Cổ nhân cho rằng một người đạt được Trạng nguyên hay không, ngoài tài học ra, còn phải xem tâm tính của người ấy. Điều này đôi khi không phải là không có cơ sở.

Thần đồng hay chữ vì kiêu căng mà mất ngôi Trạng nguyên
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online – baobinhphuoc.com.vn)

Thần đồng vùng Chí Linh

Ở làng Ốc Dương, xã Triều Dương, huyện Chí Linh, trấn Hải Dương (nay là thôn Lý Dương, xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) có gia đình nghèo khó sinh được hai người con trai là Đồng Công Hãng (hay gọi là Đồng Hãng) và Đồng Đắc.

Dù gia cảnh khó khăn, nhưng Đồng Hãng vẫn rất ham học. Bấy giờ trong làng có một phú hộ nuôi thầy đồ để dạy chữ cho con, Đồng Hãng xin làm giúp việc để được học ké. Nhờ ham học lại thông minh nên Đồng Hãng tiến rất nhanh, gia đình phú hộ cũng rất vừa lòng.

Mặc dù Đồng Hãng học giỏi nhưng tính tình cậu lại tự cao và kiêu ngạo. Năm 14 tuổi có cuộc khảo hạch văn chương với đề bài là “Trùng tu Quốc Tử Giám”, Đồng Hãng tham gia và làm liền 2 bài, khi các quan hỏi nguyên do thì Đồng Hãng đáp rằng vì đề bài có chữ “trùng” nên ông làm 2 bài.

Sách “Công dư tiệp ký” có ghi chép rằng, một lần Đồng Hãng vào công đường ở Thừa ty Hải Dương đánh liền 3 hồi trống. Các quan cho triệu vào và hỏi, Đồng Hãng đáp rằng: “Hàn sĩ muốn đến xin ăn, nhưng sợ khó thấu đến nên phải đánh trống để các quan ở quý nha đến cho dễ xin hơn, thực chẳng có việc gì khác”.

Viên quan Thừa ty nói rằng: “Ngươi đã là học trò, chúng ta ra cho một đề thơ. Nếu làm được sẽ cho tiền gạo.”

Đồng Hãng nói rằng đã ra đề thì ra luôn trăm đề. Viên quan Thừa ty cùng 3 viên quan khác thay nhau ra đề liên tục, ra đề nào Đồng Hãng liền làm ngay đề ấy, chẳng mấy chốc đã xong 100 bài thơ, ý tứ đều hay khiến các quan đều phục, bèn cho Đồng Hãng 5 quan tiền và một thúng gạo. Tiếng tăm của Đồng Hãng cũng bay khắp nơi.

Vùng Chí Linh bấy giờ hay chữ có tiếng là Đỗng Hãng và Phạm Công Trĩ. Có câu rằng: “Chí Linh Trạng, Bảng, phi Hãng tắc Trĩ” nghĩa là: Chí Linh Trạng nguyên, Bảng nhãn không phải Hãng thì cũng là Trĩ.

Nhờ hay chữ mà được vợ

Một hôm thầy đồ sai Đồng Hãng xuống bếp châm đóm cho ông hút thuốc. Lúc này ở dưới bếp có chảo tôm, bụng đang đói meo mà xung quanh lại chẳng có ai, Đồng Hãng liền thò tay lấy một con để ăn.

Đúng lúc này cô con gái phú hộ đi xuống và bắt gặp, Đồng Hãng xấu hổ quá lúng túng xin cô đừng mách thầy. Cô gái nói rằng sẽ ra cấu đối, nếu đối được sẽ không mách thầy. Câu đối rằng: “Hà tài hũ trung bị hoàng bào cúc cung như dã”, nghĩa là: Con tôm ở trong nồi, mặc áo vàng, coi bộ khúm núm.

Câu đối này rất khó đối, ngoài nghĩa đen còn có nghĩa bóng: Nghĩa đen là con tôm bị rang nên vàng như mặc áo, thân cong lại như khúm núm; còn nghĩa bóng chỉ anh học trò ăn vụng bị bắt quả tang nên dáng bộ khúm núm.

Đồng Hãng chưa nghĩ ra liền nói đợi mang đóm lên cho thầy rồi sẽ đối lại. Đưa đóm cho thầy xong thì thầy lại nói ra giếng lấy nước để mài mực. Khi Đồng Hãng đang múc nước thì thấy có con ếch, liền nảy ra câu đối.

Đồng Hãng xong việc thì chạy xuống bếp đối ngay rằng: “Oa tàng tỉnh để quải thanh y, mỹ mục miện hề”, nghĩa là: Con ếch ở dưới giếng, mặc áo xanh, mắt liếc đẹp thay.

Câu đối lại này lại cũng có cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nghĩa đen tả con ếch, trong khi nghĩa bóng lại nói dáng vẻ xinh đẹp của cô gái.

Cô gái đem chuyện này kể lại với cha mình. Phú hộ thấy Đồng Hãng có tài, liền ngỏ ý muốn nuôi Đồng Hãng ăn học, xem như người nhà. Từ đó Đồng Hãng được học “thật” với thầy mà không phải học “ké” như trước, cậu càng tiến bộ nhanh hơn. Phú hộ hài lòng liền nhận luôn làm con rể, từ đó Đồng Hãng không còn lo làm việc nữa mà chỉ tập trung vào học.

Kiêu căng mà mất ngôi Trạng nguyên

Đến khoa thi năm 1556 đời Mạc Tuyên Tông, Đồng Hãng dự thi và đòi nhà vợ phải mổ trâu ăn mừng vì nghĩ kiểu gì cũng đỗ. Đến lúc làm bài thì có câu khó quá làm không được. Có ông già lều kế bên nói sẽ giúp đọc để Đồng Hãng làm bài cho xong. Thế nhưng Đồng Hãng từ chối mà thu dọn lều chõng rời khỏi trường thi, về nhà chuẩn bị cho khoa thi tới.

Đồng Hãng chăm chỉ đèn sách, 3 năm sau đến khoa thi năm 1559 lại đăng ký dự thi. Cũng như lần trước, lần này Đồng Hãng lại đòi nhà vợ mổ trâu khao cả làng trước, nếu không sẽ không chịu thi, gia đình phú ông phải chiều chàng rể khao cả làng.

Đến thi Hội, phải qua tứ trường, nhưng mới hết trường nhất Đồng Hãng đã kiêu căng tự phụ nói: “Quan trường nào mà ra đề khiến Hãng này không làm được, thế mới thật là giỏi”, vì kiêu ngạo như vậy mà các quan rất ghét.

Vào đến thi Đình, tương truyền đúng ra Đồng Hãng đã có thể đỗ đầu Trạng nguyên, nhưng các quan chỉ chấm cho ông đỗ Hoàng giáp.

Đỗng Hãng thi đỗ trở về, gia đình rất mừng. Sau ông làm quan đến Tả thị lang.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: