Cổ nhân cho rằng giữa Trời và người là có thể cảm ứng, tác động qua lại lẫn nhau, chính là “Thiên nhân cảm ứng”, “Thiên nhân hợp nhất”. Dựa vào loại cảm ứng này, người xưa có thể thông qua sự biến hóa của thiên tượng mà đoán biết trước được nhân gian sắp gặp phải chuyện gì. Đặc biệt, trong các ghi chép lịch sử, mỗi vương triều diệt vong đều có thiên tượng dị thường báo trước.

Trí tuệ cổ nhân: Vương triều diệt vong ứng với thiên tượng dị thường
Tranh “Đế vương đạo thống vạn niên đồ” của họa sĩ Cừu Anh thời Minh. (Tranh: Public Domain)

Người xưa mặc khải ra rằng nếu con người thuận Đạo Trời mà hành xử thì Trời liền hiện ra những điều may mắn, cát tường. Khi ấy, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và đất nước thái bình, người dân sống an định. Trái lại, nếu con người làm ra những việc nghịch Đạo Trời, phạm phải việc xấu, thì Trời sẽ giáng xuống những điềm xấu, những hiện tượng kỳ dị. Khi ấy, thời tiết khô cằn, xuất hiện hạn hán hoặc lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh, đất nước xảy ra binh biến, người dân sống trong loạn lạc. Loại thiên tượng kỳ dị này thực sự đã xảy ra và được ghi chép trong sách sử.

Trong “Trúc thư kỷ niên” ghi chép rằng vào những năm cuối nhà Hạ đã xảy ra hai trận động đất lớn, sông Lạc Hà khô kiệt, núi Cù sụt lở. Cũng theo tư liệu này, vào những năm cuối triều nhà Thương đã xảy ra một trận động đất lớn, làm cho núi Nghiêu bị sụt lở.

Trong “Hoài nam tử” có ghi chép, thời Ân Trụ xảy ra động đất, núi Nghiêu sụt lở, vùng Kính Hà, Lạc Hà, Vị Hà đều bị khô hạn.

Vào những năm cuối Tây Chu, ở Kinh thành và những vùng phụ cận như Kính Thủy, Vị Thủy, Lạc Thủy đều xảy ra động đất. “Trúc thư kỷ niên” còn viết: “Mùa đông năm Chu U Vương thứ ba xảy ra động đất lớn. Vào tháng 6, mùa hạ năm Chu U Vương thứ 4, trời vẫn có sương mù dày.” Trên thực tế, nếu khí hậu xảy ra hiện tượng “đông nóng, hạ lạnh” là thiên tượng dị thường. Chu U Vương chính là vị vua cuối cùng thời Tây Chu.

Vào những năm cuối triều nhà Tần đã xuất hiện lũ lụt chưa từng có. Lúc ấy, một số địa phương lớn như Sơn Đông, An Huy… trở thành vùng sông nước, ngập lụt.

Thời cuối nhà Tây Hán, kể từ khi Hán Nguyên Đế lên ngôi, tai họa xảy ra liên tục nhiều năm liền và kéo dài mãi đến khi Tây Hán diệt vong. Tai họa liên tiếp xảy ra, gồm có lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh phá hoại… làm cho dân chúng chết rất nhiều.

Vào những năm cuối thời Đông Hán cũng vậy, xảy ra nhiều lần bệnh dịch bộc phát. Năm 217 TCN, một loại dịch bệnh đã bùng phát trên phạm vi lãnh thổ. Nhà nào cũng có người chết vì dịch bệnh, nhà nào cũng có tiếng gào khóc thê lương vô vọng. Lúc ấy, người giàu hay người nghèo đều chết mà không có chỗ chôn cất, cho nên ra khỏi cửa là có thể gặp xác chết.

Thời Tây Tấn và Đông Tấn cũng xảy ra 60 lần đại hạn hán, 56 lần lũ lụt, 54 lần bị bão, 53 lần bị động đất, nạn mưa đá xảy ra 35 lần, bệnh dịch 17 lần, 14 lần bị nạn châu chấu phá hoại, 13 lần bị mất mùa đói khát, ngoài ra còn có 2 lần đất nóng và sương tuyết trên diện rộng. Theo cuốn “Tấn thư. Ngũ hành chí” viết: “Vào những năm cuối nhà Tấn, ở vùng Tứ Xuyên có xảy ra động đất, châu Tần và châu Ung xảy ra đại hạn, dịch bệnh, ở Quan Trung xảy ra nạn đói, một vạn tiền một hộc gạo”.

Vào cuối thời nhà Tùy, ở Sơn Đông, Hà Nam xảy ra lũ lụt, bao phủ khắp hơn 40 quận, hơn nữa không lâu sau còn xuất hiện dịch bệnh. Trong đó, ở Sơn Đông tình hình dịch bệnh trầm trọng nhất, khiến nhiều người chết. Và những năm cuối nhà Tùy, khu Quan Trung xảy ra dịch bệnh.

Vào triều nhà Đường, trước khi triều đại bị diệt vong cũng xuất hiện đại dịch bệnh. Khu vực sông Trường Giang và sông Hoài đều xuất hiện dịch bệnh và hạn hán. Thời Đường mạt, ở khu Hoài Nam xảy ra dịch bệnh, khiến cho một lượng lớn binh lính và người dân thiệt mạng.

Những năm cuối triều Nam Tống, khu Chiết Giang, Vĩnh Gia xảy ra dịch bệnh làm nhiều người chết. Hơn nữa, dịch bệnh còn kéo dài liên tục trong một thời gian rất lâu dài. Theo ghi chép, ở Hàng Châu “dịch khí bốc hơi, người bị bệnh chết vô số kể”.

Vào triều nhà Nguyên, thời Thuận Đế là vị hoàng đế nhà Nguyên cuối cùng, dịch bệnh xảy ra nhiều nhất. Theo sử sách ghi chép, dịch bệnh xảy ra 12 lần, chia đều mỗi năm một lần, khiến số người chết vô số kể. Mỗi lần xảy ra đại dịch đều kéo dài hơn 2 năm.

Triều nhà Minh cũng không ngoại lệ, năm Sùng Trinh thứ 14, khu Kinh Tân, Ngô Giang, Giang Tô đều xảy ra đại dịch. Đến năm Sùng Trinh thứ 16,17, ở Sơn Tây xảy ra dịch bệnh đỉnh điểm, rất nhiều người chết không có chỗ chôn cất. Ở huyện Linh Khâu, số người bị chết là hơn một nửa. Rất nhiều nhà bị chết hết nên không có người an táng. Không lâu sau thì triều Minh diệt vong.

Đến triều đại nhà Thanh cũng không thoát khỏi loại thiên tượng dị thượng thời mạt này. Vào những năm cuối triều Thanh, dịch bệnh xảy ra thường xuyên. Trong 34 năm Hoàng đế Quang Tự, có đến 19 năm xảy ra dịch bệnh triền miên. Trong hơn 3 năm niên hiệu Tuyên Thống, thời Hoàng đế Phổ Nghi thì có đến 2 năm xảy ra dịch bệnh, đây cũng là vị Hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa. Dịch bệnh thời ấy chủ yếu là dịch tả, dịch hạch và bệnh sốt rét. Năm 1902, khu Kinh Tân xảy ra dịch bệnh khiến vô số người chết. Cũng trong năm này, ở Hắc Long Giang xảy ra dịch tả, mỗi ngày có 700 – 800 người chết. Năm 1910 xảy ra bệnh dịch hạch làm cho rất nhiều người ở một số địa khu ở miền tây Sơn Hải Quan bị chết.

Vì sao vào thời kỳ cuối các vương triều đều xảy ra tai họa dị thường, thậm chí những năm sau này đã khiến vô số người thiệt mạng? Điều này đáng để suy ngẫm.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: