Tu dưỡng và tôn quý của một người không chỉ thể hiện ở những việc lớn lao, khó khăn, mà còn thường thể hiện ở những chi tiết rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt nó thể hiện rõ ràng nhất trong thái độ, cách cư xử của người ấy với cha mẹ, với người thân thiết của mình.

Thái độ với cha mẹ thể hiện rõ nhất sự tu dưỡng của một người
(Ảnh minh họa: Imtmphoto, Shutterstock)

Người phương Đông thời xưa cho rằng “tiểu trung hữu đại”, trong cái nhỏ có cái lớn, giọt nước nhỏ không ngừng chảy xuống có thể làm mòn tảng đá, mồi lửa nhỏ cũng đủ để đốt cháy cả cánh đồng, việc nhỏ không nhịn sẽ làm loạn chí lớn, mỗi ngày một việc tốt đủ để kết nhiều thiện duyên. Bất cứ việc “đại thiện” nào cũng cần tích lũy từ “tiểu thiện” mà thành. Không ai có thể một bước trở thành anh hùng, hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Chính vì thế con người muốn có được các mối quan hệ hài hòa trong xã hội phải bắt đầu từ việc tu thân, thiết lập được mối quan hệ hài hòa trong gia đình, đặc biệt là mối quan hệ với cha mẹ, người thân. Dưới đây là ba điều cần chú ý trong việc ứng xử với cha mẹ.

Kiểm soát cử chỉ, hành vi

Trong sách Lễ Ký viết: “Bất thất túc vu nhân”, ý tứ chính là khi ở trước mặt người khác thì cần phải chú ý cử chỉ và dáng vẻ của mình sao cho phù hợp lễ nghi, tôn kính người bề trên, yêu thương người dưới. Mỗi một hành động giơ tay nhấc chân đều cần phải đúng mực, không được tùy tiện. “Bất thất túc vu nhân” còn có một tầng ý nghĩa nữa là không ở sau lưng cha mẹ làm ra những sự tình trái đạo lý, trái lương tâm.

Cổ ngữ nói: “Việc khó xử xem năng lực, việc nhỏ bé xem tu dưỡng”. Vô luận là ở trong gia đình hay trong các mối quan hệ thân thiết khác, trạng thái tư tưởng của một người thường là thoải mái nhất, buông lơi nhất. Cũng chính từ những hành vi trong trạng thái tự nhiên nhất này mới hiện lộ rõ ra  phẩm hạnh của một người.

Kiểm soát sắc mặt

Lễ Ký lại viết: “Bất thất sắc vu nhân”, nghĩa là cần phải kiểm soát được niềm vui nỗi buồn của bản thân trước mặt người khác, không nên để nó dễ dàng lộ ra bên ngoài. Gia đình là hoàn cảnh giữa người nhà có quan hệ mật thiết, vì thế tương đối an toàn bao dung. Đây cũng chính là hoàn cảnh dễ dàng dưỡng ra tính tùy tiện của một người.

Có một số người, ở bên ngoài chịu một chút uất ức ủy khuất, hoặc chịu một chút áp lực, không cách nào phát tiết ra được liền mang cảm xúc đó về nhà phát tiết lên người thân. Thậm chí, có những người khi được cha mẹ góp ý thì thể hiện thái độ khó chịu, không hài lòng, không tiếp thu. Coi hết thảy những gì mình nói là đúng, phủ định ý kiến của cha mẹ, cho rằng cha mẹ lạc hậu, đây là thiếu tôn kính cha mẹ. Khi nghe ý kiến của cha mẹ, chúng ta nên dùng thái độ khách quan nhận định, chấp nhận những ý kiến hợp lý và giải thích những chỗ bất đồng với ý kiến của mình.

Khổng Tử nói rằng hiếu kính cha mẹ khó nhất là ở “sắc mặt”. “Sắc mặt” là khó ở chỗ nào? Khó là khó ở chỗ tuy rằng con cái có tâm cung kính nhưng lại khó giữ được thái độ thường xuyên vui vẻ hòa nhã trước mặt cha mẹ. “Sắc mặt” của con cái đối với cha mẹ bao hàm hai ý nghĩa. Một là khi chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ thì con phải luôn luôn giữ được sắc mặt ôn hòa, vui vẻ. Như vậy cha mẹ mới cảm thấy mình không làm phiền con cái. Hai là bất luận là vẻ mặt của cha mẹ có vui vẻ hay không thì con cái vẫn phải thủy chung cung kính, hiếu thảo. Như vậy cha mẹ mới cảm thấy yên lòng. Đây mới thực sự là hiếu thảo và cũng là việc khó nhất.

Kiểm soát lời nói

Lễ Ký còn viết: “Bất thất khẩu vu nhân”, tức là khi nói chuyện nhất định phải cân nhắc đến cảm nhận của người nghe, cần phải biết đặt mình vào vị trí của người nghe, suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi nói.

Ngay cả khi chúng ta đang rất tức giận, cũng không nên buông lời cay nghiệt, nguyền rủa người khác. Lời nói như mũi dao, vết thương mà nó gây ra là rất khó lành. Đối với người càng thân quen, càng không nên tùy tiện nói lời tổn thương họ. Đây một điều vô cùng quan trọng trong tu dưỡng hàng ngày.

Trong tư tưởng của cổ nhân, có bốn việc khi đã làm thì khó vãn hồi được hậu quả. Thứ nhất là lời đã nói ra, thứ hai là tiền đã tiêu đi, thứ ba là thời gian đã trôi qua, thứ tư là cơ hội đã mất đi. Trong đó, lời nói đứng ở vị trí thứ nhất.

Khi một người bị vây hãm trong áp lực thì thường quên mất việc kiểm soát lời nói như thế nào cho tốt. Trong lúc tức giận phát tiết ra, người ấy sẽ thường dùng những lời lẽ châm biếm, bẻ cong, khuyếch đại, hạ thấp, lời nguyền rủa đối với người thân thiết của mình. Kết quả là sự tức giận của người ấy được phóng thích ra ngoài nhưng lại mang đến sự phiền não và không dễ chịu đối với người nghe. Nếu người nghe cảm thấy bị xúc phạm mà phản kích lại thì sẽ khiến xung đột trong gia đình ngày càng căng thẳng, nghiêm trọng. Mối quan hệ tốt đẹp sẽ bị hủy hoại bởi một lời nói mất kiểm soát.

Mối quan hệ giữa người với người càng là thân thiết thì càng không dễ dàng kiêng nể gì, càng dễ dàng phát giận. Cũng ngay ở trong trạng thái buông lỏng ấy, người ta thường bởi vì hành vi lời nói không thỏa đáng mà tạo thành tổn thương cho nhau. Người ta thường bao dung với người ngoài, đặt tâm ở những việc lớn lao, ở những mối quan hệ phức tạp mà xem nhẹ thái độ của mình đối với cha mẹ, người thân. Nhưng rất nhiều khi lơ đãng một hành vi nhỏ có thể đem lại hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc đời, ảnh hưởng đến những người thân yêu nhất.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: