn ngồi đọc.

Tuy nhiên, tỉ lệ du học sinh người Việt dùng ngày nghỉ cuối tuần hay lúc rảnh rỗi cho hiệu sách và thư viện theo quan sát của tôi là rất nhỏ. Kể ra cũng lại buồn cười. Ở vùng tôi ở, tôi cũng thường chỉ gặp gia đình cô bạn trên đến thư viện tìm và mượn sách. Có lần tò mò tôi hỏi cô thủ thư ở thư viện công nơi tôi ở xem có nhiều người Việt Nam tới đây đọc sách không thì cô bảo, “Hầu như không có”. Thành phố tôi ở cũng có khoảng vài trăm đến cả nghìn du học sinh bao gồm cả du học sinh trường tiếng và các thực tập sinh kĩ năng. Riêng trường tôi học có khoảng trên 40 sinh viên đa phần học sau đại học.

Tại sao du học sinh Việt Nam không đọc sách của người bản xứ?

Có nhiều lý do và các lý do này móc xích vào nhau tạo ra cái vòng luẩn quẩn.

Thứ nhất, đa phần du sinh Việt Nam du học khi đã tốt nghiệp đại học hoặc tốt nghiệp phổ thông. Ở độ tuổi đó, họ đã “thấm nhuần” văn hóa mẹ đẻ rất đậm đặc. Môi trường xã hội, gia đình đã đổ bê tông vào trong giá trị quan và các thói quen của họ. Cơ hội để hình thành các thói quen mới như thói quen đọc sách, thay đổi giá trị quan (ví dụ coi trọng hơn các giá trị tinh thần ngoài các hành vi bản năng như ăn, mặc, ở, đi lại…) sẽ rất khó khăn.

Thử hỏi, có bao nhiêu người trong số du học sinh được mẹ bế trên tay và đọc sách cho hồi nhỏ?

Thử hỏi, có bao nhiêu người trong số họ được sở hữu một tủ sách trong nhà và say mê đọc từ nhỏ?

Thử hỏi có bao nhiêu phần trăm được học ở trong một ngôi trường mà ở đó đọc sách trở thành hoạt động trung tâm của hoạt động giáo dục?

Có lẽ rất nhỏ!

Cho dù rất nhiều người có trí tuệ và phải vượt qua rất nhiều kì thi khó khăn mới được đi du học. Nhiều người giành học bổng danh giá, thậm chí nhiều người có kết quả nghiên cứu tốt. Nói một cách công bằng, xét về chất và trên bình diện rộng, cái học của người Việt vẫn là cái học chắp vá và học gạo. Nó thiếu nền tảng rộng và sâu. Đấy là rào cản khiến người Việt ở nước ngoài không thể tiến xa và dẫn dắt cộng đồng quanh họ.

Họ bị chìm lấp trong các cộng đồng khác.

Sự yếu kém ấy suy cho cùng còn là di sản của mấy nghìn năm.

“Tất cả chúng ta đều là tù nhân của lịch sử” – Một học giả đã từng viết thế. Nhìn vào lịch sử nước nhà sẽ thấy, văn hóa đọc ở đây rất yếu. Đọc sách trong suốt cả mấy nghìn năm chỉ là thú vui tao nhã của một nhóm nhỏ trong xã hội và hình ảnh đi kèm với nó hoặc là “thanh cao” thái quá hoặc là có cái gì đó pha chút “ngớ ngẩn”“vô ích”.

Vì đọc ít nên trước tác của chúng ta cũng ít. Sách vở để lại so với thế giới xung quanh cũng phảng phất ngậm ngùi.

Muốn đọc cũng khó

Một lý do nữa khiến du sinh Việt Nam không đọc sách viết bởi người bản xứ là rào cản ngôn ngữ. Hồi chưa đi du học tôi cứ nghĩ những ai đang sống ở nước ngoài hay đi du học thì ngoại ngữ rất giỏi. Đi du học rồi tôi mới cảm thấy sốc vì thực tế có những người ở nước ngoài chục năm thậm chí 30 năm vẫn nói không sạch nước cản, chưa nói tới việc đọc được vài chữ.

Theo quan sát của tôi, số lượng du học sinh Việt Nam chỉ có thể nói được mấy từ “Arigato” (cảm ơn), “Sumimasen” (xin lỗi), “konnichiwa” (xin chào) sau 3 thậm chí 5 năm học ở Nhật không phải là nhỏ. Những người có khả năng hiểu và nói được tiếng Nhật giao tiếp (ví dụ ở mức N3) cũng chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ. Nhiều người nói mà không viết được. Nếu bỏ đi sinh viên trường tiếng, các du học sinh ngành Nhật ngữ hay Đông phương học và các sinh viên bắt buộc học bằng tiếng Nhật thì tỉ lệ các sinh viên Việt Nam vốn đi du học bằng tiếng Anh có thể nói, viết và đọc được tiếng Nhật gần chạm… không (0).

Lý do nào khiến du học sinh Việt Nam không học tiếng Nhật? Có nhiều lý do.

Đối với sinh viên trường tiếng thì mắc bẫy “vừa học vừa làm” nên khi sang phải tối ngày đi cày, lên lớp thì ngủ gà ngủ gật. Hai năm học trường tiếng vốn tiếng Nhật chỉ có một nhúm.

Đối với sinh viên sang Nhật học bằng tiếng Anh thì phần vì bận nghiên cứu, phần vì nhanh thối chí do thấy khó học vào đầu (trường thường có lớp tiếng Nhật cho các sinh viên này) nên nhanh chóng bỏ không học nữa.

Người Nhật không nói tiếng Anh trong đời sống hàng ngày nhưng nước Nhật vận hành rất khoa học và có tính quy chuẩn cao. Vì thế mà “mù chữ” vẫn sống tốt. Thủ tục có người giúp (bạn bè, nhân viên công vụ), mua bán gần như tự động, tàu xe đi lại đơn giản… Cho nên người ta có thể sống tốt mà không cần phải đọc hay giao tiếp với người bản xứ.

Hơn nữa, người Việt có xu hướng lập làng khắp thế giới. Ở đâu cũng quây lại ở cùng nhau. Khi cần ăn nhậu ới nhau cái là có. Rất vui nhưng tạo ra một cộng đồng đóng kín không giao lưu được với người bản xứ.

Kết quả là đọc sách của người bản xứ là một giấc mơ rất xa xôi.

Hậu quả của việc không đọc sách của người bản xứ

Các cụ thường dạy “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” “Trăm nghe không bằng một thấy”.

Nhưng nếu chỉ đi đến nước ngoài học và sống để cảm nhận, học hỏi, tiếp thu qua “đi” “thấy” thuần túy, người ta sẽ dễ rơi vào sự thiển cận hoặc lệch lạc. Người ta sẽ chỉ nhìn thấy những gì ở bề ngoài hay những gì nhìn thấy bằng hai con mắt. Người ta cũng sẽ chỉ đi được một con đường. Họ sẽ mất cơ hội để vừa đi vừa nghĩ về con đường của người khác đã, đang và sẽ đi. Sẽ không biết trước mình ai đã đi và họ để lại những gì.

Tôi đã từng rất ngạc nhiên khi thấy một anh bạn vừa tốt nghiệp thạc sĩ sau 2 năm học ở Nhật nói với tôi rằng: “Nước Nhật sạch sẽ thế này là do người ta trả lương cho lao công cao. Ở mình mà cứ trả tiền cao cho lao công là sạch hết.”

Đấy cũng là lý do giải thích tại sao số người Việt ra nước ngoài ngày càng lớn, trình độ học vấn của giới trẻ ngày càng cao, nhưng người Việt vẫn ôm trong mình một nhận thức mông lung và đầy ngây thơ về thế giới quanh mình.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)
Tham khảo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: