Làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây là một ngôi làng cổ phong cảnh hữu tình, cây đa, bến nước, sân đình, những nếp nhà cổ san sát nằm sâu trong các ngõ, con hẻm cổ kính. Nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng, làng Thổ Hà lưu giữ trong mình những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

Thổ Hà: Nét xưa làng cổ
(Ảnh: TuanAnhNgo, Shutterstock)

Ngõ xóm

Trải qua những thăng trầm lịch sử và sự tàn phá của thời gian, làng Thổ Hà vẫn hiện lên với tất cả những nét cổ kính, rêu phong.

Làng có một trục đường chính chạy theo bờ Bắc dòng sông Cầu, theo chiều dòng chảy lần lượt là bốn xóm. Vuông góc với trục đường chính là các ngõ xóm sâu và hẹp. Cách đây vài chục năm dấu tích của nghề gốm vang bóng một thời là những bức tường ngõ cổ và bức tường nhà xây toàn bằng những mảnh gốm vỡ hay tiểu sành phế phẩm mà không dùng chút vôi vữa nào, chỉ dùng bùn của sông Cầu để kết dính.

Cổng làng Thổ Hà có kiến trúc đẹp, bề thế và cổ kính, là một trong những chiếc cổng đẹp nhất ở vùng hạ và trung lưu sông Cầu. Quanh khu vực cổng làng, đình và chùa có rất nhiều cây đa đều hàng trăm năm tuổi. Trong làng vẫn còn lưu giữ được một số ngôi nhà cổ xây dựng cách đây trên 100 năm, tiêu biểu cho các ngôi nhà cổ thuộc đồng bằng Bắc Bộ.

Đình làng

Đình Thổ Hà là một ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc, được xây dựng vào năm 1692, thời vua Lê Hy Tông. Đó là một công trình kiến trúc quy mô trên một khu đất rộng 3.000m2 với nghệ thuật điêu khắc độc đáo. Đình đã từng được chính quyền Pháp xếp hạng trong Viện bảo tàng Bác Cổ Đông Dương. Ðình thờ Thành Hoàng là Lão Tử và tổ sư nghề gốm Ðào Trí Tiến. Đây là ngôi đình cổ thứ hai ở Bắc Giang (sau đình Lỗ Hạnh được xây dựng năm 1576).

Đình Thổ Hà tiêu biểu cho không gian tâm linh, văn hóa của người Việt với nét kiến trúc đặc trưng. Các mảng chạm khắc thể hiện phong cách thời Lê rõ nét, độc đáo. Ðề tài thể hiện trên các cấu kiện kiến trúc chủ yếu là “tứ linh, tứ quý”, hoa lá cách điệu, chim thú và con người. Con rồng ở đình Thổ Hà được chạm ở nhiều bộ phận: đầu dư, bẩy, kẻ, cốn, ván nong, câu đầu với các đề tài rồng ổ, rồng mẹ cõng rồng con, rồng và thiếu nữ, v.v..

Trong đình có ba tấm bia to: Thủy tạo đình miếu bi nói về việc xây dựng đình, Cung sao sự tích thánh nói về sự tích thành hoàng Thái thượng lão quân, Bia sao sắc phong sao các đạo sắc của các triều đại trước phong tặng.

Chùa Thổ Hà

Chùa Thổ Hà có tên là “Đoan Minh Tự”. Niên biểu chính thức của chùa chưa được tìm thấy. Căn cứ dòng chữ ghi trên đôi rồng đá ở cửa chùa thì năm Giáp Thân 1580 đời nhà Mạc mua rồng đá, năm Canh Thân 1610 chùa được tu sửa lại. Như vậy, chùa phải được xây dựng từ trước đó.

Chùa xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, có quy mô lớn, bao gồm cổng tam quan, gác chuông và tiền đường. Tam quan chùa nằm sát sau đình. Gác chuông và tiền đường được chạm trổ lộng lẫy với các đề tài rồng mây, hoa lá. Quả chuông to trong gác chuông đã bị lấy mất để đúc vũ khí thời chiến tranh. Trong chùa có tượng Phật tổ Như Lai to lớn và tượng Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen.

Nghề Gốm

Nghề gốm Thổ Hà có từ thế kỉ 12 và là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, bên cạnh Phù Lãng và Bát Tràng. Theo gia phả làng nghề và những mẫu hiện vật khảo cổ được tìm thấy thì Thổ Hà là một trong những chiếc nôi của nghề gốm sứ. Thổ Hà đã là một thương cảng gốm tấp nập của vùng Kinh Bắc. Sự hưng thịnh của nghề gốm đã giúp người dân xây dựng một quần thể kiến trúc đình, chùa, văn chỉ, cổng làng, điếm bề thế uy nghi.

Trong làng còn lưu truyền câu chuyện ông tổ nghề gốm làng Thổ Hà là tiến sĩ Đào Trí Tiến. Vào cuối thời Lý (1009 – 1225) ba ông Đào Trí Tiến, Hứa Vĩnh Cảo và Lưu Phong Tú cùng làm quan trong triều và được cử đi sứ Bắc Tống (960 – 1127). Sau khi hoàn tất sứ mệnh, trên đường trở về nước qua Thiều Châu, tỉnh Quảng Đông, họ gặp bão, phải nghỉ lại. Ở đây có lò gốm nổi tiếng, ba ông đến thăm và học được kỹ thuật làm gốm. Về nước Đào Trí Tiến truyền nghề làm hàng gốm sắc đỏ thẫm cho Thổ Hà, Hứa Vĩnh Cảo truyền nghề làm hàng gốm sắc trắng cho Bát Tràng, Lưu Phong Tú truyền nghề làm hàng gốm sắc vàng thẫm cho Phù Lãng. Trước đây lễ dâng hương Tổ nghề gốm (suy tôn cả ba ông) hàng năm được các nhà làm nghề gốm ở Thổ Hà tổ chức luân phiên nhau tại gia đình.

Từ xưa gốm Thổ Hà đã bán rộng rãi ở kinh thành Thăng Long. Vào thời vua Lê Hy Tông (1680-1705) có hai người dân Thổ Hà đến ở Chùa Hà (một ngôi chùa nổi tiếng nay thuộc Từ Liêm, Hà Nội) để bán các đồ gốm sứ ở các chợ trong ngoài thành Thăng Long. Do buôn bán phát đạt hai gia đình đã tình nguyện công đức một số tiền lớn cùng dân trong xóm xây dựng lại Chùa Hà theo quy mô lớn bằng gạch ngói như hiện nay. Trước đó, Chùa Hà xây bằng gạch vồ, lợp lá gồi, chùa xây vào thời Lê Thánh Tông (1460-1497). Ở chùa Hà còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ bằng gốm như bát hương, chĩnh, ang, vại thể hiện sự tôn kính và tín ngưỡng của người Thổ Hà xứ Kinh Bắc xưa kia.

Để có thể tạo ra được các loại sản phẩm rất bền đẹp như chum vại, chĩnh chõ, tiểu sành có màu nâu sẫm, màu da lươn, người ta phải mua đất sét từ Choá ở huyện Yên Phong cách xa gần 10 km, hoặc mua đất sét ở Xuân Lai cách xa 12 km và phải chở qua sông rất vất vả. Đó là loại sét vàng, sét xanh, ít sạn và tạp chất có đặc tính dễ tạo hình và định hình khi nung ở nhiệt độ cao. Cũng nhờ vậy mà Thổ Hà có thể tạo ra các sản phẩm cỡ lớn với dung tích 400-500 lít. Ðồ gốm Thổ Hà không dùng men, được nung ở nhiệt độ cao để tự chảy men ra và thành sành, gốm màu nâu sẫm, thâm tím đanh mặt, gõ trên gốm tiếng kêu coong coong như thép, mảnh gốm có cạnh sắc như dao, đựng chất lỏng không bao giờ thấm qua, đựng chất rắn đầy chặt không bao giờ ẩm mốc. Gốm của Thổ Hà để nghìn năm không bị mất màu do kỹ thuật nung tốt.

Vào những năm 40 của thế kỷ trước nghề làm gốm Thổ Hà rất phát triển. Giữa những năm 60 của thế kỷ trước, nhà nước thành lập Xí nghiệp gốm Đá Vang trên vùng đồi núi của làng Lát cách Thổ Hà 3 km về hướng Bắc, toàn bộ dân làm gốm của Thổ Hà thành công nhân của xí nghiệp, ăn lương nhà nước.

Đầu những năm 80 kinh tế của thời bao cấp vô cùng khó khăn, dân làng chuyển sang nghề mới là làm mỳ gạo và nấu rượu từ sắn. Thời gian này nấu rượu từ gạo và buôn bán rượu vẫn bị cấm. Nhiều công nhân đã bỏ Xí nghiệp gốm để về làm hàng.

Nghề làm bánh đa nem

Từ bột gạo, ngoài sản phẩm chính là bánh đa nem người dân còn sản xuất mỳ gạo và bánh đa to rắc vừng. Mỳ gạo Thổ Hà bó thành bó to 1 kilogam cũng rất nổi tiếng, mỳ nấu dai mà không nát, nghề làm mỳ gạo có trước nghề làm bánh đa nem hiện nay. Bánh đa vừng Thổ Hà còn ngon hơn bánh đa Kế.

Mỗi gia đình làm bánh đa nem và mỳ thường chăn nuôi khoảng chục con lợn, mỗi con lợn nặng trên một tạ mới bán, đó là nguồn thu nhập rất lớn.

Vào những dịp gần tết, bánh đa nem của Thổ Hà làm ra không đủ đáp ứng cho nhu cầu của thị trường. Thời gian bánh bán chạy nhất bắt đầu từ tháng 9 cho đến hết tháng 2 năm sau. Bánh đa nem Thổ Hà mang hương vị thơm man mát, màu trắng ngần vừa thơm, lại vừa dai.

Ngoài nghề làm bánh đa nem, hiện nay một số gia đình vẫn còn làm nghề nấu rượu, nhưng sản xuất rượu gạo nếp rất ngon và bán với giá cao.

Những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của làng cổ Thổ Hà đã và đang là điểm đến hết sức hấp dẫn và đồng thời là kho tư liệu vô cùng quý giá cho những nhà nghiên cứu về kiến trúc, mỹ thuật, những nghệ sĩ, nghệ nhân tham quan, tìm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật về một làng nghề đã xa.

Thanh Phong tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: