Từ xưa đến nay chúng ta đều thấy những lời tiên tri, dự ngôn thường có một đặc điểm quan trọng, đó là không được nói thẳng ra mà thường ẩn ý thông qua hình thức thơ ca, hình vẽ huyền ảo hoặc lời nói chơi chữ khó hiểu, khiến cho thông thường khi sự tình qua đi rồi thì người ta mới biết được chân tướng. Điều này khiến rất nhiều người không hiểu và cũng là nguyên nhân khiến nhiều người hoài nghi về tính chân thật của lời dự ngôn. Một số người còn cho rằng chúng chỉ là sự trùng hợp và tưởng tượng, miễn cưỡng gán ghép mà thành. Vậy vì sao lời tiên tri lại không được nói thẳng ra?

Tiếp theo kỳ 1 nói về thuyết “tất định” của Einstein và sự tương đồng của nó với khái niệm vận mệnh trong nền văn minh phương Đông, kỳ này xin được bàn sâu hơn về vấn đề dự ngôn và tiên tri. (Xem kỳ 1: Tri thức của các cao nhân trí huệ và nhà tiên tri cổ đại đến từ đâu?)

Tính đúng đắn của những lời tiên tri

Dự ngôn hay tiên tri là những lời tiên đoán về những sự tình sẽ xảy ra trong tương lai. Những vần thơ nổi tiếng nhất ở phương Tây thuộc về nhà tiên tri người Pháp Nostradamus, cuốn sách “Les Centuries” (Các thế kỷ) của ông đã ứng nghiệm với rất nhiều sự kiện trong các thời kỳ khác nhau trên toàn thế giới mà không hề gián đoạn. Còn ở phương Đông có rất nhiều thơ tiên tri nổi tiếng, ví dụ “Bách Tự Minh”, “Mai Hoa Thi” của Thiệu Ung triều Tống, “Thôi Bối Đồ”, “Bộ Hư Đại Sư Thi Văn”, “Thần Sư Thi” triều Đường, “Thiêu Bính Ca” của Lưu Bá Ôn triều Minh, “Cách Am Di Lục” của Nam Sư Cổ người Triều Tiên…

Thiển đàm về sự thần bí của những lời tiên tri trong văn hóa nhân loại
Nostradamus là một nhà tiên tri người Pháp nổi tiếng. Chân dung này được lấy từ đồng xu kỷ niệm của Pháp năm 1968 về ông. (Ảnh minh họa: Prachaya Roekdeethaweesab, Shutterstock)

Nói về tiên tri, Đại Việt cũng có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với “Sấm trạng Trình”, tiên đoán về các biến cố chính của dân tộc Việt Nam trong khoảng 500 năm (từ năm 1509). “Sấm trạng Trình” gắn với những giai thoại và sự thật lịch sử. Nhiều nội dung trong sấm ký hiện đã được giải mã và cho là ứng nghiệm, trong đó có thể kể tới:

  • Giúp chúa Trịnh phò vua Lê để cùng trị nước
  • Giúp chúa Nguyễn cát cứ ở Thuận Hóa (Hoành Sơn) để phát triển sự nghiệp
  • Giúp nhà Mạc chọn Cao Bằng cát cứ mấy đời
  • Nguyễn Công Trứ phá đền
  • Nguyễn Nhạc xuất thân từ biện lại làm vua
  • Bằng quận công Nguyễn Hữu Chỉnh nắm quyền lớn rồi chết
  • Cha con Quang Trung và Cảnh Thịnh làm vua 14 năm
  • Nhà Nguyễn tin và mất nước về tay người phương Tây
  • Khởi nghĩa Yên Bái
  • Thế chiến II
  • Cái chết của Toàn quyền Pierre Pasquier

Tất nhiên, đối với các lời tiên tri và dự ngôn thì việc phá giải đều mang tính chất suy diễn. Có nghĩa là trong đại đa số trường hợp, dùng nghĩa bề mặt là không thể giải thích nổi.

Ví dụ khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương hỏi về vận mệnh nhà Minh, Lưu Bá Ôn đã đáp: “Vạn tử vạn tôn” (“Số trời mênh mông, ta là chủ vạn con vạn cháu, hà tất phải hỏi”). Mặc dù trong lòng Chu Nguyên Chương hiểu đạo lý rằng không một triều đại nào có thể tồn tại mãi mãi, nhưng khi nghe được câu trả lời của Lưu Bá Ôn, Hoàng đế cũng không hỏi thêm nữa. Kỳ thực Lưu Bá Ôn ẩn ý rằng giang sơn triều Minh sẽ truyền tới Hoàng đế Sùng Trinh, tức Vạn Lịch Hoàng đế.

Một ví dụ khác là trong Thôi Bối Đồ nói về đoạn diệt vong của triều Đường như sau:

Sấm viết:

Phi bạch phi hắc
Thảo đầu nhân xuất
Tá đắc nhất chi
Mãn thiên phi huyết

Tụng viết:

Vạn nhân đầu thượng khởi anh hùng
Huyết nhiễm hà xuyên nhật sắc hồng
Nhất thụ Lý hoa đô thảm đạm
Khả liên Sào phúc diệc thành không

Tạm dịch:

Sấm rằng:

Không trắng không đen
Thảo đầu nhân xuất
Mượn được một cành
Đầy trời hơi máu

Tụng rằng:

Trên vạn đầu người khởi anh hùng
Máu nhuộm sông ngòi mặt trời hồng
Một cây hoa Lý cũng ảm đạm
Tội nghiệp lật Sào vẫn thành không

Đây là những vần thơ nói về đoạn cuối triều Đường. Ở phần Sấm: “Không trắng không đen” là chỉ màu sắc. “Thảo đầu nhân xuất” là làm rõ ý của màu sắc này. Trong chữ Hán chỉ màu sắc thì chỉ có chữ “Hoàng” (黃 – màu vàng) là có chữ “Thảo” (草) và chữ “Nhân” (人) theo mô tả này. “Mượn được một cành”, là phiếm chỉ chữ “Sào” (巢). Vào những năm cuối triều đại nhà Đường, Hoàng Sào khởi binh phản Đường, khi đánh chiếm Lạc Dương và Trường An thì hạ lệnh đồ sát hoàng tộc nhà Đường, đúng là “Đầy trời hơi máu”.

Ở phần Tụng: “Trên vạn đầu người khởi anh hùng”, chữ “Vạn” (萬) lấy phần đầu gồm chữ “Thảo” (艹) và chữ “Điền” (田), bỏ phần dưới thay bằng chữ “Nhân” (人) thì thành ra chữ “Hoàng” (黃). Điều này một lần nữa khẳng định suy diễn ở phần Sấm.

“Máu nhuộm sông ngòi mặt trời hồng”, Hồng (紅) là màu đỏ, giống với Chu (朱) cũng là màu đỏ, ở đây ám chỉ một nhân vật, chính là Chu Ôn (Chu Toàn Trung), người kiến lập nhà Hậu Lương sau khi giết Đường Chiêu Tông và ép Đường Ai Đế nhượng vị.

Bởi vậy họ Lý (triều Đường là của nhà họ Lý) dù dẹp được nạn Hoàng Sào nhưng cũng không thể nào thoát khỏi cảnh thay triều đổi đại, đúng là “Một cây hoa Lý cũng ảm đạm, Tội nghiệp lật Sào vẫn thành không”.

Từ ví dụ trên có thể hình dung được mức độ ẩn ý trong những lời tiên tri và cách phá giải chúng. Mặc dù việc phá giải mang tính chất suy diễn, nhưng từ xưa tới nay, rất nhiều người đều công nhận và chứng thực những lời tiên tri. Đó là vì cách suy diễn mang tính uyên thâm, logic, có thể sử dụng cùng một cách để phá giải cùng một dạng thơ tiên tri. Hơn nữa những lời tiên tri được công nhận và phá giải thì có tính đúng đắn ăn khớp phi thường chuẩn xác với lịch sử. Về nguyên nhân có thể biết trước được sự kiện tương lai, chúng ta đã nói tới ở kỳ 1. Vậy vì sao lời tiên tri lại không được nói thẳng ra?

Biết trước chưa hẳn đã là điều tốt

Lời tiên tri là để nói trước về một sự kiện xảy ra trong tương lai. Nếu như lời tiên tri được nói thẳng ra cho người đương thời biết trước thì chẳng khác nào muốn thay đổi tình thế phát triển của tương lai, thay đổi quy luật diễn biến đã định trước. Điều này hiển nhiên là không được phép. Bản thân việc nói thẳng ra còn có thể phá hủy tính chuẩn xác và mục đích của lời dự ngôn, hoặc mang đến một loại kiếp nạn nào đó.

Ví như trong lịch sử Do Thái có chép chuyện về nhà tiên tri Moses nổi tiếng trong cả ba tín ngưỡng lớn là Kitô giáo, Do Thái giáo, và Hồi giáo. Trong một thời kỳ xa xưa, những người Do Thái đã sinh sống hòa bình với người Ai Cập tại xứ Goshen, phía Đông sông Nile. Tuy nhiên, dân Ai Cập đã dần trở nên thù địch người Do Thái, biến họ thành những nô lệ và đối xử với họ vô cùng hà khắc. Một ngày nọ, Pharaon Ai Cập nhận được lời tiên tri rằng có một đứa bé sơ sinh sẽ trở thành người dẫn đường vĩ đại và trả lại tự do cho dân tộc Do Thái. Thay vì chúc phúc cho người Do Thái, Pharaon đã ra lệnh dìm tất cả những đứa bé mới sinh xuống dòng sông Nile. Đây chính là kiếp nạn trực tiếp bắt nguồn từ mong muốn thay đổi tương lai. Vậy nhưng dù có ra lệnh giết hết trẻ sơ sinh, Pharaon Ai Cập cũng không thể ngăn Moses, bấy giờ còn là một đứa bé sơ sinh, sống sót. (Xem bài: Chuyện Moses rẽ nước Biển Đỏ qua hội họa phương Tây)

Một ví dụ khác, Lý Thuần Phong từng nói với Đường Thái Tông rằng có một người họ Võ sẽ đoạt mất thiên hạ của ông. Hơn nữa người này đã đang ở trong cung. Đường Thái Tông Lý Thế Dân lập tức định giết hết những người họ Võ trong cung, như vậy là có thể trừ dứt hậu hoạ từ gốc rễ. Nhưng Lý Thuần Phong lại giải thích tiếp rằng đây là kiếp nạn vốn có của nhà Đường, và vẫn còn may là người này cũng khá nhân từ, sau này sẽ mang thiên hạ trả lại cho họ Lý. Nếu Đường Thái Tông giết người đó thì sẽ xảy ra kiếp nạn lớn hơn. Như vậy hậu quả chẳng thể lường trước được. Nghe Lý Thuần Phong nói vậy, Đường Thái Tông cũng đành thuận theo. Người họ Võ mà Lý Thuần Phong nói tới chính là Võ Tắc Thiên.

Có thể thấy rằng lời dự ngôn tiên tri là nhất định không được nói quá mức chi tiết, cụ thể. Nếu biết được đại ý mà cố gắng thay đổi tương lai thì sẽ gây ra kiếp nạn. Đại đa số các lời tiên tri bởi vậy đều dùng phương thức và ngôn ngữ ẩn ý đến để biểu đạt. Một người bình thường, không có khả năng siêu xuất gì khi có được dự ngôn cũng không có cách nào hiểu được hết nội hàm của nó. Điều ấy cũng giảm thiểu kiếp nạn có thể xảy ra khi một ai đó muốn thay đổi tương lai.

Ý nghĩa của lời tiên tri sau khi chân tướng hiển lộ

Nếu sau khi sự tình xảy ra rồi, con người mới biết được chân tướng của lời tiên tri thì lời tiên tri còn có ý nghĩa gì? Ở bề mặt thì tác dụng chủ yếu của lời tiên tri chính là để cảnh tỉnh và chỉ bảo cho con người thế gian. Tức là thông qua những dự đoán chính xác về tương lai để khiến cho thế nhân sáng tỏ rằng vận mệnh của nhân loại là tuân theo sự an bài của Đấng siêu nhiên, từ đó khiến người ta có thái độ kính sợ mà đạt được mục đích khuyến thiện. Sự tồn tại của tiên tri chỉ bảo con người không được cuồng vọng, tự đại. Dẫu có là Pharaon Ai Cập đi chăng nữa, dùng biện pháp cay nghiệt đến đâu đi nữa, cũng không thể thay đổi điều Đấng siêu nhiên an bài.

Đồng thời, lời tiên tri sau khi được phá giải, bản thân nó đã tiết lộ cho con người thiên cơ, khiến con người có thể nhận thức được chân tướng của vũ trụ. Chính là như kỳ 1 đã đề cập tới, trí huệ thật sự của văn minh cổ đại, của Kinh Dịch, Thái Cực, Hà Đồ, Lạc Thư, Bát Quái, v.v.., thật ra không phải là tri thức, kiến thức, sự hiểu biết hay sự thông minh. Nó không phải là tri thức của người thường.

Trong cuộc sống, mặc dù cũng có rất nhiều người học rộng, tri thức nhiều nhưng trí huệ của họ thực sự lại rất hữu hạn. Các nhà tiên tri thời xưa đều là những ẩn sĩ, thế ngoại cao nhân hoặc truyền nhân kế thừa được tinh hoa trong các môn tu luyện hoặc tàn tích văn minh cổ xưa, hoặc thông qua một sự việc nào đó mà có được năng lực đặc biệt. Bởi vậy điều họ tiếp xúc đến, tri thức mà họ thể hiện ra, cảnh giới mà họ đạt được đều là những điều vượt khỏi xã hội người thường.

Nếu lời tiên tri là đúng thì con người không chỉ sẽ biết kính sợ, mà còn biết rằng cần phải nghe theo lời dạy của Thánh nhân, nghe theo các sứ giả của Chư Thần. Tinh hoa nhất trong văn hóa nhân loại cũng chính là những kinh điển cao thâm của các bậc Giác ngộ để lại, trả lời cho nhân thế những câu hỏi được coi là chỗ mê vĩnh hằng như: nguồn gốc nhân loại, mối quan hệ giữa nhân loại và vũ trụ, ý nghĩa của sự tồn tại. Hơn nữa, thông qua các hình thức khác nhau như tu tâm, tu Thiện, tu thân, tu Chân, đức tin, cứu rỗi, v.v, các bậc Thánh nhân ấy đã định hình nên khái niệm về tu luyện trong văn hóa nhân loại.

Do đó có thể thấy, mục đích của những lời tiên tri không phải là tùy tiện tiết lộ thiên cơ, cũng không phải là để nâng cao tri thức của con người. Mục đích của chúng chính là cảnh tỉnh thế nhân, nhưng quan trọng nhất là chứng thực sự tồn tại của “văn hóa tu luyện”: một người thường có thể thông qua tu luyện mà thăng hoa, tu Phật, tu Đạo, trở thành Thiên Thần, thành Thánh… và được cứu rỗi về chốn tươi đẹp hơn trong vũ trụ bao la này.

Tất nhiên, mặc dù khái niệm này không hề mới trong hàng nghìn năm qua, mặc dù văn hóa tu luyện không chỉ được chứng thực bằng tiên tri mà còn bằng lịch sử, bằng kinh điển, bằng sự thăng hoa tinh thần và thể chất, bằng những điều cụ thể vượt qua cái gọi là “khoa học thực chứng” như kinh mạch, huyệt đạo, khả năng chữa lành bệnh nan y, v.v., nhưng rất nhiều người hiện đại vẫn không thể liễu giải, thậm chí không dám và e dè khi tiếp xúc với sự thật ấy trong một nền văn minh quá ư “vật chất”.

Ninh Sơn

Xem thêm:

Mời xem video: