Hồi tôi còn học ở trường, mỗi tuần một lần trong giờ nghỉ trưa, sẽ có một người đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đến nói chuyện với các sinh viên thuộc chuyên ngành hội họa và điêu khắc. Những buổi nói chuyện như vậy in đậm trong ký ức tôi, lâu hơn bất cứ giờ học nào khác.

Có lần một họa sĩ, hay nói đúng hơn là một nhà sản xuất khung tranh bậc thầy, đã kể cho chúng tôi câu chuyện của ông. Ông phát hiện ra rằng mình có thể kiếm sống tốt hơn bằng việc sản xuất những chiếc khung tranh đẹp thay vì vẽ tranh. Lúc đầu, ông chỉ làm khung cho những bức tranh của mình. Sau đó, bạn bè đã đặt hàng ông. Cuối cùng ông bắt đầu một sự nghiệp mang lại lợi nhuận và có ý nghĩa.

Khi có người hỏi ông rằng liệu ông có cảm thấy mình đã “phản bội” nghệ thuật không. Ông ấy trả lời rằng: “Không phải là có phản bội hay không, mà là bán được bao nhiêu trong một ngày”. Trong tiếng Anh, “sell out” vừa có thể hiểu là “phản bội”, vừa có thể hiểu là “đắt hàng”.

Rõ ràng ông cảm thấy nhẹ lòng với sự lựa chọn của mình. Ông hiểu và dám đối diện với chuyện này một cách trung thực, đồng thời ông cảm thấy hài lòng vì kết quả đạt được.

Kỷ niệm này khiến tôi cảm thấy an ủi khi tiếp tục con đường làm họa sĩ. Thỏa hiệp và hy sinh luôn song hành cùng nhau, chính là “không mất thì không được”.

Nhưng ngày nay, “phản bội” “hy sinh” trong nghệ thuật lại thường được dùng theo một ý nghĩa khác. Ngày nay, khi người ta nói về “hy sinh”, người ta thường nói với ý nghĩa phải từ bỏ một vài tiêu chuẩn để có thể “bán được hàng”. “Phản bội”“hy sinh” trong nghệ thuật hiện đại hóa ra lại là từ đồng nghĩa.

Không chỉ thế, người nghệ sĩ thời nay thường xem “hy sinh” ở nghĩa gốc của nó là một điều tiêu cực, cần tránh. Giờ đây, việc phải đánh đổi sự cầu toàn, tính chân thực hay giá trị đạo đức để có được lợi ích cá nhân hoặc tiền bạc lại được coi là tiêu chuẩn của thành công. Chẳng hạn như có họa sĩ sẵn sàng vẽ các bức tranh khiếm nhã ở khu vực tiếp tân của một chuỗi khách sạn…

Nhưng có lẽ hành động tệ nhất của người họa sỹ là “bán hết hàng” đến mức bán cả linh hồn cho “quỷ dữ”.

Trong kinh Tân Ước có kể lại chuyện quỷ dữ cám dỗ Chúa Jesus. Trong lần cám dỗ cuối cùng, nó đã đưa Chúa Jesus đến một ngọn núi, để Ngài có thể nhìn thấy vẻ đẹp của toàn bộ những vương quốc trên mặt đất, và hứa hẹn rằng nếu Chúa Jesus từ bỏ đức tin thì sẽ được toàn quyền cai trị thế giới này. Ác quỷ nói: “Tôi sẽ cho ông tất cả quyền lực và vinh quang, vì tất cả là của tôi, và tôi có thể cho ai tuỳ ý, nếu ông thờ lạy tôi, tất cả sẽ thuộc về ông”. Tuy nhiên Chúa Jesus đã kiên định trả lời: “Người được cả thế gian mà lại đánh mất linh hồn thì sẽ được ích lợi gì? Người ta sẽ đánh đổi điều gì để cho đi linh hồn của mình đây? “

Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng - Kỳ VI: Chúa Jesus vượt qua cám dỗ của ác quỷ
Bức “Những cám dỗ đối với Đấng Kito” (1480 – 1482), họa sĩ Sandro Botticelli (1445–1510). (Tranh: Public Domain) (Xem thêm chi tiết trong bài “Chuyện chúa Jesus vượt qua cám dỗ của ác quỷ qua tranh Phục Hưng“)

Ác quỷ không thể cám dỗ được Chúa Jesus, nhưng không phải tất cả chúng ta đều có được trí tuệ như Đức Chúa.

Trong “ngành công nghiệp” giải trí, người nghệ sĩ thời nay luôn bị cám dỗ bởi danh vọng và tiền bạc. Thật đáng ngạc nhiên khi hầu hết nghệ sĩ đều rơi vào hoàn cảnh này.

Trong suốt quá trình lịch sử của nghệ thuật phương Tây, các nghệ sĩ là những người có khả năng kết nối với đại chúng, có thể chạm đến trái tim của mọi người, bởi vì họ được ban cho cảm hứng nghệ thuật. Nhiều người quay trở lại nghiên cứu Thần thoại và cho rằng chúng dẫn đường cho con người tiếp cận sự Thần thánh. Nhưng nếu người ta không bảo vệ và nâng niu món quà ấy, thì giống như tất cả những thứ quý giá khác, nó sẽ mất đi.

Tuy nhiên, hãy chú ý rằng, món quà đó mất đi là do chính chúng ta. Là do chúng ta đã vô tình hay cố ý để điều đó xảy ra. Là do lựa chọn của chúng ta đưa ra, dựa trên niềm tin mà chúng ta còn ôm giữ.

Thực tế, “hy sinh” là một hành động mang ý nghĩa cao cả.

“Hy sinh”, trong tiếng Hy Lạp là “sacrificium”, bắt nguồn từ “sacer”, có nghĩa là “thánh thiện”. Từ bỏ thứ gì đó có giá trị cho một mục đích lớn hơn, cho hạnh phúc của người khác, cho gia đình và cộng đồng hoặc cho một lý tưởng, như chân lý hoặc công lý, luôn được xem như một đức tính tuyệt vời.

Người nghệ sĩ đã từng hiến thân để phụng sự Đức Chúa và tạo ra các tác phẩm dát vàng lộng lẫy được mọi người sùng kính. Ngày nay, chúng ta bán mình cho ma quỷ để lấy danh tiếng hoặc tiền bạc.

Vị tha hay ích kỷ?

Sự hy sinh có thể làm cho con người vất vả gian khó, nhưng chính nó lại giúp nội tâm người nghệ sĩ trở nên giàu có hơn, giải phóng linh hồn của mình. Phải mất nhiều năm hy sinh để phát triển các kỹ năng của một người nghệ sĩ. Đó là một sự hy sinh lâu dài. Mặc dù “phản bội” hay “bán được hàng” có thể mang lại cho người nghệ sĩ sự hài lòng ngay lập tức, nhưng về lâu dài, nó sẽ làm cho tâm hồn trở thành nô lệ và làm bạn nghèo đi.

“Người nghệ sĩ luôn luôn là người hầu và luôn phải cố gắng trả giá cho món quà mà tạo hóa đã ban tặng như một phép màu. Tuy nhiên, con người hiện đại lại không muốn hy sinh bất kỳ điều gì, mặc dù sự khẳng định bản thân chân chính chỉ có thể có được thông qua sự ‘hy sinh’. Ngày nay, tất cả chúng ta đều bị tiêm nhiễm chủ nghĩa vị kỷ vô cùng lớn và đó không phải là tự do. Tự do có nghĩa là học cách chỉ đòi hỏi bản thân mình, không đòi hỏi cuộc sống và người khác, tự do là biết cách cho đi: hy sinh nhân danh tình yêu.”

Andrei Tarkovsky

Và vì vậy, có lẽ người nghệ sĩ nên dừng lại và suy ngẫm trước khi nhận “30 đồng bạc”(*), hãy nghĩ về trách nhiệm và giá trị của phép màu mà chúng ta được ban cho.

(*) 30 đồng bạc là cái giá mà Judas đưa ra để phản bội Chúa Jesus.

Tản mạn chuyện "phản bội" hay "hy sinh" trong nghệ thuật
Tranh mô tả cảnh Judas tới nhận 30 đồng bạc sau khi phản bội Chúa Jesus, họa sỹ János Pentelei Molnár, vẽ năm 1909, lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Hungary. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Dựa theo bài viết “Selling Out or Sacrifice in Art”
Đăng trên tạp chí nghệ thuật CANVAS
Tác giả: Masha Savitz
Quang Minh dịch thoát

Xem thêm:

Mời xem video: