Lương thiện là phúc khí lớn lao nhất trong cuộc sống, phẩm đức là tài sản quý giá nhất của mỗi người.

Đạo Đức Kinh có câu: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, đạo Trời không nể tình riêng nhưng thường khen thưởng cho người lương thiện. Lương thiện không phải là những việc vĩ đại kinh thiên động địa nào đó. Chỉ cần tâm tồn thiện niệm, luôn biết nghĩ cho người khác, thì đã có thể tích đức cho bản thân.

Cổ nhân có câu: “Mọi phúc điền đều tới từ tấm lòng”, lại có câu: “Con người hành thiện, phúc tuy chưa đến, hoạ đã rời xa.” Thi thoảng làm một vài việc thiện không khó, điều khó là suốt cuộc đời vẫn giữ được cái tâm lương thiện.

Đạo Đức Kinh lại giảng rằng: “Thánh nhân không có tâm chiếm hữu, mà tận lực chăm sóc cho người khác, nên bản thân đầy đủ; họ tận lực cấp cho người khác, bản thân ngược lại lại càng phong phú”. Người có phẩm chất cao thượng, đối với tiền bạc không có tâm muốn chiếm hữu, cũng không cố ý tích luỹ của cải. Của cải đối với họ là để chăm sóc người khác, do đó họ cho người khác rất nhiều, và họ lại được càng nhiều.

Thiện không tích không đủ đắc phúc, đức không lập chẳng đủ tụ tài
(Tranh minh họa: Wikipedia, Public Domain)

Sau khi trợ giúp Câu Tiễn chinh phạt Ngô, Phạm Lãi mai danh ẩn tích, cuối cùng trở thành một vị thương nhân. Ông ba lần thành nghiệp, gia sản giàu có, lại liên tiếp ba lần cho không gia sản của mình. “Suốt 19 năm 3 lần giàu sang bậc nhất, nhưng đều phân tán và chia cho người nghèo, huynh đệ thân sơ. Điều này được gọi là người phú quý mà hiếu đức.” (Sử ký)

Vậy nên người đại đức không cầu mà có được địa vị, không ham mà vẫn lưu lại danh tiếng, trường thọ và bổng lộc nên có được.

Trong Liễu Phàm Tứ Huấn còn giảng: “Người hưởng tài phú trăm đồng vàng, ắt phải là nhân vật đáng giá trăm đồng vàng; người hưởng tài phú ngàn vàng, ắt phải là nhân vật đáng giá ngàn vàng.”

Lễ Ký – Đại Học có câu: “Đức giả, bản giã; tài giả, mạt dã”, đức là gốc, tài là ngọn. Công danh lợi lộc thoáng chốc đã qua đi, tiền tài phú quý đến cuối đời cũng chẳng thể mang theo. Làm người không thể bán đứng lương tâm, thà nghèo tiền tài, cũng không thể khuyết đức. Đó chính là “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, người quân tử yêu mến tài vật, nhưng chỉ lấy những tiền tài phù hợp với đạo lý.

Thời Mạt Thanh có vị thương nhân làm ăn thất bát, cần một nguồn vốn lớn để chu chuyển. Số tiền này quá lớn, tìm khắp thiên hạ chỉ có Hồ Tuyết Nham mới có.

Thế là vị doanh nhân bèn tìm tới Hồ Tuyết Nham, chủ động đưa ra giá thấp, thỉnh cầu ông thu mua lại sản nghiệp của mình. Hồ Tuyết Nham nghe xong bèn lập tức phái thuộc hạ đi điều tra thông tin. Sau khi tra rõ ngọn ngành, ông không nói thêm lời nào mà thu mua lại sản nghiệp của vị doanh nhân theo giá trên thị trường.

Vị thương nhân vừa kinh ngạc vừa mừng, không hiểu vì sao Hồ Tuyết Nham lại không mua với giá rẻ. Hồ Tuyết Nham nhìn thấu sự nghi hoặc trong tâm ông, bèn cười mà rằng: “Ông yên tâm, ta chỉ thay ông bảo quản gia sản này, đợi tới khi ông vượt khỏi quan nạn này, thì bất cứ lúc nào cũng có thể tới chuộc lại sản nghiệp của ông.”

May mắn được giúp đỡ, cuối cùng vị thương nhân cũng vượt được khó khăn, và ông ta trở thành khách hàng trung thành của Hồ Tuyết Nham. Nhờ sự giúp đỡ đắc lực của vị thương nhân, việc kinh doanh của Hồ Tuyết Nham cũng ngày càng phát đạt.

Nếu muốn truy cầu một cuộc sống sang giàu, trước tiên cần tu dưỡng nhân nghĩa, đạo đức. Trong quá trình âm thầm tu tâm ấy, phú quý cũng tự theo đó mà đến. Vứt bỏ đức hạnh mà chạy theo tiền tài, kỳ thực cũng giống như gốc và ngọn đảo lộn.

Cổ nhân có câu rằng: “Phúc hoạ vô môn, duy nhân tự triệu”, kiếm hậu phúc hậu lộc mà vô đức vô hạnh, ắt sẽ gặp tai hoạ, trái lại hành thiện tích đức thì dẫu gặp nạn cũng sẽ có phúc phận về sau.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: