Mặc dù là Thái hoàng thái hậu đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Trung Hoa, Bạc Cơ lại hầu như bị xem nhẹ cả đời, cho dù được tiên đoán là có thể sinh Thiên tử thì cũng không được người khác để tâm. Ngay cả khi đã trở thành thiếp của Hoàng đế, bà vẫn gần như bị bỏ quên. Sau khi may mắn sinh hạ được Hoàng tử, bà lại bị bỏ rơi. Cuối cùng để tránh sự tranh chấp giành giật trong hoàng cung, bà chọn đến nơi hoang vu hẻo lánh sinh sống, nhờ vậy mà bảo toàn được tính mạng của hai mẹ con. Về sau, con trai của bà trở thành Hoàng đế của nhà Hán, hậu duệ của bà đã mở ra một thời kỳ hoàng kim của lịch sử Trung Hoa: “Văn cảnh chi trị”.

Thái hoàng thái hậu đầu tiên của Trung Hoa và cuộc đời "an phận"
Bạc Cơ cũng là người mẹ xuất hiện trong “Người con nếm thuốc”, câu chuyện về một trong 24 tấm gương hiếu thảo thời cổ đại. Con của bà khi đã trở thành Hoàng đế vẫn tận tâm tự mình chăm sóc mẹ. (Ảnh: Dingar, Wikipedia, Public Domain, Aphotostory, Shutterstock)

Xuất thân và lời tiên đoán sẽ sinh Hoàng đế

Trong sử sách không có tên thật của Bạc Cơ. Cha của bà là Bạc Công, người huyện Ngô, mẹ bà tên là Ngụy Ôn, tông thất Ngụy vương, là người Hà Đông. Cha Bạc Cơ mất sớm, hai mẹ con sống nương tựa vào nhau.

Cuối nhà Tần xảy ra chiến loạn, vương tôn quý tộc cũ của nước Ngụy cũng tham gia chống lại nhà Tần. Hạng Vũ lập Ngụy Báo làm Ngụy Vương. Ngụy Ôn liền đưa con gái Bạc Cơ vào cung hầu hạ Ngụy Báo.

Một lần, Ngụy Ôn thỉnh cầu nữ tướng sỹ Hứa Phụ, đồng thời cũng là người có tài xem tướng đoán mệnh nổi tiếng thời bấy giờ đến xem tướng cho Bạc Cơ. Hứa Phụ nói rằng: “Bạc Cơ sẽ sinh Thiên tử”.

Lúc ấy, Ngụy Báo vừa mới liên kết với Lưu Bang nhà Hán, chuẩn bị cùng nhau tiến đánh nước Sở. Nghe lời tiên đoán của Hứa Phụ, Ngụy Báo mừng rỡ: “Con trai mình tương lai là Thiên tử, vậy thì bản thân mình há chẳng là phải Hoàng đế sao, cần gì phải dựa vào Lưu Bang?” Thế là Ngụy Báo phản bội lại nhà Hán.

Về sau, Ngụy Báo bị đại tướng Hàn Tín của Lưu Bang đánh hạ, tất cả người trong nhà Ngụy Báo đều trở thành tù binh. Ngụy Báo bị bắt sống còn Bạc Cơ vào hoàng cung và trở thành người hầu trong xưởng dệt lụa của Hoàng cung. Sau khi Ngụy Báo bị giết chết, cô gái trẻ Bạc Cơ đã phải trải qua nỗi đau mất chồng.

Một lần, Hán Cao Tổ Lưu Bang ngẫu nhiên đến xưởng tơ, nhìn thấy sắc đẹp của Bạc Tơ, liền mệnh lệnh đưa Bạc Cơ vào hậu cung. Nhưng Lưu Bang nhanh chóng quên mất sự tình ấy, Bạc Cơ ở trong hậu cung hơn một năm cũng không được sủng ái.

Lúc trước, Bạc Cơ có mối quan hệ thân tình với Quản phu nhân và Triệu Tử Nhi. Họ đã ước định với nhau rằng: “Trong ba người chúng ta, nếu ai được sủng hạnh trước thì không được quên những người còn lại!” Sau này, Quản phu nhân và Triệu Tử Nhi được Lưu Bang sủng ái trước.

Năm Hán Cao Tổ thứ tư, khi Lưu Bang đang ngồi ở Cao Linh Đài thì có Quản phu nhân và Triệu Tử Nhi hầu hạ. Khi ấy, hai người họ đang cười giễu và nói với nhau về ước định khi xưa của họ với Bạc Cơ. Lưu Bang nghe được đã hỏi nguyên do và hai người họ đã kể hết sự thật cho Hoàng đế nghe. Lưu Bang nghe xong thì sinh lòng thương xót, ngay tối hôm đó đã triệu kiến Bạc Cơ. 

Đêm đó, Bạc Cơ nói với Lưu Bang rằng: Đêm trước, thiếp mơ thấy có một con thương long ở trên bụng mình”. Lưu Bang nghe xong, cho đó là điềm lành. Sau đêm đó, quả nhiên Bạc Cơ mang thai, sinh hạ được một người con trai, đặt tên là Lưu Hằng. Nhưng cũng từ đó trở đi, Lưu Bang lại lạnh nhạt với bà, hai người rất ít có dịp gặp mặt nhau. 

Không tranh không giành, tránh được họa sát thân

Tuy rằng sinh hạ được Hoàng tử, nhưng Bạc Cơ không vì thế mà đòi hỏi Hoàng đế sủng hạnh, hết thảy đều để thuận theo tự nhiên. Bà lặng lẽ nuôi dưỡng con trai, đối xử lương thiện với mọi người. Cho dù là với những người có địa vị thấp nhất trong cung, bà cũng vô cùng lễ nhượng.

Lúc ấy, người được sủng ái nhất trong cung là Thích phu nhân, một người giỏi về múa. Dựa vào sự sủng ái ấy, Thích phu nhân thỉnh cầu Lưu Bang lập con trai mình là Triệu Vương Lưu Như Ý làm Thái tử, phế bỏ thái tử đã lập trước đó là Lưu Doanh. Lưu Doanh là con trai của Lữ Hậu. Tuy nhiên cuối cùng mong muốn phế lập đó không thành.

Năm Hán Cao Tổ thứ 11, Lưu Hằng 8 tuổi được lập làm Đại vương. Năm sau, Lưu Bang mất, anh khác mẹ của Lưu Hằng là Thái tử Lưu Doanh lên ngôi, tức là Hán Huệ Đế, Lữ hậu trở thành Hoàng thái hậu, nắm mọi quyền hành trong tay hơn cả Hoàng đế.

Thích phu nhân và các phi tần trước đây được Lưu Bang sủng ái đều bị Lữ Hậu căm hận, bắt giam vào trong ngục. Lữ Hậu tàn độc, giết chết Triệu Vương Lưu Như Ý, sau đó tra tấn thảm khốc Thích phu nhân. Thích phu nhân bị chặt tứ chi, bị khoét hai mắt, bị cắt mũi và tai, bị cạo hết tóc, bị chuốc thuốc câm khiến bà không nói được, bị chết trong đau đớn. Lữ Hậu thậm chí còn dẫn con trai Lưu Doanh đến xem cảnh thê thảm của Thích phu nhân khiến ông sợ đến run người, bật khóc và từ đó trở đi sinh bệnh không dậy nổi.

Bạc Cơ rất hiếm khi gặp Lưu Bang, là người không được sủng ái nhất trong các phi tần. Thậm chí cho đến tận lúc Lưu Bang mất, Bạc Cơ cũng không được phong làm Phu nhân, chỉ làm thiếp. Hơn nữa, Bạc Cơ cũng không có tâm tranh đấu giành giật, không uy hiếp bất kỳ ai cho nên không bị Lữ Hậu ganh ghét, đố kỵ.

Để tránh những mâu thuẫn tranh giành trong triều, Bạc Cơ đã xin Lữ Hậu cho phép Bạc Cơ dẫn con trai đến sinh sống ở Đại Quốc, vốn là đất phong của Lưu Hằng và được Lữ Hậu đồng ý. Ngay cả em trai của Bạc Cơ là Bạc Chiêu cũng được cho phép đi cùng.

Đại Quốc là vùng đất nằm ở biên giới Hán Đình, rất cằn cỗi và hoang vu. Bạc Cơ cùng với con trai bà sinh sống ở đó suốt 15 năm. Trong khoảng thời gian đó, gia tộc họ Lã nắm quyền hành, khuynh đảo triều chính, không ngừng hãm hại giết chết nhiều Hoàng tử.

Sau khi Lã Thái hậu qua đời, nhà Hán hỗn loạn. Bấy giờ trong những người con của Hán Cao Tổ Lưu Bang thì chỉ có Lưu Hằng là lớn tuổi và đức độ nhất. Điều này có mối quan hệ mật thiết với cách đối nhân xử thế và nhẫn chịu của Bạc Cơ. Cuối cùng các đại thần đã mời Lưu Hằng về Trường An, tôn lên ngôi Hoàng đế. Đây chính là Hán Văn Đế.

Sau này khi cháu nội Bạc Cơ là Hán Cảnh Đế lên ngôi, bà trở thành Thái hoàng thái hậu đầu tiên của nhà Hán, cũng là Thái hoàng thái hậu đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Trung Hoa.

Theo Sound Of Hope
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: