“Luận Ngữ” viết: “Quân tử nghĩa dĩ vi thượng” (bậc quân tử trọng nghĩa) và “Kiến lợi tư nghĩa” (thấy lợi thì nghĩ đến điều đạo nghĩa). Có thể thấy, đối với những người có đạo đức cao thượng nếu phải lựa chọn giữa lợi và nghĩa thì họ nhất định sẽ coi trọng nghĩa hơn lợi, theo đuổi đức hạnh hơn là lợi ích. Dù vậy, trong lịch sử từ xưa đến nay rất nhiều người thấy lợi quên nghĩa và kết cục cuối cùng chính là bi kịch thê thảm.

Đạo trị quốc: Tham bát bỏ mâm thì sẽ có họa mất nước
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Trong sách “Tả truyện” có ghi chép lại câu chuyện thấy lợi quên nghĩa của vua nước Ngu mà cuối cùng nước mất nhà tan như sau:

Thời Xuân Thu, có một giai đoạn nước Tấn lớn mạnh, lần lượt chiếm được không ít nước chư hầu nhỏ yếu. Lãnh thổ và thực lực quân sự của nước Tấn cũng tăng lên nhanh chóng. Tấn Hiến Công muốn tiếp tục mở rộng lãnh thổ nên dự định chiếm hai nước lân cận là nước Ngu và nước Quắc.

Ngu và Quắc là hai nước láng giềng. Từ Tấn phải sang Ngu, rồi mới có thể sang Quắc. Đại phu nước Tấn là Tuân Tức liền hiến kế rằng Tấn Hiến Công nên tặng ngọc và ngựa quý cho nước Ngu để mượn đường sang diệt nước Quắc.

Tấn Hiến Công tiếc bảo vật, không nỡ đem trao đổi với nước Ngu. Tuân Tức nói: “Nếu có thể mượn đường của nước Ngu đánh nước Quắc, vậy thì ngọc và ngựa quý của Quốc vương chẳng qua chỉ là gửi tạm ở nước Ngu mà thôi.”

Tấn Hiến Công vẫn có chút lo lắng về đại phu Cung Chi Kỳ của nước Ngu, e rằng ông ta có thể nhìn thấu được mưu kế này. Tuân Tức liền đáp: “Cung Chi Kỳ tài giỏi nhưng là người yếu nhược không khuyên can mạnh mẽ. Hơn nữa, ông ta từ nhỏ đến lớn đều ở bên Ngu Công, Ngu Công và ông ta thân cận, nên cho dù có can ngăn mạnh mẽ thì Ngu Công cũng sẽ không nghe.”

Tấn Hiến Công theo kế, phái Tuân Tức đi sứ nước Ngu để mượn đường. Ngu Công sau khi nhận được lễ vật quý thì lập tức cho nước Tấn mượn đường đánh nước Quắc. Cung Chi Kỳ khuyên vua Ngu không được.

Sau khi Tấn Hiến Công cho quân đánh chiếm được vùng Hạ Dương của nước Quắc, quân Tấn lại thông qua lãnh thổ của nước Ngu mà trở về Tấn. Ba năm sau, Tấn Hiến Công lại sang nước Ngu để mượn đường. Đại phu Cung Chi Kỳ khuyên vua Ngu: “Nước Ngu và nước Quắc là hai nước ở địa thế che chở cho nhau, nước Quắc mà vong thì nước Ngu cũng bị diệt. Không thể vì nước Tấn mà mở cổng chính, dung túng đội quân xâm lược nước khác. Mượn một lần là đã quá phận rồi, sao còn có thể cho mượn lần hai?”

Tuy vậy Ngu Công trước sau đều không nghe lời khuyên của Cung Chi Kỳ, vẫn đồng ý cho nước Tấn mượn đường. Cung Chi Kỳ bất đắc dĩ liền đưa cả gia đình rời khỏi nước Ngu.

Nước Tấn sau khi mượn đường để tiêu diệt nước Quắc, khi trở lại đóng quân ở nước Ngu đã thừa cơ đánh úp nước Ngu, bắt sống được Ngu Công. Nước Ngu truyền từ Ngu Trọng được Chu Vũ vương phong cho đến lúc này bị chấm dứt. Toàn bộ bảo bối mà vua Ngu có được trong tay cũng lại trở về với vua nước Tấn. Ngu Công gặp lợi quên nghĩa quả thực là hại người hại mình.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, người ta thường coi trọng lợi ích hiện thực trước mắt. Rất nhiều người dùng lợi ích để khẳng định giá trị sự nghiệp, có lợi thì làm, không lợi thì không làm, thậm chí không ít người vì lợi ích của bản thân mà sẵn sàng vứt bỏ cả đạo nghĩa. Nhưng dù lớn như quốc gia hay nhỏ như gia đình thì việc coi trọng nghĩa khinh lợi là điều vô cùng quan trọng. Cho dù xã hội phát triển như thế nào, kỹ thuật hiện đại ra sao thì chính nghĩa và lương tri vẫn vĩnh viễn không thể dùng tiền tài để đánh giá được. Cho dù là đoàn thể hay cá nhân mà “thấy lợi quên nghĩa” thì đều là hành vi vô sỉ, bị người người lên án. Một đất nước hay một công ty từ trên xuống dưới đều coi trọng lợi ích mà xem nhẹ đạo nghĩa thì tất sẽ không thể tồn tại lâu dài. Người thấy lợi mà quên nghĩa, xét cho cùng cũng là mất nhiều hơn được mà thôi.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: